Cuộc gọi khẩn cầu 911 bị phớt lờ
MỹBé Robert Turner ngồi khóc nức nở, tuyệt vọng nhìn mẹ chết chỉ vì các nhân viên tổng đài 911 nghĩ rằng cuộc gọi kêu cứu của cậu là trò đùa.
Ngày định mệnh 20/2/2006 bắt đầu bình thường như bao ngày đầu tuần khác với gia đình Robert ở Detroit, Michigan. Nhưng lúc 18h, mẹ của cậu bé, người có tiền sử bệnh tim to (cơ tim phì đại) bất ngờ ôm ngực ngã xuống sàn phòng ngủ. Robert là người duy nhất ở cùng mẹ thời điểm đó, cố gắng lay và gọi trong khi giọng khản đi vì khóc và sợ hãi.
Cậu bé mới 5 tuổi, dù còn chưa biết tự thay quần áo nhưng đã biết phải làm gì trong những tình huống khẩn cấp: Nhấc máy gọi tổng đài khẩn cấp, 911. Cuộc gọi đầu tiên lúc 17h59 được ghi lại như sau:
- 911 nghe đây. Có chuyện gì vậy?
- Mẹ cháu sắp chết rồi
- Bà ấy đâu?
- Ở ngay cạnh cháu.
- Đưa máy cho mẹ đi.
- Mẹ sẽ không nói gì đâu.
Sau khoảng 2 giây, Sharon Nichols, 43 tuổi nhân viên tổng đài, bắt đầu tỏ ra mất kiên nhẫn, cư xử thô lỗ với cậu bé, sau đó nói: "Thôi được rồi, tôi sẽ cử cảnh sát đến xem sao".
Nhưng đã không có sự trợ giúp nào với hai mẹ con họ. Ba giờ sau, lúc 21h2, cậu bé 5 tuổi gọi lần thứ hai cho tổng đài 911. Lần này, người nhấc máy là Terri Sutton.
- 911 đây, có chuyện gì vậy?
- Mẹ cháu đã chết trong phòng ngủ.
- Người lớn đâu hết rồi?
- Mẹ cháu ở trong phòng.
- Đưa điện thoại cho mẹ đi.
- Mẹ cháu không nói chuyện được.
- Tôi không quan tâm. Trẻ con đừng có nghịch điện thoại. Giờ hãy đưa ngay điện thoại cho mẹ trước khi tôi cử cảnh sát đến đập cửa và cháu sẽ gặp rắc rối đấy.
Robert nghe vậy, ngập ngừng một hồi lâu rồi lắp bắp đáp: "Nhưng mẹ cháu chết rồi". Song đầu dây bên kia đã dập máy.
Cậu bé đã phải đợi thêm 38 phút nữa mới có người đến nhà gõ cửa, nhưng không phải nhân viên y tế mà là một sĩ quan cảnh sát đến để "trừng phạt". Nhận ra mọi việc đã quá muộn, sĩ quan này gọi xe cấp cứu. Song mẹ của Robert, Sherrill Turner, 46 tuổi, đã chết.
Người thân của Robert đệ đơn kiện thành phố Detroit và hai nhân viên 911 với số tiền đòi bồi thường một triệu USD. Luật sư Geoffrey Fieger, đại diện cho gia đình Robert, khẳng định chính sự chậm trễ, thờ ơ và sơ suất của những nhân viên này đã dẫn đến cái chết của bà Sherrill.
"Chúng tôi dạy con mình khi đối mặt với tình huống khẩn cấp để kêu cứu thì gọi 911. Nhưng khi trẻ gọi và yêu cầu giúp đỡ, chúng bị phớt lờ, bị đuổi đi và bị đe dọa. Nếu cuốn ghi âm này không tồn tại, sẽ không ai tin bé Robert", luật sư nói.
Ông khẳng định sẽ chứng minh được rằng đây không phải là sự cố riêng lẻ. "Điều này đang xảy ra thường xuyên hơn nhiều so với những gì mọi người nghĩ", luật sư nói trước phiên toà.
Tại một cuộc họp báo thông báo về việc nộp đơn kiện, luật sư Geoffrey Fieger đã chứng minh trường hợp của Robert Turner không phải là vụ cẩu thả duy nhất của 911. Ông phát một đoạn băng ghi âm khác của cuộc gọi tới 911 từ ngày 12/1/2005, trong đó một người phụ nữ, cũng ở Detroit, đã gọi trợ giúp khẩn cấp vì bị chồng bắn vào đầu.
Trong đoạn băng có tiếng nhân viên tổng đài 911 hỏi người phụ nữ "có vấn đề về tâm thần không?" và sau đó yêu cầu đưa điện thoại để nói chuyện với chồng bà.
Cũng giống như bé Robert, bà không nhận được bất cứ trợ giúp nào sau hai cuộc gọi, do đó quyết định gọi cho con trai đang sống ở một bang khác cách đó hàng trăm km, nhờ gọi 911 giúp mình. Bà đã may mắn hơn mẹ Robert.
Bị buộc tội Cố ý bỏ bê nhiệm vụ , cả hai nhân viên Terri Sutton và Sharon Nichols đều phải hầu tòa tháng 1/2008. Trong quá trình xét xử, họ bị 911 Detroit sa thải do sức ép dư luận quá dữ dội. Hai người bị cáo buộc phớt lờ các khung nghiệp vụ tiêu chuẩn, gọi cảnh sát thay vì gọi cấp cứu.
Nichols ban đầu lập luận rằng không thể nghe thấy Robert qua điện thoại một cách chính xác. Tuy nhiên, với các cuộc trò chuyện được ghi âm và phát công khai trong phiên toà, bồi thẩm đoàn nhanh chóng bác bỏ lý luận này và tuyên có tội.
Họ bị Tòa án Quận 36 ở Detroit kết án ngày 11/3/2008 với một năm quản chế, 100 giờ phục vụ cộng đồng và phạt 450 USD. Bản án nhận định, hai nhân viên này "có thể đã thô lỗ nhưng không có bằng chứng về việc cố ý bỏ mặc nạn nhân", do đó không thể có cáo buộc hình sự.
Luật sư Geoffrey Fieger kêu gọi các nhà điều hành 911 trên toàn quốc xem xét các cuộc gọi một cách nghiêm túc và cáo buộc việc đào tạo không đúng cách đã có thể gây ra nhiều cái chết oan uổng trước đó.
Vụ việc của Robert diễn ra sau nhiều năm xảy ra các vụ án nổi tiếng ở các thành phố khác, nơi các cuộc gọi tới 911 không mang lại sự trợ giúp cho những người gặp khó khăn thực sự.
Ví dụ, năm 1994 tại Philadelphia, ít nhất 20 người đã gọi 911 để báo cáo vụ đánh đập một cậu bé 16 tuổi và sau đó đã tử vong. Vì việc này 7 nhân viên đã bị kỷ luật hoặc sa thải.
Năm 2000 tại New York, ba người của 911 đã bị kỷ luật vì phản ứng chậm trước lời cầu xin của nhiều phụ nữ phàn nàn về việc bị các nhóm thanh niên hành hung trong một cuộc diễu hành.
Nhưng với Robert, sẽ không có nỗ lực có thể đưa mẹ cậu bé trở lại hay xóa bỏ nỗi đau về đêm kinh hoàng năm 2006.
Hải Thư (Theo ATI )