Cuộc đua Tổng thống Phần Lan bước vào vòng nước rút

Chia sẻ Facebook
30/01/2024 04:36:58

Cuộc bầu chọn Tổng thống ở quốc gia thành viên thứ 31 của NATO thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo quốc tế vì vai trò cực kỳ quan trọng của vị trí này.


Cuộc bầu cử Tổng thống Phần Lan hôm 28/1 đã kết thúc mà không có người chiến thắng rõ ràng. Tuy nhiên, cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên ở Phần Lan với tư cách một quốc gia thành viên NATO đã chứng kiến kết quả sít sao giữa các ứng cử viên, với gần 75% cử tri đi bỏ phiếu – tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất trong gần 2 thập kỷ.


Với 99% số phiếu đã được kiểm, cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb theo đường lối bảo thủ đang dẫn dầu với 27,1% số phiếu bầu, theo sau là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Pekka Haavisto của Đảng Xanh trung tả với 25,8% số phiếu bầu. Nghị sĩ Jussi Halla-aho của Đảng Finns cực hữu đứng thứ 3 với 19% số phiếu bầu, dẫn trước 6 ứng cử viên khác.


Vì không ai trong số các ứng cử viên giành được hơn 50% số phiếu bầu, nên 2 ứng cử viên giành được nhiều phiếu bầu nhất trong vòng 1, ông Stubb và ông Haavisto, sẽ tiếp tục cạnh tranh với nhau trong vòng nước rút (runoff) dự kiến diễn ra vào ngày 11/2.


Người chiến thắng sẽ kế nhiệm Tổng thống Sauli Niinisto, người được coi là giỏi nhất trong việc chỉ đạo chính sách đối ngoại và an ninh. Ông Niinisto, 75 tuổi, đã phục vụ 2 nhiệm kỳ 6 năm liên tiếp và không thể tái tranh cử.


Vai trò của Tổng thống trong việc lãnh đạo chính sách đối ngoại của Phần Lan ngày càng trở nên quan trọng trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Niinisto sau khi Nga mang quân vào Ukraine vào đầu năm 2022. Điều này đã làm thay đổi căn bản tính toán an ninh của châu Âu nói chung và Phần Lan nói riêng. Sau khi suy nghĩ lại một cách triệt để, Helsinki đã gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương vào đầu năm ngoái.

Cơ quan Biên phòng Phần Lan kiểm tra giấy tờ của người đến cửa khẩu biên giới ở Salla, miền Bắc Phần Lan, ngày 22/11/2023. Ảnh: Al Jazeera


“Đối với chúng tôi, chính sách đối ngoại và an ninh là vấn đề sống còn”, ông Stubb, 55 tuổi, cho biết. “Theo nghĩa đó, chúng tôi khá thống nhất trong bức tranh lớn, cho dù đó là tư cách thành viên NATO hay những thứ liên quan đến điều đó”.


Khi Phần Lan gia nhập NATO, Nga tuyên bố sẽ đáp trả. Cuộc khủng hoảng di cư bắt đầu vào cuối năm ngoái ở đường biên giới dài 1.300 km (800 dặm) ngăn cách 2 nước. Phần Lan cáo buộc Nga sử dụng người di cư để gây áp lực lên quốc gia Bắc Âu này, và phản ứng bằng cách đóng cửa các trạm kiểm soát. Cho đến nay, biên giới giữa 2 nước vẫn đóng cửa.


“Chúng tôi rất nhất trí về các vấn đề chính sách an ninh quan trọng – tư cách thành viên NATO, thỏa thuận hợp tác quốc phòng của Phần Lan với Mỹ và về việc cứng rắn với biên giới Nga”, ông Haavisto, 65 tuổi, nói. “Không phải là điều xấu khi người Phần Lan rất nhất trí về các vấn đề chính sách đối ngoại trọng tâm”.


Về 2 ứng cử viên sẽ cạnh tranh với nhau trong vòng nước rút sắp tới, ông Alexander Stubb đã nắm giữ tất cả các chức vụ cấp Bộ trưởng hàng đầu ở Phần Lan, bao gồm cả các vị trí về tài chính và đối ngoại. Ông Stubb có bằng Tiến sĩ về quan hệ quốc tế và hiện là Giáo sư tại Viện Đại học châu Âu ở Florence, Italy.


Ông Pekka Haavisto đang tranh cử Tổng thống lần thứ 3, sau 2 lần thua trước ông Niinisto. Nhà ngoại giao kỳ cựu Haavisto đã đưa Phần Lan gia nhập NATO với tư cách Ngoại trưởng, điều hướng các cuộc đàm phán nhạy cảm để biến tư cách thành viên thành hiện thực. Ông cũng giúp môi giới hòa bình ở Darfur (Sudan) với tư cách là đại diện đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU).


Cả 2 ứng cử viên đều đại diện cho các chính đảng chính thống ở Phần Lan: Ông Stubb là nhà lập pháp lâu năm của Đảng Liên minh Quốc gia trung hữu và ông Haavisto là thành viên của Đảng Xanh trung tả .


Minh Đức (Theo Bloomberg, Politico EU)

Chia sẻ Facebook