CUỘC HÔN NHÂN VIỆT – NHẬT ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ HAI NƯỚC

Chia sẻ Facebook
15/07/2023 08:27:42

Bên cạnh việc buôn bán, quan hệ Việt-Nhật cũng được phát triển trên những lãnh vực khác, trong đó có chuyện hôn nhân giữa một cô gái...


Tuy các thương nhân Nhật Bản đã có mặt ở Đàng Trong từ nửa sau thế kỷ 17, song phải từ đầu thế kỷ 18 trở đi thì việc giao thương giữa họ với người bản xứ cũng như với các thành phần thương nhân khác mới trở nên sôi động. Các châu ấn thuyền thay nhau đến và đi ở thương cảng Hội An, tạo sinh khí mới cho vùng đất Đàng Trong còn khá mới mẻ. Bên cạnh việc buôn bán, quan hệ Việt-Nhật cũng được phát triển trên những lãnh vực khác, trong đó chuyện hôn nhân giữa một cô gái Việt và một thương nhân Nhật là sự kiện đầu tiên xảy ra trong quan hệ giữa hai nước.

Tiếp theo kỳ II : Quan hệ giữa chính quyền Đàng Trong với Nhật Bản


Thương nhân Araki Sotaro (Hoàng Mộc Tôn Thái Lang) được cấp châu ấn trạng đi buôn bán ngoài nước từ năm 1591, song phải từ đầu thập niên 1600, ông mới ghé lại Faifo (Hội An) nhiều lần. Đến cuối thập niên 1610, Sotaro trở thành người thân thiết với phủ chúa Nguyễn Phúc Nguyên và được chúa cấp cho một chứng chỉ xác định mối quan hệ gia tộc, trong có đoạn viết: “… Nay có Mộc Thân Tôn Thái Lang (cũng là Hoàng Mộc Tôn Thái Lang – LN) là chủ tàu nước Nhật Bản vượt biển đến nước ta, xin bái kiến và xin nương dưới gối, thật là vẻ vang. Ta thuận lòng người nhận cho làm quý tộc Nguyễn Đại Lương, tên là Hiển Hùng. Thế không những là vẻ vang ở cung đình, cũng là giữ bền lợi thông xứ Nam và xứ Bắc.” (bản dịch của Nông Sơn – tạp chí Văn Hóa Á Châu – Sài gòn – số 3-4/1958, trang 21).

Tấm bia viết về cuộc hôn nhân Nhật-Việt dựng tại mộ phần dòng họ Araki ở Nagasaki.


Cũng từ chứng thư đó, bản dịch bằng tiếng Pháp của N. Peri in trong Tập san trường Viễn Đông Bác cổ (BEFEO) tập 23 năm 1923 có nội dung chi tiết hơn: “Ta trộm nghĩ lời nói đáng tin, rằng sự kết hợp hôn nhân giữa hai nước là điều hệ trọng, còn gì quý hơn là sự hòa thuận một nhà… Vì y (Hoàng Mộc Tôn Thái Lang) bày tỏ ý nguyện được làm con cái của ta, sau khi cứu xét, ta thuận cho y vào dòng họ Nguyễn dưới cái tên Nguyễn Thái Lang…”


Về phần Nhật Bản, sách Hòa văn ngoại phiên thông thư có ghi rằng: “… Đầu năm Văn Lộc, nhân muốn buôn bán với ngoại quốc, cho tàu Kinh, Giới, Trường kỳ, cộng thuyền chủ 9 tàu, vượt bể qua lại Đông Kinh, Giao Chỉ, Đông Phố Trại, một tàu là sở hữu của Hoàng Mộc Tôn Thái Lang, trong năm Nguyên Hòa, đi lại tỉnh Quảng Nam. Quốc vương vì tình âu yếm người xa lạ, gả con gái cho Tôn Thái Lang, lại cho người ấy dùng họ Nguyễn để giữ vững tình thân thuộc…” (Tạp chí Văn Hóa Á Châu – sđd – trang 22)

Như vậy, việc chúa Nguyễn gả một công nữ (hay một cô gái nào đó) cho thương nhân Nhật Bản là điều có thật. Năm 1620, người phụ nữ Đại Việt theo chồng về Trường Kỳ (Nagasaki), Nhật Bản. Từ đó, bà mang tên Okakutome, nhưng người trong gia đình chồng gọi tắt là Anio.


Trong một bài viết nhan đề “Một thoáng Phù Tang” , in trên trang web www.erct.com, tiến sĩ Trương Văn Tân có nhắc lại việc ông đến thăm chùa Daion-Ji và được xem tấm bia đá kể lại cuộc hôn nhân Nhật-Việt do thành phố Nagasaki dựng lên gần ngôi mộ dòng họ Araki, theo đó, người phụ nữ Việt lấy Araki Sotaro tên là Wakaku (Vương Gia Cửu) (chứ không phải Okakutome) và “Cuộc đời của Araki Sotaro và công nương Việt Nam Wakaku sẽ có rất ít người biết nếu chỉ dựa vào bảng tiểu sử ở một nghĩa trang heo hút và tài liệu ‘đóng bụi’ của Đại Âm Tự. Nhưng câu chuyện tình Nhật Việt này đã được mang ra trình bày và giải thích bằng hai thứ tiếng Nhật và Anh cùng với những mẩu chuyện khác về Nagasaki ở thế kỷ 17, 18 tại địa điểm tham quan lịch sử Dejima (đề cập ở phần sau). Tài liệu Nhật còn cho biết khi nàng Wakaku cập bến Nagasaki, một cuộc đón tiếp long trọng được tổ chức để đón cô dâu quí tộc đến từ Nam quốc xa xôi. Trang phục của cô dâu đã gây một ấn tượng đặc biệt cho người dân Nagasaki và từ đó về sau nó trở thành một tiết mục thời trang cho lễ hội (matsuri) hàng năm của thành phố đến tận ngày hôm nay.” (Một thoáng Phù Tang)

Căn cứ vào những tài liệu mà dòng họ Sotaro còn lưu lại, sau khi về Nhật, Anio sinh một con gái đặt tên là Yasu. Năm 1635, chính quyền Nhật Bản cấm đoán mọi trường hợp đi ra nước ngoài bằng đường biển, hi vọng về thăm lại quê hương của Anio tắt ngấm. Một năm sau (1636), Sotaro qua đời, còn Anio mất năm 1645. Mộ của hai người dựng gần ngôi chùa Daion-Ji (Đại Âm tự), một trong những ngôi chùa lớn của thành phố Nagasaki.

Chùa Daion-ji (Đại Âm tự).

Theo lời kể của một người đại diện gia tộc Sotaro là bà Kuro Kawa Tai thì ngôi nhà mà bà Anio từng trú ngụ đến nửa sau thế kỷ 19 vẫn còn nguyên vẹn. Bà Kuro Kawa còn giữ một kỷ vật mà Anio đã mang theo từ Đại Việt. Đó là một chiếc gương soi đã cũ nát theo thời gian, khung mạ vàng, kích thước 30 cm x 35 cm, chạm khắc theo kiểu châu Âu.

Ngoài cuộc hôn nhân này, còn có một cuộc hôn nhân Việt-Nhật thứ hai rất ít được nói đến và mới được phát hiện gần đây. Theo sách phả hệ của dòng họ Ozawa Shiroemon (Đại trạch tứ lang hữu vệ môn), ở làng Toba gần Kyoto, một trong những người con thứ của gia đình Ozawa là Shiroemon Mitsunaka đã ra nước ngoài trong thời kỳ trị vì của vua Khang Vĩnh (1624-1648), đã được vua An Nam tiếp kiến và gả con gái cho, phong làm tướng trong quân đội và cấp cho một vùng đất rộng để sinh sống. Ở Đại Việt được vài năm, vì nhớ quê nhà, Shiroemon xin về Nhật và mất một thời gian ngắn sau đó. Gia đình ông còn giữ một số vật kỷ niệm, trong đó có những món đồ gốm và ba bức thư gửi từ An Nam.

Trở lại với cuộc hôn nhân thứ nhất, câu hỏi được đặt ra là người phụ nữ Việt lấy chồng Nhật Bản và được gia đình chồng gọi tên Anio có tên Việt là gì? Bà có phải là con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên không? Theo tài liệu về phả hệ của Nguyễn Phước tộc và một vài tài liệu ngoài chánh sử, chúa Sãi có 4 người con gái là Ngọc Liên, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa và Ngọc Đỉnh. Bà chánh thất của chúa (sau là Hiếu Văn hoàng hậu) thuộc dòng họ Mạc, tên Mạc Thị Giai, lại là con gái của Khiêm vương Mạc Kính Điển, dòng họ mà Đoan Quận công Nguyễn Hoàng từng ra Bắc giúp triều đình nhà Lê tiêu diệt.

Mộ phần dòng họ Araki (Ảnh của tiến sĩ Trương Văn Tân).

Điều trớ trêu là khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, em trai Mạc Kính Điển là Mạc Cảnh Huống vào theo chúa, lập được nhiều công trạng. Khi con gái Mạc Kính Điển trở thành chánh phi của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thì mặc nhiên Mạc Cảnh Huống là chú vợ chúa. Con trai Huống là Mạc Cảnh Vinh cũng phục vụ dưới trướng chúa Nguyễn. Năm 1629, Cảnh Vinh lập công lớn khi đánh dẹp được một kẻ nội phản và mở rộng đất đai đến Bình Khang (Khánh Hòa). Ông được chúa Sãi cho lấy họ Nguyễn, đổi tên là Nguyễn Phúc Vinh (sau là Nguyễn Hữu Vinh) và được gả cho cô con gái cả của chúa là công nữ Ngọc Liên.

Cô con gái thứ hai của chúa là công nữ Ngọc Vạn được chúa gả cho vua Chân Lạp Chey Chetta II năm 1620. Và chỉ ba năm sau (1623), tức hơn 50 năm trước khi những người Hoa lánh nạn nhà Thanh được cho vào khai khẩn hai vùng đất Trấn Biên và Phiên Trấn, bà hoàng này đã thuyết phục được chồng để cho chúa Nguyễn khai khẩn khu dinh điền ở Mổi Xuy (Mô Xoài, gần Bà Rịa ngày nay) và đặt trạm thu thuế tại Sài gòn.

Công nữ Ngọc Đỉnh được chúa gả cho Phó tướng Nguyễn Cửu Kiều, người từng giữ và chuyển cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên những bức mật thư mà chị ông là Ngọc Tú, vợ Trịnh Tráng, gửi vào Nam.

Danh phận hai công nữ Ngọc Liên và Ngọc Đỉnh, chánh sử có nêu rõ. Về công nữ Ngọc Vạn, tuy sử Việt không ghi, song hai tác giả Pháp M. Giteau (tác phẩm: Histoire du Cambodge – Paris 1957) và Henri Ruissier (tác phẩm: Histoire sommaire du Royaume de Cambodge) viết về lịch sử xứ Chân Lạp đều có nhắc đến cuộc hôn nhân của vua Chân Lạp Chey Chetta II và công nữ Ngọc Vạn.

Riêng người công nữ cuối cùng là Ngọc Khoa thì danh phận mơ hồ hơn cả.

Tranh vẽ Nagasaki thời xưa.

Một tác giả Pháp là Marcel Ner, trong một bài viết đăng trên Tập san trường Viễn Đông Bác cổ (BEFEO) năm 1930 có kể rằng vua Chiêm Po Romé ngự trị tại thành Bal Pandaran (Phan Rang) vào những năm 1627-1651, có ba người vợ, một là người Chiêm (Bia Suthi), hai là người sắc tộc Rhadé (Bia Tan Chan) và người thứ ba (Po Bia Út) là con chúa Nguyễn (nguyên văn: fille d’un Chúa annamite). Chi tiết này khá mơ hồ, vì Marcel Ner không nói rõ con chúa Nguyễn là ai và chúa Nguyễn là ai, vì trong thời gian vua Po Romé tại vị (1627-1651), phía Đại Việt trải qua ba đời chúa: chúa Nguyễn Phúc Nguyên mất năm 1635, con là Nguyễn Phúc Lan kế nghiệp, rồi sau đó là chúa Nguyễn Phúc Tần lên ngôi năm 1648. Song một vài nhà nghiên cứu dựa vào đó để suy diễn rằng người vợ thứ ba của vua Chiêm Po Romé chính là công nữ Ngọc Khoa.

Dựa vào những nguồn sử liệu trên, có thể thấy rằng trong 4 người con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thì danh phận ba công nữ Ngọc Liên, Ngọc Vạn và Ngọc Đỉnh đã khá rõ, duy có công nữ Ngọc Khoa là hoàng hậu Chiêm quốc hay là Anio, vợ thương nhân Hoàng Mộc Tôn Thái Lang, thì chưa thể xác định rõ điều gì. Đây là một thách thức đối với giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam, đòi hỏi cần có những nguồn tài liệu khác rõ ràng hơn để làm sáng tỏ một vấn đề thú vị của lịch sử.


Lê Nguyễn
31.7.2018


Đăng tải dưới sự đồng ý của tác giả
Bài đã đăng trên Văn hóa Nghệ An


Xem thêm cùng tác giả :

Mời xem video: Tại sao Nhật Bản không có cơn bão cánh tả kiểu Mỹ?

Chia sẻ Facebook