Cuộc truyền ngôi khác thường của vua Lê Thái Tổ

Chia sẻ Facebook
25/09/2022 15:23:47

Muốn hai anh em nối tiếp nhau thừa hưởng ngai vàng, Thái Tổ sẽ truyền ngôi cho Tư Tề và Tư Tề chỉ được truyền ngôi cho Nguyên Long.

Lăng mộ vua Lê Thái Tổ tại di tích Lam Kinh, Thanh Hóa. (Ảnh: Khoailangvietnam, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)


Thông thường khi vua còn đang trị vì đã chọn người nối ngôi. Vua hạ chiếu (lệnh viết) để bố cáo quyết định của mình cho các quan trong triều và toàn dân được biết. Thể thức này tránh được cuộc tranh giành ngai vàng giữa các hoàng tử sau khi vua băng hà.

Người nối ngôi thường là con trưởng của vua. Đôi khi con trưởng không đủ tài đức, vua lựa một người con thứ.

Có trường hợp vua không truyền ngôi cho con mặc dù không thiếu gì con nhưng vua tin cậy em hơn con nên chọn em nối ngôi.

Năm 1372 vua Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho em là Duệ Tông để lên làm Thượng hoàng.

Lịch sử nước ta có chép một sự kiện có thể coi là một cuộc đảo chính. Vì lòng dân oán giận sự bạo ngược của Lê Long Đĩnh (tục gọi là Ngoạ Triều) nên năm 1010 – khi Long Đĩnh chết – sư Vạn Hạnh vận động đại thần Đào Cam Mộc lật đổ triều đại Tiền Lê để đưa Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Lý Công Uẩn lên ngôi, mở đầu nhà Lý.

Lịch sử còn chép cuộc truyền ngôi khác thường của vua Lê Thái Tổ như sau.

Quốc Vương và Hoàng Thái Tử

Vua Lê Thái Tổ có 2 con trai với 2 bà phi khác nhau (vua không lập hoàng hậu). Con trưởng là Tư Tề được phong tước Hữu Tướng Khai Quận Công. Con thứ là Nguyên Long được phong tước Lương Quận Công. Anh lớn hơn em 14 tuổi.

Do hệ quả 10 năm kháng chiến gian khổ, vua Thái Tổ thường bị tật bệnh. Năm 1429 – sau một năm lên ngôi – vua quyết định việc truyền ngôi cho con.

Vua ban hành 2 kim sách (1) với nghi lễ trang trọng. Các đại thần Lê Vấn, Lê Ngân và Lê Văn Linh mang kim sách 1 tới cung của Tư Tề tuyên đọc chiếu phong Tư Tề làm Quốc Vương, tạm quyền cai quản việc nước. Các đại thần Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Lý và Lê Quốc Hưng đem kim sách 2 tới cung của Nguyên Long tuyên đọc chiếu phong Nguyên Long làm Hoàng Thái Tử.

Để giải thích quyết định của mình, Thái Tổ hạ chiếu bố cáo với triều thần và toàn dân. Dưới đây là trích đoạn:

“Cha gây dựng, con làm theo, đạo nhà càng thêm thịnh vượng. Anh thừa kế, em tiếp tục, gốc nước càng được vững vàng. Những vua hiền xưa lo tính công việc thật là sâu sắc và thấy xa. Trẫm đây chính mình mặc áo giáp, đội mũ trụ, tắm gió gội sương hàng 13 năm đã mệt nhọc. Nay tuổi càng cao, sức lực kém sút, hàng ngày muôn việc bề bộn, một mình khó làm xuể. Trẫm đã nghĩ kỹ, người xưa chấp kinh có lúc tòng quyền (2) cũng hợp đường lối của thánh hiền, lập anh trước rồi truyền em sau, vẫn kéo dài được ngôi bảo tộ (3) cốt sao châm chước cho kịp thời rồi đặt làm phép nhất định .

Tư Tề tuổi ngoài 20 đã đủ tư cách thành nhân; dẫu sự suy nghĩ chưa được sáng suốt chu đáo nhưng đối với sự vụ và cơ nghi cũng rất biết học tập rạch ròi. Như vậy đáng tạm quyền cai quản việc nước để giúp đỡ trẫm.

Nguyên Long tính chất tuy thông sáng nhưng tuổi còn non trẻ nên để gây mối ở thanh cung đợi ngày thành tài.

Vậy nếu Tư Tề vào coi triều để xét xử chính sự thì Nguyên Long coi giữ nhà nước, vỗ về quân đội.”

Vua lại ra lệnh cho các bày tôi và liêu thuộc từ kinh đô tới các lộ rằng: khi có công việc trình với Tư Tề thì tôn xưng là Quốc Vương Điện Hạ.


Như vậy Quốc Vương chưa phải là vua nhưng là người giúp vua trị nước. Câu “lập anh trước rồi truyền em sau, vẫn kéo dài được ngôi bảo tộ, cốt sao châm chước cho kịp thời rồi đặt làm phép nhất định” cho chúng ta suy ra vai trò Quốc Vương chỉ tạm thời cho tới khi Thái Tổ băng hà thì Tư Tề chính thức nối ngôi cha và người nối tiếp Tư Tề là Nguyên Long.

Quốc Vương bị phế, Thái Tử lên ngôi

Sau 2 năm giúp vua cha trị nước, Quốc Vương thay đổi tính tình thường có hành động và ngôn ngữ ngông cuồng càn bậy.

Cho tới năm 1433, Thái Tổ giáng Quốc Vương xuống Quận Vương với lời giải thích cùng triều thần và quốc dân rằng:

“Làm tôi phải trung, làm con phải hiếu, thế mà Tư Tề ngang ngược với thần (4) khinh lờn cả trời, không hiếu thảo với cha mẹ, không noi theo đường lối của các thánh hiền. Vậy nay giáng Tư Tề xuống làm Quận vương.”

Sau đó vua xuống chiếu phong cho Lê Sát làm Đại Tư Đồ và trao ấn kiếm cho Hoàng Thái Tử với lời giải thích như sau:

“Trẫm tài mọn đức mỏng, kính vâng mệnh Trời ở ngôi đến nay đã 6 năm. Bây giờ đến lúc mệt mỏi, không siêng năng chăm sóc chính sự được. Hoàng Thái Tử tuy thơ ấu nhưng tính nhân từ hiếu thảo bấy lâu đã tỏ lộ ra ngoài, được mọi người hòa thuận tin theo, đáng hưởng ngôi báu. Vậy có thể trao kiếm và ấn để thay trẫm cai quản việc nước.”

Nội trong năm 1433 Thái Tổ giải quyết xong mấy việc hệ trọng kể trên rồi băng hà. Hoàng thái tử mới 11 tuổi lên ngôi tức Thái Tông. Đại Tư Đồ Lê Sát được ủy thác phụ chính giúp vua.

Năm 1434 Thái Tông cấm các quan trong triều lui tới phủ của Quận Vương Tư Tề.

Năm 1438 Thái Tông truất phế Quận Vương và giáng Tư Tề xuống làm thứ dân.

Cá tính của Vua Thái Tông

Có những sự kiện chép trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục nói lên cá tính khác thường của vua Thái Tông.

Vua tập cưỡi voi ở hậu điện, cho voi chạy đuổi nhau. Một hôm có người dâng một con dê núi, vua cho dê đấu với voi. Dê chạy lui để tránh voi nhưng cùng đường nên dê dùng sừng húc voi để tự vệ. Voi hoảng sợ chạy lui và sa xuống giếng chết. Biết chuyện này, các đại thần Phan Thiên Tước, Lê Sát, Lê Ngân khuyên can vua, vua im lặng (Im lặng có thể là phục thiện, cũng có thể là để bụng sự giận dữ.)

Hàng ngày vua vui đùa suồng sã với bọn hầu cận ở trong cung, các đại thần dâng biểu xin cử 6 văn thần luân phiên nhau vào giảng sách (trong số này có Lê Trãi vốn họ Nguyễn nhưng được đổi sang họ Lê của Thái Tổ). Thái Tông trả lại tờ biểu tỏ ý không thuận.

Vua yêu dùng hoạn quan Nguyễn Cung. Lê Sát xin giết viên quan này, vua không nghe. Lê Sát và đồng liêu cáo bệnh không vào chầu.

Phan Thiên Tước là Ngự Sử Quan (cũng gọi là Ngôn Quan có nhiệm vụ khuyên can vua), dâng biểu biện hộ cho Lê Sát và các đồng liêu.

Bài biểu có đoạn rằng:

“Các đế vương ngày xưa sở dĩ thánh đức ngày càng tăng tiến là do học vấn. Bệ hạ còn trẻ chưa biết hết được đạo trị nước. Đại Tư đồ Lê Sát chọn các nho thần vào hầu là muốn bệ hạ được như Nghiêu Thuấn mà thôi, sao bệ hạ coi nhẹ tông miếu xã tắc, không thấy lòng trung thành của họ khiến họ lo buồn không vào chầu? Xin bệ hạ coi trọng mệnh lệnh ký thác của Tiên đế, thiên hạ sẽ được hưởng phúc của bệ hạ.”

Trong một bài biểu khác, Phan Thiên Tước cùng Lương Thiên Phúc và Nguyễn Chiêu Phú khuyên can Thái Tông 6 điều như sau:

“Đức Tiên đế gội gió, mình mặc áo giáp, đội mũ trụ, nhọc tinh thần, mệt thể chất hơn 10 năm mới dẹp yên được thiên hạ. Bệ hạ được nối cơ nghiệp sẵn sàng, nên lưu tâm vào học thuật, chăm cầu người hiền để lo toan cho nước được thêm cường thịnh. Vậy mà nay đại thần xin lựa văn thần vào hầu học tập, bệ hạ bỏ qua không xét. Đó là một điều không nên.

Tiên đế chọn người mẫu sư để khuyên dạy trong cung, bệ hạ không nghe, khinh thường quở mắng. Đó là hai điều không nên.

Thần Phi và Huệ Phi là bậc dì vào cung răn dạy thì bệ hạ sai đóng cửa không cho vào. Thế là ba điều không nên.

Người quản lĩnh thị vệ thấy bệ hạ không đọc sách mà cầm cung bắn chim, có khi can ngăn, bệ hạ không những không nghe mà còn lấy cung bắn người ấy. Đó là bốn điều không nên.

Tiên đế lựa con em công thần, sai vào hầu bệ hạ đọc sách, bệ hạ không chỉ xa lánh họ mà còn đùa giỡn với bọn hầu hạ trong cung. Vậy là năm điều không nên.

Phàm người làm vua phải tìm kiếm bậc hiền tài, ban thưởng cho những người có công và những người biết nói thẳng, dám can ngăn. Nhưng bệ hạ chỉ chơi đùa và ban thưởng cho bọn hoạn quan. Đó là sáu điều không nên.

Thần đang giữ chức can ngăn, dám chẳng tâu bày? Nguyện xin bệ hạ những khi coi chầu hoặc tiếp các đại thần hoặc nghe bầy tôi tâu trình chính sự nên giữ vẻ tôn nghiêm, bình tĩnh, ngay thẳng. Bằng dung nghi hòa nhã của Thiên Tử, bệ hạ kính trọng bậc đại thần, ủy lạo người có công, dung nạp những người can ngăn ngay thẳng, mở đường cho người nói thẳng để thấu hiểu tình hình kẻ dưới. Như vậy bệ hạ sẽ được khen là bậc đại hiếu biết nối chí kế nghiệp.”

Đọc bài biểu, Thái Tông giận lắm, cho người điều tra xem do đâu mà tin tức trong cung cấm bị tiết lộ ra ngoài.

Hôm sau Phan Thiên Tước vào tâu rằng :

“Bọn thần tủi nhục giữ chức ăn nói, chỉ sợ vua có lỗi lầm, nên ngu dại hết lòng khuyên can. Bệ hạ nhận cho thì dẫu kẻ làm nghề kiếm củi cũng đều trổ hết khả năng mà thánh đức của bệ hạ càng thêm ngời sáng vậy.”

Thái Tông nguôi giận. Bọn Phan Thiên Tước lại được giữ chức cũ.

Qua bài biểu khuyên can vua nêu trên, chúng ta thấy được sự quan tâm của vua Lê Thái Tổ khi còn sinh thời về sự giáo dục con sau khi mình chết.

Vua đích thân lựa mẫu sư cho con. Ủy thác cho Đại tư đồ Lê Sát lựa 6 văn thần luân phiên vào cung giảng sách cho con. Dùng tình thân trong hoàng tộc (Thần Phi và Huệ Phi) răn dạy con để con bớt căng thẳng vì nghe giảng sách.

Thái Tổ đích thân lựa con em của các công thần vào cung hầu Thái Tông đọc sách là muốn con ganh đua với lớp trẻ đồng tuổi.

Các tác giả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (5) tóm lược sự nghiệp của vua Lê Thái Tông như sau:

“Tên húy là Nguyên Long con thứ của vua Thái Tổ, ở ngôi 9 năm, băng khi đi tuần về miền đông, thọ 20 tuổi. Vua thiên tư sáng suốt, nối vận thái bình; bên trong ức chế quyền thần (6) bên ngoài đánh dẹp Di Địch; trọng đạo sùng Nho, mở khoa thi chọn hiền sĩ; xử tù xét án phần nhiều tha thứ khoan hồng. Cũng là vua tài giỏi biết nối giữ cơ đồ. Song đam mê tửu sắc đến nỗi thình lình băng ở bên ngoài (7) cũng là tự mình chuốc lấy tai họa.”


Bùi Quý Chiến


Trích đăng từ Đặc San Lâm Viên ( dslamvien.com )


Cước chú :

(1) kim sách = chiếu của vua khắc trên tấm kim loại như vàng, bạc hoặc đồng (định nghĩa của Viện sử học).

(2) chấp kinh tòng quyền = vẫn theo đạo thường nhưng cũng có lúc quyền biến (Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh).

(3) bảo tộ = tộ nghĩa là phúc, bảo tộ là phúc quý.

(4) thần = các quan trong triều (triều thần).

(5) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư do các sử quan Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên nối tiếp nhau ghi chép.

(6) quyền thần = quan trong triều lộng quyền, ý muốn nói Đại Tư Đồ Lê Sát bị Thái Tông giết vì lộng quyền.

(7) ý muốn nói đến vụ án Thị Lộ.


Tham khảo :

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư do Viện sử học dịch . Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục do Viện sử học dịch. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh.


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook