Cuộc khởi nghĩa cần vương chống Pháp của Lê Mô Khởi (Phần 3)

Chia sẻ Facebook
07/01/2023 07:06:31

Dù quân Pháp quyết đánh nghĩa quân Trại Nái của Lê Mô Khởi đầu tiên, nhưng vẫn còn chưa biết con đường vào được căn cứ nghĩa quân. Do đó quân Pháp đã nghĩ ra một cách.

Căn cứ bị lộ, quân Pháp tấn công

Đầu năm 1887 có người yêu cầu được dẫn đến tận căn cứ Trại Nái để đưa thư cho chủ tướng Lê Mô Khởi. Người này nói rằng bức thư là của Lê Trực, hẹn ngày cùng đưa binh tiến đánh chiếm đồn Quảng Khê, Hoàn Lão và thành Động Hải.

Biết người đưa thư không phải thuộc phe mình, nhưng Lê Mô Khởi vẫn giả vờ đồng ý. Ông cho rằng quân Pháp muốn dụ cả 2 cánh quân để tiêu diệt. Do vậy ông gửi thư cho Lê Trực cùng quyết định thực hiện kế hoạch nhưng tiến hành trước 2 ngày nhằm khiến quân Pháp bị bất ngờ không kịp phòng bị.

Tuy nhiên Lê Mô Khởi đã đoán nhầm ý định của quân Pháp. Mục đích lấy cớ đưa thư không phải để dụ 2 cánh quân tấn công, mà là nhằm biết được con đường vào căn cứ Trại Nái để tiến đánh.

Chính vì thế nghĩa quân chưa kịp thực hiện kế hoạch thì ngày hôm sau quân Pháp đã dốc toàn lực lượng ở các đồn Ba Đồn, Quảng Khê, Mỹ Hoà tiến đánh Trại Nái.

Căn cứ bị lộ, nghĩa quân gặp khó khăn lớn khi đương đầu với vũ khí hiện đại của quân Pháp, cuối cùng buộc phải rút vào rừng núi phía nam Trường Sơn.

Quân Pháp đốt phá căn cứ, bắt được một số dân làng là người nhà của nghĩa quân, và dùng họ để khiến nghĩa quân phải ra hàng. 300 người bị bắt hoặc buộc phải ra hàng nhằm bảo vệ an toàn cho gia đình của mình, trong đó có 60 người giữ vai trò quan trọng. (Theo “Đại Nam thực lục chính biên”).

Tìm đến vua Hàm Nghi

Sau khi nghĩa quân tan rã, một số người trở về quê nhà, một số chọn tham gia các cuộc khởi nghĩa khác. Lê Mô Khởi tìm đến căn cứ chống Pháp của vua Hàm Nghi ở miền thượng du Tuyên Hóa, đi theo và giúp vua. Ông được vua Hàm Nghi phong làm Tán tương Quân vụ.

Giữa năm 1888, vua Hàm Nghi phái ông đi liên lạc với Phan Đình Phùng ở Hương Khê để đưa vua đến vùng Thanh – Nghệ, nơi nhiều nhân tài có thể giúp việc nước.

Lặn lội vất vả hàng tháng trời giữa núi rừng Trường Sơn, Lê Mô Khởi cũng đến được căn cứ Ngàn Tươi, tuy nhiên không gặp được cụ Phan Đình Phùng bởi cụ đang đi kinh lý các phong trào cần vương khác đặt dưới sự chỉ huy của cụ, vì thế Lê Mô Khởi phải đợi khá lâu.

Nhưng trong thời gian này, một người phản bội là Trương Quang Ngọc đã dẫn Pháp đến bắt được vua Hàm Nghi.

Sự việc này ảnh hưởng rất lớn đến các nghĩa quân cần vương, sau đó một số phong trào cần vương ở Tuyên Hoá, Quảng Bình lần lượt suy yếu rồi tan rã. Tuy nhiên cuộc khởi nghĩa của Lê Trực vẫn hoạt động mạnh, gây khó khăn cho quân Pháp.

Tập hợp quân tiếp tục chống Pháp

Lê Mô Khởi tập hợp số nghĩa quân còn lại của vua Hàm Nghi, cùng quân của Tôn Thất Đàm, gia nhập thêm người Thượng, tổ chức huấn luyện tiếp tục chống Pháp.

Nghĩa quân hoạt động từ hạt Tuyên Hoá đến hạt Bố Chánh, đánh thắng nhiều trận khiến quân Pháp hoang mang.

Lê Mô Khởi cũng phối hợp với quân của Phan Đình Phùng nhiều lần chặn đánh các cuộc hành quân của Pháp chống phong trào cần vương đến miền Tây Quảng Bình và Hà Tĩnh. Trong Hương sử Cao Lao có đoạn:


Lê Mô Khởi Án sát phủ Thừa,
Pháp binh hoà ước đánh lừa dân ta.
Đình Phùng truyền hịch đưa ra,
Tức thì treo ấn tham gia lên đường.
Về làng hoạt động Cần Vương,
Bình Tây sát tặc cờ trương khắp vùng.

Tưởng nhớ


Năm 1894, Lê Mô Khởi bị sốt rét đến kiệt sức do lam chướng lâu ngày. Giai thoại trong dân gian kể rằng “con voi già của vua Hàm Nghi” đã đến đưa ông về tận quê nhà, rồi mới quay trở lại rừng núi.

Đình làng Cao Lao Hạ. (Ảnh từ caolaoha.com)


Sau một thời gian dài bệnh nặng, Lê Mô Khởi mất ở tuổi 60. Trước khi mất ông trao cho con cháu thanh kiếm suốt đời mang bên mình với lời dặn: “Con cháu ta chớ làm điều gì xấu đến truyền thống tốt đẹp của gia đình dòng họ” (Theo “Con voi già của vua Hàm Nghi”).

Mộ của Lê Mô Khởi nằm trên núi Oằn, trước mặt làng Cao Lao Hạ. Dân làng cũng lập đền thờ ông ở phía tây bắc của làng và gọi là “Đền Bổn Thổ” để tưởng nhớ công lao của ông. Người dân làng Cao Lao Hạ vẫn còn ghi nhớ nhiều câu chuyện về ông cùng nghĩa quân chống Pháp thuở ấy.


Trần Hưng


Tham khảo :

Đại Nam thực lục chính biên, tập 37 “Con voi già của vua Ham Nghi” , Lưu Trọng Lư


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook