Cuộc tập trận của quân đội Mỹ sắp diễn ra gần biên giới Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
08/08/2022 08:32:36

Mỹ và Ấn Độ sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung ở dãy núi Himalaya vào tháng Mười, cách khu vực tranh chấp biên giới Ấn - Trung gần 100km.

CNN đưa tin, quân đội Mỹ và Ấn Độ sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung ở dãy núi Himalaya vào tháng 10, cách vùng tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc chưa đầy 100km. Địa điểm tập trận được công bố trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung về vấn đề Đài Loan đang gia tăng, đồng thời Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang xung đột dọc khu vực biên giới vùng núi giữa hai nước.


Embed from Getty Images


(Khu vực biên giới đang tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở dãy núi Himalaya/Nguồn ảnh: Getty Images)

Một sĩ quan quân đội Ấn Độ trả lời CNN hôm 6/8, các cuộc tập trận sẽ được tổ chức vào giữa tháng 10, gần thị trấn Auli thuộc bang Uttarakhand nước này. Thị trấn Auli nằm trên sườn phía nam của dãy Himalaya, và các cuộc tập trận sẽ nhắm vào tình huống chiến tranh ở độ cao khoảng 3.000 m.

Thị trấn Auli cũng nằm cách Đường Kiểm soát Thực tế khoảng 95 km, một đường biên giới được xác định lỏng lẻo phân chia Ấn Độ và Trung Quốc. Đây đã từng là đường biên giới có hiệu lực giữa hai nước từ khi Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962 kết thúc, tuy nhiên hiện nay cả hai đều tuyên bố lãnh thổ phía bên kia giới tuyến là của mình.

Giao tranh dọc tuyến đường này nổ ra vào năm 2020 sau khi Trung Quốc phản đối việc Ấn Độ xây dựng một con đường trên lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền. Ấn Độ cho biết họ đã mất khoảng 20 quân lính, còn Trung Quốc tuyên bố mất 4 người sau vụ giao tranh.


Từ đó đến nay, căng thẳng vẫn ở mức cao. Hồi tháng Năm, Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc về việc xây dựng một cây cầu trên vũng lãnh thổ mà nước này coi là hành vi “chiếm đóng bất hợp pháp” .

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng xấu đi đáng kể sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan trong tuần này. Bắc Kinh đáp lại chuyến thăm bằng cách phát động các cuộc tập trận quy mô lớn, cắt giảm hàng nhập khẩu từ Đài Loan, trừng phạt bà Pelosi cùng gia đình, và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington trong một số lĩnh vực chính.


Mặc dù Đài Loan đã tự quản từ năm 1949, Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo. Hoa Kỳ thừa nhận chủ quyền này theo chính sách ‘Một Trung Quốc’. Tuy nhiên việc bà Pelosi với tư cách là nhà lập pháp cấp cao nhất của Hoa Kỳ và là thành viên trong cùng một đảng chính trị với Tổng thống Joe Biden đến thăm Đài Loan đã khiến Bắc Kinh coi đây là hành động “vi phạm nghiêm trọng” chính sách này.


Trong lúc các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc tiếp tục kéo dài vào cuối tuần, quan chức an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby hôm 4/8 thông báo, Mỹ sẽ tiến hành “các chuyến đi theo đường hàng không và hàng hải” qua eo biển Đài Loan trong những tuần tới, và Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ sẽ vẫn đóng quân trong khu vực.

Ngày 5/8, tờ Politico đưa tin về việc cả hai bên vẫn tăng cường sức mạnh quân sự và các quan chức quốc phòng Trung Quốc đang phớt lờ các cuộc điện đàm từ những người đồng cấp Mỹ.


Tướng Charles Flynn, Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, trả lời các phóng viên vào tháng Sáu, các cuộc tập trận sắp tới ở dãy núi Himalaya sẽ có sự tham gia của đơn vị không quân thuộc cả Mỹ và Ấn Độ, sẽ đóng vai trò là “đối trọng” và mang tính “răn đe” đối với hoạt động của Trung Quốc dọc khu vực biên giới. Đây là một phần của các cuộc tập trận Mỹ-Ấn thường niên, được tổ chức vào năm ngoái tại Alaska.


Vy An (T/h)

Chuyên gia: ĐCSTQ đang vớt vát thể diện, cục diện Mỹ - Trung - Đài cơ bản không đổi ĐCSTQ công bố trừng phạt bà Nancy Pelosi và các thành viên gia đình trực hệ của bà, đồng thời đưa ra 8 biện pháp đối phó với Mỹ.

Chia sẻ Facebook