Cuộc tìm kiếm các vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq đã 'vỡ vụn' như thế nào?

Chia sẻ Facebook
18/03/2023 00:24:30

20 năm sau cuộc chiến Iraq, những tranh cãi liên quan việc có tồn tại "vũ khí hủy diệt hàng loạt" (WMD) hay không vẫn chưa hề hạ nhiệt. Khi đó sự tham chiến của Anh Quốc đã dựa trên lập luận này. Chi tiết mới về cuộc tìm kiếm WMD xuất hiện trở lại trong loạt chương trình của BBC, mang tên 'Shock and War: Iraq 20 years on', dựa trên những cuộc đối thoại với hàng chục người trực tiếp có liên quan.

Nguồn hình ảnh, JIM WATSONChụp lại hình ảnh, Biểu tình chống chiến tranh Iraq vào tháng 08/2003 - khi những người biểu tình giương cao khẩu hiệu "B.Liar"

Tác giả, Gordon Corera Vai trò, Phóng viên An ninh, BBC News 13 tháng 3 2023

"Crikey." [phản ứng ngạc nhiên]. Đây là phản ứng bằng một từ duy nhất từ quan chức cấp cao MI6 khi nhận được câu hỏi từ một đồng nghiệp hồi cuối năm 2001 về việc người Mỹ có nghiêm túc trong cuộc chiến tranh ở Iraq hay không.

Các quan chức CIA cũng nhớ lại cú sốc của những người đồng cấp Anh. "Tôi nghĩ họ bị đau tim ngay tại chiếc bàn đó," Luis Rueda, người đứng đầu nhóm chiến dịch Iraq của CIA cho biết. "Nếu họ không phải là những quý ông thì họ đã vươn người sang phía đối diện và tát vào mặt tôi."

Thông tin này sớm lan đến Downing Street. Các điệp viên thay vì nhân viên ngoại giao loan tin.

"Tôi có lẽ là người đầu tiên nói với thủ tướng rằng, "Liệu muốn hay không thì ông hãy có sự chuẩn bị bởi vì dường như họ đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược," người đứng đầu MI6 khi đó, Sir Richard Dearlove, người thường xuyên đến Washington, trả lời BBC trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi.

MI6 - cơ quan tình báo nước ngoài của Anh Quốc - khi đó sắp bị lôi kéo sâu vào một trong những chương lịch sử quan trọng và đầy tranh cãi của đất nước.

Đối với Mỹ, vấn đề về "vũ khí hủy diệt hàng loạt" (WMD) chỉ là phụ so với động lực sâu xa hơn là lật đổ nhà lãnh đạo Iraq, Saddam Hussein. "Chúng ta có thể đã xâm lược Iraq nếu Saddam Hussein có một sợi dây thun và một chiếc kẹp giấy," ông Rueda nói. "Chúng ta lẽ ra phải nói rằng, "Ồ, ông ta sẽ móc mắt của mấy người ra.'"

Đối với Anh Quốc, khi đề cập Iraq đến với một nhóm công chúng không nhất định, trọng tâm là mối đe dọa được cho từ WMD của Iraq - vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân.

Đôi khi chính phủ Anh cũng bị cáo buộc ngụy tạo những tuyên bố về WMD. Nhưng các bộ trưởng vào thời điểm đó cho biết họ đã được chính các điệp viên đảm bảo là loại vũ khí đó có tồn tại.

"Thật sự quan trọng phải hiểu về dạng tình báo mà tôi đang có là điều mà tôi dựa vào, và tôi nghĩ tôi có quyền dựa vào," cựu Thủ tướng Anh Sir Tony Blair trả lời tôi. Vào đêm trước khi nổ ra cuộc xâm lược, ông ấy nói đã yêu cầu - và được trao sự đảm bảo từ Ủy ban Tình báo Phối hợp. Ông ấy từ chối chỉ trích cơ quan tình báo vì đã hiểu sai vấn đề.

Các bộ trưởng khác vào khi đó cũng nói họ ngờ vực.

"Trong ba lần tôi chất vấn Richard Dearlove về nguồn gốc của thông tin tình báo này," Ngoại trưởng Anh khi đó, ông Jack Straw nói. "Tôi chỉ có một cảm giác không mấy dễ chịu về điều đó. Nhưng Dearlove đã trấn an tôi cứ mỗi lần rằng các điệp viên là đáng tin cậy." Tuy nhiên, ông Straw nói các chính trị gia hoàn toàn phải chịu trách nhiệm, bởi vì họ đưa ra quyết định cuối cùng.

Khi được hỏi ông ấy có xem Iraq là một thất bại về mặt tình báo hay không, câu trả lời của Sir Richard thật đơn giản: "Không." Ông ấy vẫn tin rằng Iraq có một dạng chương trình vũ khí nào đó và những thành phần đã bị chuyển đến biên giới giáp với Syria.

Sir Richard Dearlove, ảnh chụp vào năm 2008


Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Sir Richard Dearlove, ảnh chụp vào năm 2008

Một số người khác không đồng ý. "Đây là một thất bại quan trọng," Sir David Omand, người khi đó là Điều phối viên An ninh và Tình báo của Anh Quốc cho biết. Ông nói rằng thiên kiến liên quan đến sự xác nhận đã khiến các chuyên gia trong chính phủ nghe theo những mảnh thông tin rời rạc để rồi đi theo ý tưởng Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và loại bỏ bất kỳ thông tin nào khác.

Một số người trong nội bộ MI6 nói họ cũng quan ngại. "Vào thời điểm đó tôi cảm thấy chúng tôi đang làm sai điều gì đó," một quan chức phụ trách vấn đề Iraq cho biết, người được yêu cầu ẩn danh và chưa từng phát biểu trước đây.

"Không có thông tin tình báo hoặc đánh giá mới hoặc đáng tin cậy cho thấy Iraq đã khởi động lại chương trình WMD và tạo ra một mối đe dọa tiềm tàng," một cựu quan chức cho biết, đề cập đến thời kỳ đầu năm 2002. "Tôi nghĩ từ góc độ chính phủ thì chỉ có một thứ mà họ có thể tìm ra... WMD là căn cứ duy nhất mà họ có thể dựa vào xét về mặt pháp lý."

Thông tin tình báo có được trong thời gian mùa xuân năm 2002 chỉ mang tính chấp vá. Những điệp viên lâu năm của MI6 tại Iraq có rất ít hoặc không có thông tin về WMD và có sự tìm kiếm trong tuyệt vọng về thông tin tình báo mới hoàn toàn từ các nguồn mới để củng cố vụ việc, đặc biệt khi một xấp tài liệu đã được lên kế hoạch vào tháng Chín.

Một người trong nội bộ MI6 nhớ lại việc giải mã một thông điệp có nội dung cơ quan tình báo "không có vai trò nào quan trọng hơn" là thuyết phục công chúng Anh về chuyện phải hành động. Họ nói các câu hỏi được đặt ra nếu thích hợp và thông điệp đó đã bị xóa.

Trụ sở MI6 tại trung tâm London


Nguồn hình ảnh, Dan Kitwood

Chụp lại hình ảnh, Trụ sở MI6 tại trung tâm London

Vào ngày 12/09, Sir Richard đi đến văn phòng Downing Street cùng với tin tức từ một nguồn tin mới quan trọng. Người này cho biết các chương trình của Saddam Hussein đang được khởi động lại và được hứa sẽ đưa ra chi tiết sớm. Mặc dù nguồn tin này không được kiểm tra kỹ đầy đủ, thông tin của họ không được chia sẻ với các chuyên gia, chi tiết được chuyển đến thủ tướng.

Sir Richard đã bác bỏ các cáo buộc về việc ông đã quá gần gũi với Downing Street, xem đây là chuyện "buồn cười" và sẽ không bình luận về chi tiết của vụ việc hoặc các nguồn tin cụ thể. Nhưng trong các tháng tiếp theo, nguồn tin mới này không bao giờ cung cấp thông tin và cũng được xem hoàn toàn là sự bịa đặt, các nguồn tin tình báo khác cho biết. Vấn đề kiểm soát chất lượng đã thất bại, họ lập luận.

Có thể là một vài nguồn tin mới đang bịa đặt thông tin vì tiền, hoặc họ muốn thấy Saddam Hussein bị lật đổ. Vào tháng 01/2023, tôi đã gặp một người đào tẩu từ cơ quan tình báo của Saddam Hussein ở Jordan. Người này tuyên bố đã có sự liên quan trong việc phát triển các phòng thí nghiệm di động để chế tạo vũ khí sinh học, nằm ngoài tầm mắt của các điều tra viên của Liên Hiệp Quốc.

Các tuyên bố của ông ấy được đề cập trong phần trình bày của Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell tại Liên Hiệp Quốc vào tháng 02/2003, mặc dù một số người bên trong nội bộ chính phủ Mỹ cũng đã phát đi "thông báo tình báo chính thức", cho biết dạng thông tin như vậy không đáng tin cậy. Một nguồn tin khác có mật danh "Curveball" được Mỹ và Anh dựa vào, cũng bịa đặt các chi tiết về phòng thí nghiệm.

Saddam Hussein là Tổng thống của Iraq từ năm 1979 cho đến khi bị lật đổ vào năm 2003


Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Saddam Hussein là Tổng thống của Iraq từ năm 1979 cho đến khi bị lật đổ vào năm 2003

Đáng lưu ý là Saddam Hussein từng có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chỉ vài tuần trước cuộc chiến tranh năm 2003, tôi đã đến làng Halabja ở miền Bắc Iraq, và nghe người dân địa phương mô tả về một ngày vào năm 1988 khi quân đội của Saddam Hussein đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào họ. Sự thật về điều gì đã xảy đến với những vũ khí này chỉ xuất hiện trở lại sau chiến tranh.

Saddam Hussein đã ra lệnh phá hủy hầu hết chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình vào đầu những năm 1990 sau cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh với hy vọng nhận được một tấm giấy chứng nhận từ các điều tra viên vũ khí của Liên Hiệp Quốc, một trong những nhà khoa học hàng đầu của Iraq sau đó cho tôi biết. Nhà lãnh đạo Iraq có thể đã hy vọng khởi động lại chương trình này vào một thời điểm sau đó. Nhưng ông ấy đã phá hủy mọi thứ trong bí mật, một phần để duy trì sự đánh lạc hướng mà ông ta còn có thể tận dụng nhằm chống lại quốc gia láng giềng Iran, mà ông ta đã khởi động cuộc chiến tranh. Vì vậy lúc sau đó Iraq được các điều tra Liên Hiệp Quốc hỏi để chứng minh đã phá hủy tất cả thì họ không thể làm được.

Một nhà khoa học Iraq sau đó tiết lộ là họ đã phá hủy một hợp chất chết chóc mà các cơ quan tình báo Phương Tây nói không rõ tung tích, bằng cách đổ chúng xuống mặt đất. Nhưng họ đã làm điều này tại gần một trong những cung điện của Saddam và họ lo sợ rằng việc thừa nhận sự thật này có thể khiến họ bị nhà lãnh đạo Iraq xử tử. Kết quả của tất cả điều này là Iraq không bao giờ có thể thật sự chứng minh là không còn loại vũ khí đó.

Nhưng cuối năm 2002, các điều tra viên của Liên Hiệp Quốc trở lại Iraq để tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt. Một trong số các điều tra viên, lần đầu tiên trả lời BBC, có thể nhớ lại chuyện nhìn thấy các địa điểm nơi Phương Tây đưa ra các cảnh báo tình báo về khả năng có thể có những phòng thí nghiệm di động. Họ cũng phát hiện một nơi mà một người gọi là "chiếc xe tải chở kem vinh quang" bị phủ đầy mạng nhện.

Công chúng vào thời điểm đó không bao giờ hiểu rằng khi cuộc chiến này càng đến gần, với các nguồn tin không thể cung cấp thông tin và điều tra viên không tìm ra được câu trả lời, thì có những quan ngại. "Sợ hãi" là cách mà một người trong nội bộ mô tả. "Tương lai của tôi nằm trong tay của quý vị," ông Blair nói một cách nửa đùa nửa thật với Sir Richard vào tháng 01/2003, khi áp lực tìm bằng chứng về các vũ khí hủy diệt hàng loạt ngày càng tăng lên.

Quân đội Anh ở miền nam Iraq vào tháng 03/2003


Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Quân đội Anh ở miền nam Iraq vào tháng 03/2003

"Thật chán nản vào thời điểm đó," Sir Richard nhớ lại. Ông ấy cáo buộc các điều tra viên đã "không đủ năng lực" khi không tìm được bất kỳ thứ gì. Hans Blix, người đứng đầu đội điều tra viên chất hóa học và sinh học của Liên Hiệp Quốc nói với BBC, là cho đến thời điểm đầu năm 2003, ông vẫn tin rằng có các loại vũ khí đó, nhưng bắt đầu ngờ vực về sự tồn tại sau khi các thông tin tình báo không thể đưa ra được câu trả lời. Ông ấy muốn có thêm thời gian nhưng không thể có được.

Thất bại trong việc tìm một "nòng súng bốc khói" không khiến cuộc chiến tranh chấm dứt vào tháng 03/2023.

"Tôi đã cố gắng ngay trước vào thời khắc cuối cùng để tránh một hành động quân sự," ông Tony Blair nói với BBC. Tổng thống George Bush, lo sợ đồng minh của mình sẽ bị mất phiếu ủng hộ tại quốc hội vào đêm trước cuộc chiến tranh, đã trao cho ông Tony Blair một cơ hội rút khỏi cuộc xâm lược qua cuộc điện đàm video và chỉ tham gia trong thời gian hậu chiến, nhưng thủ tướng Anh đã bác bỏ điều này.

Ông ấy đã bảo vệ quyết định của mình cả về mặt nguyên tắc xét đến nhu cầu phải đối phó với Saddam Hussein, và cả vì nhu cầu duy trì mối quan hệ giữa Anh và Mỹ. "Điều đó sẽ có một tác động tác kể lên mối quan hệ," ông nói, và cho biết thêm: "Khi tôi là thủ tướng, thì không có sự ngờ vực nào dù dưới thời Tổng thống Clinton hoặc Tổng thống Bush, người mà một vị tổng thống Mỹ luôn bắt điện thoại trước. Chính là thủ tướng Anh. Ngày nay chúng ta đã rời khỏi châu Âu và người mà ông Joe Biden bắt điện thoại đầu tiên sẽ là Rishi Sunak? Tôi không chắc chắn về điều này."

Nhưng không có vũ khí hủy diệt hàng loạt nào được phát hiện sau đó. "Tất cả đã bị vỡ vụn" một cựu quan chức trong MI6 cho biết, nhìn lại bảng đánh giá nội bộ về các nguồn tin. Và điều này đã để lại một hậu quả kéo dài và hằn sâu đối với cả các điệp viên và chính trị gia.

Chia sẻ Facebook