Cuộc xung đột Nga - Ukraine càng làm trầm trọng thêm lạm phát tại châu Âu
Lạm phát khu vực đồng euro đang tiếp tục xoay quanh mức cao kỷ lục, 10,7% trong một năm, so với 3,4% của năm ngoái.
Tới cuối tháng 10, giá xăng dầu và khí đốt đã giảm, nhưng lạm phát vẫn đè nặng lên chi tiêu của người châu Âu. Giá thực phẩm đã tăng là không có giảm, hàng hóa và dịch vụ vẫn đắt đỏ hơn. Lạm phát tác động tới hành vi tiêu dùng của người châu Âu, các cửa hàng thực phẩm giá rẻ đông khách hơn.
Bà Miguelina Gonzalez - Madrid, Tây Ban Nha cho biết: "Trong siêu thị, thực phẩm rất đắt, một chùm nho tới 3 euro, tôi không dám đi siêu thị nữa. Trước đây đi siêu thị với 50 euro là đã mua được rất nhiều, bây giờ với 50 euro thì khó mà mua được cái gì".
Các chuỗi siêu thị giảm bày hàng cao cấp, tăng các sản phẩm không nhãn mác, hoặc mang nhãn hiệu riêng của siêu thị. Hàng hóa vẫn dồi dào, chưa khi nào bên bán phải hạn chế lượng mua, chính người tiêu dùng đang phải tự hạn chế lượng mua: chỉ mua đủ dùng, giảm mua đồ không thiết yếu.
Bà Isabel Jonet - Ngân hàng thực phẩm Bồ Đào Nha nói: "Tỷ lệ lạm phát đối với thực phẩm và năng lượng cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát trung bình. Điều này đặc biệt đúng đối với những gia đình có ngân sách eo hẹp, họ buộc phải giảm bớt chi phí sinh hoạt".
Ngân hàng trung ương châu Âu không có biện pháp nào khác là theo cách của Mỹ và Anh, tăng lãi suất cơ bản. 11 năm nay, lãi suất cơ bản khối các nước sử dụng đồng tiền chung euro ở mức 0 hoặc thậm chí thấp hơn, giữa tháng 7 được nâng lên rồi tháng 9 nâng tiếp, nhằm kiềm chế lạm phát.
Ông Bruno Le Maire - Bộ trưởng Tài chính Pháp: "Chúng ta phải xác định một chiến lược ứng phó, bởi vì khủng hoảng năng lượng còn kéo dài. Những vấn đề đối với khí đốt và dầu mỏ sẽ không thể giải quyết được trong một sớm một chiều".
Từ trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, giá năng lượng đã tăng. Cuộc xung đột càng làm trầm trọng thêm lạm phát tại châu Âu. Ngân hàng trung ương châu Âu bây giờ chỉ cố gắng kéo lạm phát xuống được tới đâu thì được, chứ không còn nhắc tới mục tiêu đưa tỷ lệ lạm phát tại các nước tiêu đồng Euro trở lại mức 2%.
Tại Đức, ngân hàng lớn nhất nước này, Deutsche Bank, vừa có động thái đáng chú ý khi lên kế hoạch tung ra khoản hỗ trợ nhân viên trong giai đoạn lạm phát cao.