Cuộc đua thống trị lĩnh vực Internet vệ tinh
Mặc dù lĩnh vực Internet vệ tinh đã tồn tại trong nhiều năm qua nhưng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ trở nên khắc nghiệt hơn trong thời gian tới.
Sự cạnh tranh này là không thể tránh khỏi khi nhiều công ty lên kế hoạch phóng hàng nghìn hệ thống vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất tầng thấp.
Động thái mới nhất trong lĩnh vực Internet vệ tinh là hãng công nghệ Amazon của Mỹ ngày 5/4 đã thông báo về loạt thỏa thuận với các đối tác nhằm triển khai kế hoạch phóng chùm vệ tinh trong dự án Internet vệ tinh mang tên Kuiper trị giá 10 tỷ USD. Qua đó, hãng thương mại điện tử này có thể cung cấp dịch vụ Internet cho người dân trên toàn thế giới, kể cả ở những khu vực chưa có kết nối Internet.
Ngoài các vệ tinh, Amazon cũng dự định cung cấp các thiết bị đầu cuối với giá cả phải chăng, cũng như các thiết bị nhà thông minh Echo, máy đọc sách điện tử Kindle, và hứa hẹn cung cấp dịch vụ với mức giá hợp lý và dễ tiếp cận nhưng chưa đưa ra mức giá cụ thể.
Hiện tại, khách hàng ở Mỹ có thể truy cập Internet thông qua hai nhà mạng cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh lớn là HughesNet và Viasat, trong khi ở châu Âu, công ty con Nordnet của Orange đang khai thác hệ thống vệ tinh Eutelsat Konnect để cung cấp băng thông rộng cho khách hàng. Phí dịch vụ vào khoảng dưới 60 euro/tháng (70 USD/tháng) chưa tính tiền thiết bị đầu cuối và ăng-ten, cũng như mức độ băng thông.
Công ty OneWeb của Anh cũng đã phóng 428 trong số 648 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất tầng thấp, trong khi đó Trung Quốc có kế hoạch phóng khoảng 13.000 vệ tinh.
Ngoài vấn đề về cạnh tranh, việc phát triển nhanh chóng lĩnh vực Internet vệ tinh còn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên thế giới. Cuối tháng 3 vừa qua, Liên minh Viễn thông quốc tế thuộc Liên hợp quốc cho rằng, việc truy cập Internet từng được coi là "xa xỉ" nhưng hiện đã trở nên quan trọng đối với nhiều người trong bối cảnh xảy ra đại dịch COVID-19, khi người dân phải ở nhà nhiều hơn và nhiều hoạt động khác chuyển sang hình thức trực tuyến.
Giới chuyên gia thậm chí còn dự báo "nhu cầu băng thông đã tăng vọt trên toàn thế giới và chúng ta sẽ không bao giờ phóng đủ vệ tinh để đáp ứng nhu cầu".