Cuộc vui xuân của đồng bào thượng du Miền Bắc
Mỗi sắc dân đồng bào tuy đón xuân có khác, nhưng tựu chung những điểm chính vẫn giống: sửa soạn Tết từ ngày trong năm và vui xuân với...
Đã nói đến Tết Nguyên Đán của người Kinh, đã nhắc qua sự mừng Tết của một vài sắc tộc Thượng miền Nam, tôi tưởng không thể bỏ qua không nói tới đồng bào thượng du miền Bắc với những thú chơi xuân, vui xuân, ăn Tết rất nên thơ.
Đồng bào Thượng miền Bắc phần nhiều gần gũi người miền xuôi qua những cuộc giao dịch làm ăn, nên phong tục tập quán thường không khác người miền xuôi bao nhiêu, ngoại trừ ít nhiều tục lệ riêng, và một số các tục lệ chỉ thấy trong những dịp hội hè tết nhất, nhất là khi mừng xuân.
Những tục lệ trình bày ở đây, chỉ là một số ít các tục lệ cổ truyền, giờ đây không biết có còn tồn tại hay đã thay đổi nhiều. Đành rằng những điều trình bày ra đây còn nhiều thiếu sót, nhưng để giúp ích phần nào cho bạn đọc tham khảo, biết tới đâu, xin nói tới đó với mục đích để những tục lệ này khỏi bị rơi vào lãng quên với tinh thần giữ vững bản sắc dân tộc.
Đồng bào thượng du miền Bắc, gồm rất nhiều sắc dân khác nhau, nhưng có nhiều phong tục tương tự giống nhau. Những sắc dân chính phải kể người Thổ ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, người Nùng ở Móng Cái, Tiên Yên, người Mường ở Ninh Bình, Hòa Bình, phần thượng du tỉnh Thanh Hóa, người Mán ở Vĩnh Yên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, người Mèo ở Hà Giang, Hoàng Su Phì, người Lô Lô, người Yao, người Nhắng ở Lao Cai, người Xạ Phang ở dọc biên giới Vân Nam…
Mỗi sắc dân đồng bào nói trên, trong phong tục đón xuân tuy có khác nhau, nhưng tựu chung những điểm chính vẫn giống nhau: sửa soạn Tết từ ngày trong năm và vui xuân với hội hè, cùng các cuộc giải trí ngoài Tết trong suốt tháng Giêng, có khi sang cả tháng Hai và tháng Ba.
Tết của người Thổ
Trong các sắc dân đồng bào Thượng miền Bắc, các đồng bào người Thổ tại Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn và một phần tỉnh Bắc Giang (châu Hữu Lũng), cũng chung sống lẫn với người Kinh, cũng chịu ảnh hưởng văn hóa với người Kinh, và xưa kia vẫn chịu sự chi phối trực tiếp của triều đình Việt Nam, nên phong tục tập quán gần với người Kinh lắm. Họ cũng sửa soạn Tết, cũng gói bánh chưng, cũng làm các thứ bánh trái như ta. Bánh chưng của họ gói tròn và họ gọi là bánh tày, tuy nguyên liệu làm bánh cũng như người Kinh: gói bằng lá dong, bánh bằng gạo nếp, có nhân đậu và thịt hoặc nhân đường với đậu xanh dùng để cúng Phật.
Ngày Tết họ cũng sắm quần áo mới để ngoài giêng chơi xuân, và để thưởng thức Tết, trong nhà cũng trang hoàng sửa sang. Họ cũng làm cỗ bàn cúng bái.
Trong những ngày hội xuân họ cũng có những trò vui như hội hè ở miền xuôi, nhưng cũng nhiều khi rất khác.
Dưới đây là tóm lược mấy trò vui đặc biệt của đồng bào Thổ trong những hội xuân:
Hát lượn
Hát lượn cũng giống như hát đúm ở miền xuôi, hoặc hát hò ở miền Nam. Đây là lối hát giao duyên giữa nam thanh nữ tú nhưng riêng của trai gái miền thượng du miền Bắc. Tại khắp các hội xuân của đồng bào Thổ, và cả của đồng bào Mán thuộc mấy tỉnh Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang nữa – hội Tam Lộng tỉnh Vĩnh Yên vào ngày 25 tháng Chạp, hội Đồng Mỏ ngày mồng chín tháng Giêng (Châu Ôn tỉnh Lạng Sơn), hội Kỳ Lừa ngày mồng 10 tháng Giêng v.v… trai gái miền sơn cước rủ nhau tới hội hát lượn.
Trong câu hát cùng những lời đằm thắm, cùng những câu ân tình, trai gái thanh xuân hát lượn với nhau quên ngày giờ và quên cả các trò vui khác.
Vừa lượn họ vừa đưa sóng mắt nhìn nhau để câu hát thêm tình tứ, để tim họ thêm rung động. Họ cùng nhau tính đến ngày mai qua câu hát, họ hứa hẹn thề bồi cùng nhau sẽ như chim liền cánh, như cây liền cành.
Nam xướng, nữ họa, nam đối nữ đáp, trai một câu rồi đến gái một câu, họ quên giá lạnh của miền núi, họ không biết đến sự ồn ào ở chung quanh, họ chỉ biết trao đổi cùng nhau những lời êm dịu. Họ ở lại hội rất muộn, rồi lúc về bản, đi đường, đôi khi họ còn hát tiếp.
Đánh còn
Đánh còn cũng là một trò vui đặc biệt của miền thượng du miền Bắc. Đây là một môn du hí lưu truyền từ đời Hùng Vương, nghĩa là từ khi còn có các quan Lang và các cô Mỵ Nương. Hàng năm, tại hội đền Hùng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đều có tổ chức đánh còn.
Còn là một trò chơi quí phái của nữ nhi, hay nói cho đúng của các cô tiểu thư con các Lạc hầu, Lạc tướng.
Lưu truyền tới ngày nay, môn du hí này vẫn giữ nguyên nếp chơi của thời trước, cũng chỉ dành riêng cho các cô sơn nữ, ở Phú Thọ cũng như ở Lạng Sơn, ở Cao Bằng cũng như ở Bắc Cạn.
Còn là một trái cầu to bằng quả cam lớn, khâu bằng vải, trong nhồi bông, hoặc cỏ mềm, hoặc vải vụn. Bên ngoài còn bọc bằng vải mềm, có rua ngũ sắc trông sặc sỡ rất đẹp.
Đánh còn thường tổ chức trên một khoảng đất rộng. Giữa khoảng đất này có trồng một thân cây tre cao. Trên ngọn cột tre, ngoài những lá cờ ngũ sắc phấp phới biểu hiện của đình đám ngày xuân, còn có một vòng tre đường kính ước độ già hai gang tay, có quấn giấy màu xanh đỏ.
Các thiếu nữ chơi còn đứng về hai phía sân còn đối diện nhau để lần lượt thi ném trái còn cho lọt qua chiếc vòng tre trên đỉnh ngọn cột cờ. Khán giả, phần nhiều là các chàng trai, đứng vây quanh sân còn.
Muốn ném còn, các cô sơn nữ cầm rua trái còn đưa tay quăng vọt lên. Trái còn lướt qua ngọn cột tre, những dây rua ngũ sắc cũng lướt xòe ra trông rất ngoạn mục. Thường thường trái còn chỉ đi sát bên chiếc vòng tre, ít khi trúng vào giữa vòng còn. Mỗi lần trái còn đi trúng qua giữa vòng còn, khán giả thường hò reo khen ngợi khuyến khích.
Các cô sơn nữ say mê ném còn, ganh đua nhau mong tung trái còn qua vòng còn. Các cô vừa ném còn, có khi vừa ca những câu hát cổ truyền. Ném còn trúng đích các cô rất hãnh diện, không những với chúng bạn chơi còn mà nhất là với các chàng trai khán giả… Các chàng trai gọi tên các cô để ca tụng, các cô càng cố gắng hơn.
Trái còn văng đi, trái còn đánh lái; những tầm con mắt ngước theo đà còn và có những con tim hồi hộp khi trái còn từ từ sắp lướt tới vòng còn.
Nhiều cô sơn nữ ném trái còn để đoán cuộc nhân duyên của mình. Còn ném trúng đích, các cô hân hoan sung sướng, các cô tin rằng sẽ được may mắn trong yêu đương.
Cuộc chơi còn thường kéo dài suốt mấy ngày hội, và hàng ngày chỉ được ngừng rất muộn vào lúc bóng chiều dần xuống.
Hiếu khách
Trong những ngày hội, đồng bào Thượng miền Bắc tỏ ra rất hiếu khách. Khách lạ tới hội thường được tiếp đãi nồng hậu. Riêng tại tỉnh Cao Bằng, có xã Quảng Uyên, dân làng trong dịp ngày hội đầu năm vào ngày mồng hai tháng hai âm lịch, rất lấy làm hân hạnh được đón tiếp khách vào nhà. Ở đây người ta tin rằng, đầu năm đón được khách lạ vào nhà và thết đãi được khách là một điều may mắn cho suốt năm.
Nhà có đàn bà con gái, người ta mong được tiếp khách đàn ông con trai, và trái lại nhà có đàn ông con trai, người ta mong được tiếp khách đàn bà con gái.
Những đồng bào Kinh tới dự những ngày hội rất được trọng vọng và những chàng trai được các cô sơn nữ tranh nhau mời đón vào nhà. Có thể nói tính hiếu khách là tính chung của đồng bào người Thổ, nhưng đức tính quý hóa này được biểu lộ một cách rất nồng nhiệt trong dịp đầu năm. Có thể nói thêm rằng cùng với tân niên, một người khách lạ đi lạc vào bản, vào bất cứ một gia đình nào cũng được tiếp đãi nồng hậu và lịch sự.
Tết của người Mường, người Nùng, người Thái, người Mán
Từ trên mới đề cập tới đồng bào Thổ và một vài tục giải trí mùa xuân của họ, những tục không thấy ở miền xuôi. Ngoài những tục lệ trên, xin nhắc lại, người Thổ cũng ăn Tết như người Kinh.
Cùng ăn Tết như ta, còn có các đồng bào người Mường, theo các cụ thì họ chính là người nguyên thủy Việt Nam, những tục lệ của người Mường phần nhiều tương tự với tục lệ của người Kinh.
Và cả người Nùng cũng vậy. Người Nùng ở Móng Cái chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc cũng như người Kinh, họ cũng thờ cúng như người Kinh với các tục lệ Kinh. Đồng bào Nùng sinh hoạt nhiều với người Kinh, và sự đụng chạm đã có rất nhiều ảnh hưởng về tục lệ của họ, và những ngày Tết, họ vẫn như người Kinh, trải bao biến chuyển vẫn được đón tiếp long trọng như xưa, nếu không giữ nguyên được về mặt vật chất thì họ giữ nguyên cái tâm thành với Tết.
Cũng cần nói qua tới sự đón Tết của các đồng bào người Thái, cả Thái trắng lẫn Thái đen thuộc các tỉnh Sơn La, Lai Châu. Các đồng bào này cũng sửa soạn sắm Tết như người Kinh. Đặc biệt trong các cuộc vui của họ có múa Xòe là một vũ điệu rất uyển chuyển và rất quyến rũ. Đầu năm, tại các gia đình quý tộc có tổ chức múa Xòe để mời các quan khách và để dân chúng mua vui. Xòe do các cô thiếu nữ biểu diễn, điệu múa nhịp nhàng lả lướt khiến ai đã có dịp dự kiến sẽ không bao giờ quên được. Các cô múa Xòe mặc y phục diêm dúa sặc sỡ.
Trong những ngày hội hè, nam phái nhiều người ăn vận kinh phục, các người quý phái ưa y phục này. Sau này họ cũng mặc theo người Kinh: mặc âu phục.
Tóm lại, người Thái, người Mường, người Thổ và người Nùng sửa soạn và vui Tết không khác gì người Kinh mấy, có khác chỉ khác ở trò vui, cả ngay đến một số người Mán ở Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang cũng vậy.
Tết của người Nhắng
Người Nhắng ở Lào Cai, họ cũng chú trọng tới Tết như người Kinh, và ngày Tết họ cũng gác bỏ mọi công việc để vui chơi.
Từ 20 tháng Chạp trở đi, họ đã sửa soạn ăn Tết, sắm đồ ăn thức mặc, quét dọn nhà cửa. Họ cũng dùng những câu đối như người Kinh để dán vào các cột nhà, dán vào vách.
Đêm 30 Tết họ cũng đón giao thừa. Họ thức suốt đêm để đốt pháo mừng xuân.
Họ có tục đi lấy nước mang về pha trà cúng tổ tiên. Đêm 30 Tết, họ chọn giờ tốt, rủ nhau mang ống nước, bàu nước hoặc sang trọng hơn, mang bình ra suối, lựa chỗ nước suối trong múc về. Nước dành riêng để pha trà cúng.
Tục đi lấy nước suối này, cũng là tục “xuất hành” của họ, nên lúc trở về, họ cũng như người Kinh, bao giờ cũng hái một cành lộc. Cành lộc này họ mang về cắm trên bàn thờ.
Bàn thờ của người Nhắng sơ sài hơn bàn thờ của ta, không có vàng mã chỉ có một bát hương và vài đĩa hoa quả. Trước bàn thờ là một chiếc cồng làm bằng một cây nứa thật dài còn nguyên cả lá uốn cong xuống. Rừng Lào Cai rất sẵn nứa.
Mồng một đầu năm, người Nhắng ăn chay và cúng toàn đồ chay. Ngày hôm ấy họ không đi đâu chỉ ở nhà chúc mừng lẫn nhau.
Ngày mồng hai, họ đi chào mừng bà con, họ hàng quen thuộc, và lễ cúng này là lễ mặn có thịt cá.
Xưa ông Lý trưởng đứng đầu trong làng, được dân làng lũ lượt kéo nhau tới lễ ông vái và chúc mừng. Để đáp lại, ông có cỗ mời đầy đủ, nếu thấy thiếu thứ gì phải cho tiếp ngay.
Trong lúc ăn, trai gái ngồi riêng bàn. Khi rượu ngà ngà say, đôi bên hát lượn với nhau những lời ân ái êm dịu.
Ngày mồng hai Tết, cũng là ngày người Nhắng đi lễ các đền đài. Chung quanh Lào Cai cũng như chung quanh các thị trấn khác của tỉnh này, có rất nhiều đền miếu. Họ đi lễ cầu mạnh khỏe, xin ước những điều mong đợi. Những cặp trai gái Nhắng thường hẹn nhau từ trong năm để đi lễ, để cầu thánh thần phù hộ cho họ được cùng nhau nên duyên cầm sắt. Lễ xong, họ dắt nhau ra cánh đồng hát lượn. Họ đứng cách nhau dùng hai ống nứa nối liền bằng sợi dây dài để hát.
Ngày mồng ba, mồng bốn và sau nữa, người Nhắng vẫn tiếp tục vui chơi có khi cho đến hết tháng xuân: lễ bái, cỗ bàn, hội hè, ca hát, bài bạc…
Một lễ đặc biệt của người Nhắng : lễ Lục tùng.
Thường thường người Nhắng vui xuân cho đến hết ngày Lục tùng là ngày hội chính hàng năm của họ.
Lục tùng là hội to mở cho cả một tổng, có khi cả trai gái các tổng khác cũng tới dự. Thật là vui, vui hơn Tết Nguyên Đán nhiều!
Lễ Lục tùng ở Bát Xát mở vào ngày mồng sáu hoặc mồng bảy tháng Giêng, ở Mường Hum mở vào ngày mồng mười hay mười hai tháng Hai tùy tốt xấu trong các ngày đó. Họ xem ngày cẩn thận.
Lễ Lục tùng chính là lễ cúng ông Thần coi về mùa màng.
Ông lý trưởng hoặc chánh tổng nơi mở hội phải đứng ra tổ chức lễ này và phải chịu hết các phí khoản. Ông phải có sẵn trâu bò, dê lợn, gà vịt để thết đãi dân làng.
Trong mấy ngày Tết Nguyên Đán, những người ở các thôn xã không đến chúc mừng ông Lý hoặc ông Chánh được, ngày lễ Lục tùng họ kéo nhau tới chúc mừng ông rồi rượu chè, bài bạc và hát lượn.
Lễ Lục tùng cử hành ở ngoài đồng bởi một ông thầy cúng gọi là Pẩu mo. Đúng ngày lễ vào lúc 8 giờ sáng dẫn các chức dịch và dân làng ra ngoài đồng làm lễ tại giàn lễ. Giàn lễ là một chiếc bàn to, kê sau một hàng rào nứa mới dựng, trên bàn bày đủ các thức ăn, trâu gà, lợn vịt, v.v… và hương hoa.
Pẩu mo mặc toàn đồ đen, áo dài, quần và khăn đen, bước vào giàn lễ khấn thần, quỳ lễ. Sau Pẩu mo đến các chức sắc, rồi đến dân làng cùng kéo nhau vào lễ.
Lễ xong là cuộc ném còn. Trong lúc này, ông Chánh hoặc ông Lý ngồi cạnh bàn thờ. Pẩu mo bắt đầu cuộc ném còn. Ông cầm quả còn ngũ sắc ném qua vòng còn trên ngọn một cột cờ. Vòng còn ở đây có dán giấy đỏ. Nếu may mắn Pẩu mo ném quả còn xuyên qua được vòng còn bịt giấy đỏ, năm ấy mùa màng sẽ tốt đẹp.
Pẩu mo ném xong dù qua vòng còn hay không, cũng đến lượt dân làng thay phiên nhau ném cho đến khi mặt giấy đỏ bịt vòng còn rách tung ra mới thôi.
Sau cuộc ném còn là tục cướp ống lệnh. Ống lệnh là một ống bằng sắt, gắn kín hai đầu, trong có nhồi thuốc pháo và có cắm một chiếc ngòi. Đốt chiếc ngòi, ống sắt bị sức pháo nổ, tung lên cao, trai gái xô nhau vào cướp. Ai cướp được, mang tới bàn thờ lễ tạ trước nhất, được ông Chánh hoặc ông Lý thưởng tiền và ban cho rượu uống.
Ngoài ra, trong ngày lễ này, còn có trò kéo co và cờ bạc nữa.
Tan lễ ở ngoài đồng, mọi người kéo nhau về nhà ông Chánh hoặc ông Lý ăn cỗ. Trai gái tha hồ chuốc rượu cho nhau. Tục lệ bắt buộc phải uống của mỗi cô gái từ một tới ba chén rượu, tính trung bình mỗi người phải uống tới năm bảy chục chai rượu, mới hết lượt mời; ấy là chỉ tính uống của mỗi cô gái một chén. Nếu chàng trai nào không uống được, các cô xúm nhau vào đè ra, đổ rượu vào mồm, vào đầu, lên tai cho đến khi quần áo ướt hết mới thôi.
Đấy là ban ngày, còn buổi tối trai gái thả sức hát lượn với nhau.
Những chàng trai bị mệt thường tìm lên gác hay sang các phòng bên để ngủ, nhưng các nàng đâu có chịu để yên. Các cô rủ nhau đi tìm các chàng. Một cô cầm chiếc điếu cày và nén hương đang cháy đi trước, các cô khác lũ lượt theo sau. Các cô lên gác, vào buồng, buộc các chàng trai ngồi dậy để hát. Nếu chàng trai bằng lòng hát phải đỡ lấy điếu cày, rít một hơi thuốc lào, rồi cất tiếng ca để trả lời mời mọc của các cô.
Nếu chàng trai cứ nằm ngủ, các cô lấy hương châm vào người, vào tay, vào chân cho đến khi chàng phải ngồi dậy mới thôi.
Suốt đêm Lục tùng trai gái vang ca với nhau cho đến sáng.
Họ chia tay nhau ra về. Lễ Lục tùng hết, Tết Nguyên Đán mới là hết. Mọi người lại bắt đầu làm việc để chờ Tết năm sau.
Xin ngừng ở đây về tục lệ xuân của một số đồng bào thượng du miền Bắc. Sự thực còn thiếu sót nhiều lắm, rất mong quý độc giả lượng thứ.
Trích: Nếp Cũ – Lễ Tết, Hội Hè
Nhà văn Toan Ánh
Đăng lại từ Fanpage Thú chơi sách
Mời độc giả ghé thăm
Bánh chưng và mùa Tết thơm hồn Việt
Mời xem video :