Cuộc họp ngoại trưởng Mỹ-Trung khiến căng thẳng vụ khinh khí cầu trầm trọng hơn - BBC News Tiếng Việt

Chia sẻ Facebook
23/02/2023 08:25:29

Trong bối cảnh rạn nứt giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vụ khinh khí cầu ngày càng lan rộng thì trên thế giới, vốn đang theo dõi sát sao vụ tranh chấp đầy rủi ro này, sự chia rẽ cũng đang gia tăng theo.

Cuộc họp ngoại trưởng Mỹ-Trung khiến căng thẳng khinh khí cầu trầm trọng hơn

Tác giả, Tessa Wong Vai trò, Phóng viên kỹ thuật số Châu Á 20 tháng 2 2023

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói sẽ "không xin lỗi" về vụ bắn hạ một khinh khí cầu mà phía Mỹ gọi là loại do thám từ Trung Quốc

Cuộc trao đổi gay gắt diễn ra mới đây nhất vào hôm thứ Bảy 18/02, lúc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị An ninh Munich, cuộc gặp cấp cao đầu tiên kể từ khi căng thẳng bắt đầu.

Ông Blinken nói rằng Mỹ sẽ không "chấp nhận bất kỳ hành vi vi phạm chủ quyền nào của chúng tôi" và nói "hành động vô trách nhiệm này không bao giờ được tái diễn".

Trong khi đó, ông Vương gọi vụ việc là "trò hề chính trị do Mỹ dựng nên" và cáo buộc Mỹ "dùng mọi cách để ngăn chặn và đàn áp Trung Quốc".

Trung Quốc tiếp tục phủ nhận đã phóng khinh khí cầu do thám, ngay cả khi Mỹ tiếp tục tung ra thêm nhiều chi tiết về vật thể này để chứng minh cho cáo buộc của họ.

Thế nhưng vượt khỏi cuộc tranh chấp, cách Bắc Kinh và Washington phản ứng với nhau được theo dõi chặt chẽ khi thế giới đang cố gắng tìm hiểu những hàm ý từ vụ việc này đối với sự ổn định địa chính trị và nền an ninh quốc gia.

Giới quan sát cho rằng kết quả cuối cùng là vụ việc đã củng cố các lập trường - làm sâu sắc thêm sự mất niềm tin đối với những người vốn đã ngờ vực Trung Quốc hoặc Mỹ - và khiến Washington và Bắc Kinh khó thu hẹp khoảng cách giữa đôi bên.

Đối với một số người, vụ việc đã làm gia tăng những lo ngại về phạm vi hoạt động do thám Trung Quốc, khi các chính phủ khẩn trương đánh giá lại những gì họ biết về năng lực này của Trung Quốc.

Mỹ tuyên bố khinh khí cầu quân sự Trung Quốc đã bay qua không phận của hơn 40 quốc gia trên khắp năm châu lục.

Tuần này, Nhật Bản - một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ - tuyên bố rằng sau khi phân tích lại các trường hợp vật thể bay không xác định trong quá khứ, họ "nghi ngờ mạnh mẽ" rằng Trung Quốc đã cho ít nhất ba khinh khí cầu do thám bay qua lãnh thổ của họ kể từ năm 2019.

Một báo cáo của Financial Times dẫn lời các quan chức Đài Loan giấu tên nói rằng hòn đảo này - một đồng minh khác của Hoa Kỳ và cũng là vùng lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền - đã bị hàng chục khinh khí cầu quân sự của Trung Quốc do thám.

Bộ Quốc phòng Đài Loan sau đó đã làm rõ rằng họ chỉ phát hiện khí cầu thời tiết của Trung Quốc - hôm thứ Sáu 17/02 họ đã tìm thấy mảnh vỡ của một vật thể như vậy - nhưng cũng cảnh báo sẽ không ngần ngại bắn hạ bất kỳ vật thể quân sự nào khả nghi trong không phận của Đài Loan.

"Đối với các quốc gia khác, trước đây họ không biết phải làm gì, nhưng bây giờ thì đã biết. Vì vậy, điều đó cho thấy thiếu sót trong hiểu biết của các quốc gia khác, và không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đã tìm cách khai thác kẽ hở đó", Tiến sĩ Ian Chong, một học giả tại Carnegie Trung Quốc nói.

Đối với những người tin vào cáo buộc của Hoa Kỳ, vụ việc đã làm nổi bật việc các nước đánh giá thấp về khả năng do thám của Trung Quốc - và Bắc Kinh sẽ làm bất cứ điều gì để chứng minh.

"Điều đó chắc chắn cho thấy Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa cảm thấy họ hoàn toàn có thể biện minh cho bất kỳ công nghệ nào và bất kỳ nhiệm vụ nào, rằng họ có thể làm bất cứ điều gì để tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc thể hiện uy lực, tiến hành do thám và đẩy Mỹ vào rủi ro", ông Drew Thompson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và cũng là nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định.

Ông Thompson nói, điều này được thực hiện "bất chấp hậu quả đối với uy tín của Trung Quốc, nghĩa vụ và việc tuân thủ luật pháp quốc tế, cũng như không cân nhắc đến lợi ích từ việc hành động có sự kiềm chế".

Lưu ý rằng đã thiếu sự giận dữ và phản kháng chung từ cộng đồng toàn cầu, ông Thompson cho biết điều này thể hiện "sự mong manh của luật pháp quốc tế" và là "bằng chứng cho khả năng của Trung Quốc trong việc ngăn chặn các nước khác chỉ trích họ", và có thể dẫn đến một thế giới thiếu an toàn hơn.

Theo một số nhà quan sát, Bắc Kinh đã làm xói mòn những nỗ lực của chính họ để đạt được lòng tin và thể hiện hình ảnh của một siêu cường có trách nhiệm trong cách phản ứng trước vụ việc.

Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ chi tiết hậu thuẫn cho tuyên bố của họ rằng đây là khí cầu khí tượng dân sự, như tên công ty vận hành nó. Tiến sĩ Chong nói: “Sự thiếu minh bạch này chỉ tạo ra nhiều câu hỏi hơn và khiến những người vốn đã hoài nghi có lý do để ngờ vực thêm nữa”.

Ông nhận định thêm, tuyên bố sau đó của Bắc Kinh nói Mỹ trong quá khứ đã thả hơn 10 khinh khí cầu do thám vào Trung Quốc - điều mà Washington đã phủ nhận - cũng "gây hoang mang".

"Có phải Trung Quốc cho rằng thả nhiều khinh khí cầu vào lãnh thổ của nhau là một thông lệ được chấp thuận?" Tiến sĩ Chong đặt câu hỏi, ông chỉ ra rằng nếu đúng như vậy, sẽ mâu thuẫn với sự khẳng định lâu nay của Bắc Kinh về việc tôn trọng chủ quyền.

Ông Thompson cho biết, tuyên bố này có thể được xem là một trường hợp Trung Quốc làm chệch hướng và tham gia vào chủ nghĩa whataboutism, một cách phản ứng lại một lời cáo buộc bằng cách đưa ra một lời buộc tội ngược lại.

Nhưng cách Mỹ đáp trả cũng khiến một số người quan ngại, đặc biệt là những bên đứng về phía Trung Quốc.

Tuần rồi, các quan chức Mỹ thừa nhận rằng ba vật thể khác mà họ bắn hạ từ bầu trời ở Bắc Mỹ không có khả năng là thuộc vật do thám nước ngoài. Tổng thống Mỹ Joe Biden bảo vệ quyết định này là cần thiết để bảo vệ giao thông hàng không thương mại, và cũng bởi vì lúc đó họ "không thể loại trừ nguy cơ bị do thám các cơ sở nhạy cảm".

Victor Gao, phó chủ tịch của Center for China and Globalization (Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc và Toàn cầu hóa), trụ sở tại Bắc Kinh, gọi vụ bắn hạ là một "phản ứng thái quá" có thể được coi là "hành động ngày càng cuồng loạn" của Hoa Kỳ.

"Trung Quốc đã rất chuyên nghiệp và có trách nhiệm, giải thích tình hình với Mỹ và toàn thế giới, đồng thời yêu cầu sự hợp tác thay vì đối đầu. Điều này trái ngược với chủ nghĩa hiếu chiến của Mỹ - họ nên nhớ rằng đây không phải là chuyện bắn bò ở miền Viễn Tây mà là bắn hạ một vật thể mà Trung Quốc sở hữu," ông nói.

Những người khác đã tán dương cách xử lý của Mỹ đối với vụ việc, Phó Thủ tướng Úc Richard Marles gọi việc bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc là "một cách phản ứng rất thận trọng" đối với sự xâm nhập.

Ông Tập và ông Biden bắt tay tại Bali năm 2022


Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Thời gian 'nồng ấm' hơn khi ông Tập và ông Biden gặp nhau tại Thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11/2022

Khi đôi bên đều kiên quyết với lập trường của mình, chuyện khinh khí cầu nổ tung đã khiến vấn đề hòa giải trở nên khó nhằn hơn.

Ông Gao cảnh báo rằng đối với người Trung Quốc, vụ bắn hạ khinh khí cầu và việc ông Biden từ chối cáo lỗi đã tạo nên một tiền lệ.

“Họ cần phải chuẩn bị cho những hành động trả đũa tương tự đối với các vật thể tương tự trong không phận của Trung Quốc… Đừng phàn nàn rằng Trung Quốc không xin lỗi, nếu sự cố đáng tiếc như vậy lại xảy ra”, ông nói.

Ông chỉ ra rằng điều này thậm chí có thể thúc đẩy Trung Quốc có lập trường mạnh mẽ hơn đối với các máy bay và tàu của Mỹ trong không phận và vùng lãnh hải mà Trung Quốc xem là của mình, chẳng hạn như Đài Loan.

Hải quân Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành điều mà họ gọi là các cuộc tập trận vì "nền tự do hàng hải" bằng cách đưa các tàu quân sự đi qua eo biển Đài Loan.

Nhưng có những dấu hiệu sẵn sàng đối thoại. Ông Biden cho biết ông có kế hoạch sớm điện đàm cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về vụ việc.

Hai nhà lãnh đạo đều phải đối mặt với áp lực trong nước để không bị coi là lép vế.

Khi câu chuyện về khinh khí cầu tiếp diễn, câu hỏi đặt ra bây giờ là cả hai nhà lãnh đạo sẽ sẵn sàng chi bao nhiêu nguồn vốn chính trị để giảm nhiệt căng thẳng.

Chia sẻ Facebook