“Cuộc đua phi thường” về vòng tay mẹ - 68 ngày thử thách đầu đời của một em bé sinh non
Có những cuộc đua không bắt đầu ở vạch xuất phát… Có những em bé vừa sinh ra đã phải đón nhận thử thách, tự “chạy” trên chính ý chí, và nghị lực sống của chính mình để đến vạch xuất phát. Em bé Bella, sinh non tuần thứ 30, nặng vỏn vẹn chỉ 1,3kg là một “chiến binh” quả cảm như thế…
Bất kỳ bố mẹ nào đều mong muốn sau 9 tháng 10 ngày mang thai vất vả sẽ nhìn thấy con yêu chào đời khỏe mạnh, được nghe tiếng khóc thật to của con, phần nào xoa dịu được những mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần của người mẹ. Nhưng không ai cũng may mắn được như vậy, như trường hợp em bé Bella sinh non ở tuần thứ 30 tại AIH, nặng chỉ 1,3kg, ngay vừa chào đời, con bé xíu và cất từng hơi thở khó nhọc.
Có những cuộc đua không bắt đầu ở vạch xuất phát. Với bé Bella đó là cuộc đua sinh tồn trong suốt 68 ngày không có giờ giải lao, là thử thách đầu đời con phải luôn kiên cường và dũng cảm trong từng giây từng phút, cùng sự hỗ trợ của đội ngũ y bác sĩ AIH trong "cuộc đua" đầu đời.
Ngay từ khi ra đời, bé đã ngay lập tức được hồi sức cấp cứu sơ sinh và nằm lồng ấp để sưởi ấm, ổn định thân nhiệt, chích kháng sinh, caffeine citrate và hỗ trợ thở áp lực dương liên tục. Không chỉ thế, những thử thách liên tục đến với con và đội ngũ y bác sĩ AIH, khi chỉ mới ngày thứ 3 sau khi chào đời, cơn ngưng thở đến với con do não chưa hoàn thiện, đừ, tăng nhu cầu oxy. Lúc này, kết quả siêu âm tim cho thấy tồn tại ống động mạch gây ảnh hưởng lưu thông máu, Bella được bác sĩ đổi kháng sinh, đóng ống động mạch bằng thuốc Paracetamol và Ibuprofen truyền tĩnh mạch nhằm hạn chế nguy cơ suy tim, viêm ruột.
Sau 10 ngày theo dõi và điều trị sát sao, tình trạng của bé cải thiện dần, ống động mạch nhỏ lại, con được chỉ định ngưng kháng sinh, nuôi ăn tĩnh mạch giảm dần và thay bằng ăn sữa mẹ.
Tuy nhiên, cuộc chiến không dừng ở đó, những khó khăn vẫn luôn diễn ra, chỉ cần lơ là một phút hoặc không can thiệp kịp thời, con có thể đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe sau này.
Bella được điều trị tích cực với kháng sinh lần hai, thuốc chống trào ngược dạ dày thực quản, lợi tiểu, corticoid, kèm theo bổ sung vitamin, sắt, sữa mẹ được pha với HMF (một sản phẩm đặc chế dành cho trẻ non tháng với cân nặng cực thấp) để bổ sung dưỡng chất cần thiết cho bé. Đồng thời, dù bé chưa thể ngừng hỗ trợ thông khí áp lực dương (NCPAP), mẹ của bé được khuyến khích và tạo điều kiện da kề da cùng bé mỗi ngày.
Bất kì người bố mẹ nào khi chứng kiến con mình ngay vừa chào đời phải cứu cấp hồi sức tích cực, nằm lồng ấp trong suốt gần hai tháng trời có lẽ đều không khỏi xót xa. Khoảnh khắc nhìn con nhỏ xíu trong lồng ấp bé như hạt tiêu, cất tiếng khóc khó nhọc, ba mẹ và đội ngũ bác sĩ đều cảm thấy đau xót. Có những đứa trẻ khác ngay vừa sinh ra là ở ngay bên cạnh mẹ, được âu yếm chăm sóc bởi cả gia đình. Nhưng Bella thì khác, một em bé sinh non, người túc trực hầu hết toàn thời gian chính là các y bác sĩ với sự trợ giúp của những thiết bị máy móc.
Mỗi ngày mẹ Bella luôn mong ngóng đến giờ thăm con, được da kề da ôm con vào lòng, tiếp thêm hơi ấm và sức mạnh cho con để giữ sự gắn kết, để con cảm nhận được yêu thương, bù đắp chuỗi ngày con phải rời bụng mẹ quá sớm. Nhìn con bé nhỏ với hơi thở yếu ớt nhưng ba mẹ luôn biết con vẫn cảm nhận được tình cảm và hơi ấm, cũng có cảm xúc như bất kỳ em bé khỏe mạnh nào khác.
Phối hợp điều trị với các bác sĩ Khoa Nhi – Sơ sinh, bé được tập các bài tập vật lý trị liệu dành cho trẻ sơ sinh với các cô chú kỹ thuật viên Đơn vị Phục hồi chức năng, giúp bé phát triển khả năng vận động trong suốt thời gian theo dõi và điều trị tại đây.
Bella đủ tiêu chuẩn "tốt nghiệp" từ NICU với cân nặng 3,1 kg sau 68 ngày chăm sóc tích cực tại AIH để trở về với bao hân hoan và mong ngóng của đại gia đình. Giây phút con khỏe mạnh trở về với vòng tay ba mẹ như một em bé "sơ sinh trưởng thành".
Hành trình chào đón một thiên thần đến với ba mẹ có rất nhiều vất vả và chông gai. Nó có thể tan biến vào khoảnh khắc lần đầu trông thấy con. Còn với ba mẹ Bella thì tận 68 ngày chiến đấu không ngừng mới có thể trông thấy con mình bằng cân nặng như "con nhà người ta". Khi bế con trên tay, hạt tiêu bé xíu sau 68 ngày đã "tròn trịa" hơn lúc vừa chào đời. Và hạnh phúc trọn vẹn nhất là khi thấy con mình khỏe mạnh, từng hơi thở yếu ớt của con đã được cải thiện, con có thể cảm nhận được nhiều điều xung quanh hơn.
Lúc bế con xuất viện trở về nhà, ba mẹ Bella chia sẻ rằng 68 ngày qua thực ra còn căng thẳng hơn những ngày Bella còn trong bụng gấp bội, luôn mong từng ngày để được gặp con, lúc nào cũng cầu nguyện để không có điều gì bất trắc xảy ra với con. Và thật may mắn, con đã thoát cửa tử nhờ sự hỗ trợ bất kể ngày đêm của đội ngũ y bác sĩ AIH. Nghị lực sống của chính Bella, hơi ấm và yêu thương của ba mẹ cùng sự hỗ trợ của đội ngũ y bác sĩ AIH đã khiến con "không bỏ cuộc". Cuộc đua suốt 68 ngày đó không hề bằng phẳng mà con và đội ngũ AIH đã kiên cường trong những phút giây thử thách, đôi lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Em bé Bella đã thật vững vàng trong 68 ngày thử thách đầu đời, chắc chắn sẽ là một cô gái mạnh mẽ và sẽ kiên cường trong bất kì hoàn cảnh nào.
9 tháng 10 ngày là thời gian nuôi dưỡng lý tưởng để thai nhi hoàn thiện sự phát triển của các cơ quan cần thiết và đạt được trọng lượng sinh sơ khỏe mạnh trong bụng mẹ. Trẻ sinh non thường gặp các vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này. Do cơ thể và các chức năng quan trọng chưa phát triển toàn diện, trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân cũng có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh như suy hô hấp, hạ thân nhiệt, nhiễm trùng nặng, vàng da kéo dài, xuất huyết não… nguy hiểm hơn, trẻ dễ bị rối loạn vận mạch, xuất huyết (phổi, não, võng mạc), trương lực cơ yếu…
Hầu hết các ca sinh non ngay khi vừa chào đời cần phải được hồi sức sau sinh và chuyển ngay đến Đơn vị Chăm sóc đặc biệt (NICU) để nuôi dưỡng và chăm sóc. Ở đây môi trường chăm sóc trẻ sơ sinh đạt điều kiện lý tưởng với sự hỗ trợ của các máy móc thiết bị chuyên dụng, đồng thời đòi hỏi rất cao về chuyên môn của đội ngũ nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc cho trẻ.
Trẻ sinh non chỉ được ra viện khi đã có thể tự ăn đường miệng, tự điều chỉnh được nhiệt độ, sự trưởng thành của cơ quan đạt tiêu chuẩn.
Tại Khoa Sản - Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), sự phối hợp liên chuyên khoa hỗ trợ trong suốt quá trình sinh nở được đặt lên hàng đầu. 100% ca sinh đều có sự tham gia của các bác sĩ và điều dưỡng khoa Nhi - Sơ sinh, đảm nhận vai trò khám và sàng lọc cho bé ngay từ khi mới chào đời và theo dõi sức khỏe của bé trong suốt quá trình lưu viện.
Đối với những ca sinh khó, hoặc các trường hợp sinh non em bé chỉ hơn 1kg, cần được chăm sóc đặc biệt 24/7, thời gian có thể kéo dài từ 1-2 tháng, do đó sự phối hợp chuyên môn và chăm sóc sâu sát từ các bác sĩ khoa Nhi trong khoảng thời gian cấp bách cần được ưu tiên hàng đầu. Điều này còn giúp giảm bớt tỉ lệ chuyển viện, giảm tải cho các bệnh viện tuyến đầu. Tại AIH, đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho nhi sơ sinh (NICU) được trang bị hiện đại đạt chuẩn, cùng sự phối hợp đội ngũ chuyên gia hàng đầu gồm bác sĩ, điều dưỡng nhi sơ sinh, chuyên gia vật lý trị liệu, chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa, luôn hỗ trợ kịp thời cho các ca sinh, đảm bảo an toàn cho bé ngay từ khi chào đời.
Các hoạt động hợp tác sẽ góp phần quan trọng giúp AIH tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời giảm thiểu chi phí cho những bệnh nhân cần thiết chuyển viện quốc tế. Cùng bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) đồng hành tiếp sức cho những "Cuộc đua phi thường" đến "vạch xuất phát".
Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) là đơn vị y tế thứ 2 của Đông Nam Á được Johns Hopkins Medicine International (JHMI) - Hệ thống y tế hàng đầu của Mỹ, lựa chọn hợp tác chuyên môn.
Bella chỉ là một trong những trường hợp sinh non được chăm sóc và điều trị tại AIH. Không phải tất cả trẻ em sinh non đều may mắn được nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện y tế tiên tiến để phát triển khỏe mạnh như Bella. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh. Thật bất ngờ, không phải viêm phổi hay bất cứ bệnh lý nào khác, mà sinh non chính là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ can thiệp y tế sớm, trẻ sinh non có thể được trao cơ hội tiếp tục sự sống. Mỗi 1% tỷ lệ tử vong trẻ sinh non giảm đi có nghĩa là chúng ta đã cứu sống thêm được hơn 1.000 trẻ em mỗi năm.Đồng hành cùng mục tiêu giảm tỷ lệ sinh non xuống mức 8/1000 của Bộ Y tế, với sự thấu cảm y đức của một đơn vị cung cấp dịch vụ y tế hàng đầu, với mỗi ca sinh, AIH sẽ trích 1 triệu đồng đóng góp vào Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam để lan toả yêu thương, tiếp thêm động lực cho "cuộc đua phi thường" đến "vạch xuất phát" của các em bé sinh non.
Chọn sinh an toàn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) - Cùng "Tiếp sức trẻ sinh non Việt Nam"!