Cuộc khởi nghĩa cần vương chống Pháp của Lê Mô Khởi (Phần 1)

Chia sẻ Facebook
03/01/2023 20:53:33

Khắp nơi hưởng ứng dụ cần vương, phong trào chống Pháp lan rộng. Một người bạn của Mô Khởi là Lê Trực gửi thư cho ông động viên ông cùng dân chống Pháp.


Vào thời vua Thiệu Trị ở làng Cao Lao Hạ, nay là xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có ông Lê Văn Giản sinh ra trong gia đình nhà Nho hay chữ. Năm 1842 ông đỗ cử nhân và được cử làm tri huyện, ông làm quan có tiếng là thanh liêm, đức độ, hiếu trung vẹn toàn. Năm 1836, ông Giản sinh được con trai và đặt tên là Lê Mô Khởi.

Địa thế làng Cao Lao Hạ. (Ảnh từ caolaoha.com)

Lê Mô Khởi năm 15 tuổi đã thạo thi thư, văn, truyện, kinh phú. Năm 1861, Mô Khởi thi đỗ cử nhân, được phân bổ làm trị nhiệm tỉnh Bình Định, sau đó chấm thi ở tỉnh Thanh Hoá, sau về làm án sát tỉnh Hải Dương.

Lúc này ở nhà Thanh, cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc thất bại, tàn quân chạy đến vùng biên giới với Đại Nam hình thành các toán quân Cờ Vàng, Cờ Đen, Cờ Trắng quấy nhiễu cướp bóc.

Quan quân chật vật ứng phó với những toán quân này vì họ đã có trang bị vũ khí từ trước. Lê Mô Khởi được cử tham gia cùng các tướng giúp ổn định vùng biên giới.

Năm 1873, quân Pháp tiến đánh Bắc hà lần thứ nhất. Triều đình không chống được, nhượng bộ hết lần này đến lần khác. Nội bộ nhà Nguyễn cũng phân chia thành phe chủ hòa và chủ chiến. Vì thế các quan tướng ở Bắc hà cũng phân hóa, người bị triệu hồi, người bị buộc bãi binh.

Lê Mô Khởi nằm trong số những người bị triệu về Huế chịu tội. Nhóm chủ chiến do Tôn Thất Thuyết đứng đầu thấy Lê Mô Khởi có chí chống Pháp, thực sự lo cho Giang Sơn Xã Tắc trước nạn ngoại xâm, nên không xử tội mà điều ông làm bố chính ở Hải Dương.

Đầu năm 1884, quân Pháp mở cuộc tấn công khắp Bắc hà, triều đình nhà Nguyễn tiếp tục thua bại. Ngày 6/6/1884, triều đình ký hòa ước Giáp Thân với Pháp, thừa nhận nền bảo hộ.

Nhiều quan lại, tướng lĩnh cùng các sĩ phu yêu nước phẫn uất trước điều ước này, người thì treo ấn từ quan về quê, người thì tập hợp binh lính và những người cùng chí hướng chống Pháp.


Lê Mô Khởi chọn con đường về quê nhà, giúp dân và mở trường dạy học, tu bổ đình làng, đền chùa, miếu mạo, tu sửa công trình thủy lợi “Cửu khúc long khuê” .

Lúc này kinh thành Huế có biến động lớn. Tôn Thất Thuyết bí mật chỉ huy quân đánh úp quân Pháp, ban đầu thành công nhưng cuối cùng thất bại bởi quân Pháp có vũ khí hiện đại. Kinh thành Huế cũng không thể giữ được, Tôn Thất Thuyết phải hộ giá vua Hàm Nghi chạy trốn.

Dân gian còn lưu truyền bài thơ như sau về nghĩa quân:


Thông qua doanh nghiệp võ quan
Có ông Đề đốc, Lê Quang, Nguyễn Trào
Đương khi giặc Pháp ào ào
Chỉnh tề quân ngũ tiến vào kinh đô
Chẳng nề đường xá bao xa
Võ khoa “Quyền Cửu” cũng ra ứng tùng
Lãnh Hoà, Lãnh Niệm hai ông
Xuất thân võ cử tưng bừng nổi danh
Hàm Nghi một chiếu xuất thành
Tức thì vâng mệnh hy sinh chống thù
Minh Cầm, Quy Đạt chiến khu
Đồng Lê, Thanh Lạng sách trù mộ binh
Đội quân võ giả, đội quyền
Cùng tay chống Pháp bạo quyền ngoại xâm.


(Còn nữa)


Trần Hưng


Tham khảo :

Đại Nam thực lục chính biên, tập 36

Bài “Cao Lao Hạ” của Trần Hùng đăng trên tạp chí “Nhật Lệ” năm 2002


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook