Cuộc đua ngầm 'lấy lòng' khách VIP của công ty chứng khoán vẫn nóng?
Khách hàng VIP luôn là đối tượng được săn đón của tất cả các Công ty chứng khoán (CTCK). Top 10 CTCK được biết đến là những đơn vị giữ giá dịch vụ giữa vòng xoáy giá, phí âm ỉ trên thị trường. Nhưng mới đây, MBS vừa giảm mạnh phí giao dịch xuống còn 0,06% có thể khiến cuộc đua ngầm này thêm nóng hơn.
Thông thường, tùy theo hạng mức khách hàng mà mức phí giao dịch ở các CTCK áp dụng linh hoạt. Khách VIP (chia theo giá trị giao dịch mỗi ngày hoặc tính trên tổng NAV) ở CTCK thường hưởng phí 0,1-0,15% trên mỗi giao dịch mua /bán; khách thường thì chịu phí 0,2-0,3% (chưa kể thuế thu nhập cá nhân 0,1% mỗi lần bán chứng khoán).
Bởi thế, nếu tần suất mua bán của khách hàng dày, tiền thuế, phí cũng là khoản kha khá. Đơn cử, với mức phí 0,15%, khách hàng giao dịch trong ngày quy mô 1 tỷ đồng, vòng quay 20 lần mỗi tháng thì phí giao dịch một tháng vào khoảng 30 triệu đồng.
Nhiều khách hàng không để ý, nhưng nếu tính toán đây cũng là khoản phí không nhỏ, đặc biệt khi thị trường khó chơi như giai đoạn hiện nay. HL - nhà đầu tư trẻ có NAV tầm 6 tỷ đồng cho biết, danh mục của anh chia thành 2 phần, phần đầu tư dài hạn chiếm 40%, còn lại là trading hàng ngày (HL là nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp; không đi làm mà dành thời gian chủ yếu để nghiên cứu, đầu tư). Nếu tính vòng quay tiền - hàng liên tục, khoản phí giao dịch mỗi tháng của anh cũng tới vài chục tới cả trăm triệu đồng.
Vài năm trở lại đây, không ít CTCK công bố miễn phí giao dịch nhưng thực tế không phải như vậy, vì nhà đầu tư vẫn phải đóng phí mà CTCK phải nộp cho các Sở giao dịch, Bộ Tài chính, đi kèm với một loạt điều kiện khác. Đa phần những doanh nghiệp dạng này là những CTCK không thuộc top 10 CTCK có thị phần lớn nhất, hệ thống chạy chưa mượt mà, năng lực quản trị chưa có bề dày nên nhà đầu tư như HL không chọn mở tài khoản. Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình HL đều đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, từ ba mẹ đến anh trai đều chọn mở tài khoản ở các CTCK uy tín, dù mức phí cũng kha khá.
Bởi vậy, động thái của MBS giảm mạnh phí giao dịch xuống 0,06% khiến không ít các nhà đầu tư VIP "xiêu lòng". Chỉ cần làm phép tính đơn giản với trường hợp đã đề cập ở trên, nhà đầu tư có giá trị giao dịch 1 tỷ đồng, vòng quay mua bán 20 lần/tháng; có thể tiết kiệm được tới 18 triệu tiền phí, tương đương 60% so với mức thông thường hiện nay.
Sau đợt giảm điểm mạnh của TTCK trong quý II và có nhịp hồi hơn 10% trong tháng 8 vừa qua, nhà đầu tư trẻ HL đã chốt lãi phần lớn tài khoản, cầm 90% tiền mặt nên anh có thể mở tài khoản mới tại MBS: "CTCK uy tín, hệ thống chạy mượt, phí thấp, tội gì không chọn", HL chia sẻ quan điểm.
Ba của HL có NAV tầm 10 tỷ đồng cũng cho biết sẽ mở thêm tài khoản ở MBS để giao dịch và hưởng phí thấp. Với quy định một nhà đầu tư được phép mở nhiều tài khoản chứng khoán hiện nay, đồng thời với việc CTCK có nhân viên mang hồ sơ đến tận nơi mở tài khoản cho khách hàng, hoặc thậm chí có thể mở tài khoản online trên app MBS thông qua hình thức eKYC khá tiện lợi; thủ tục để giao dịch tại đây không có gì quá phức tạp, mà rất nhanh gọn.
Tại sao đến giờ những nhà đầu tư Fn như Ba của HL lại quyết định chuyển CTCK? Ông kể, gần 15 năm ông giao dịch ở một CTCK cũng khá tên tuổi nhưng năm qua có mấy lần hệ thống của CTCK trục trặc khiến ông vuột trôi cơ hội. Chẳng hạn, có lần ông đã bám theo dấu vết của một mã chứng khoán gần 2 tháng, cổ phiếu tăng nóng sau đó đổ đèo giảm sàn liên tục. Khi giá đã giảm 50%, ông tin sẽ có đợt "giải cứu" và phục phiên nhà đầu tư tay to mua vào sẽ bám theo hớt giá sàn. Đúng vào phút quyết định, ông đặt mua 100.000 cổ phiếu giá sàn nhưng hệ thống của CTCK lại quay mòng mòng. Hơn 10 triệu cổ phiếu được hốt hết trong vòng 30 giây còn ông mất cơ hội, giá cổ phiếu này sau đó tăng mạnh liên tiếp 4 phiên khiến ông tiếc nuối.
Ngoài trục trặc hệ thống, app giao dịch của CTCK trên quá kém, không thể sử dụng được khiến ông buộc phải ngồi máy tính hoặc laptop nên bất tiện.
Những câu chuyện trên cho thấy chuyện đi hay ở của nhà đầu tư VIP hiện nay đã dễ dàng hơn trước nhiều; không quá phụ thuộc vào quy mô CTCK đó là lớn hay nhỏ. Nếu các CTCK không có hệ thống tốt, dịch vụ tốt và mức phí hợp lý, việc giữ khách còn khó, hút thêm khách càng khó hơn, đặc biệt với nhóm khách hàng VIP.
Trong câu chuyện nới rộng thêm miếng bánh thị phần trên TTCK thì việc thu hút, giữ chân khách hàng VIP sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ lên khá nhiều. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, khách hàng VIP đồng nghĩa với không dễ "lấy lòng". Khách hàng càng VIP thì đòi hỏi/nhu cầu lại càng cao. Phí giao dịch là một yếu tố quan trọng trong cuộc đua ngầm giữa các CTCK; khi MBS giảm phí sâu chắc chắn sẽ làm nóng hơn cho cuộc đua này. Liệu việc giảm phí có thực sự là "thỏi nam châm" hút các nhà đầu tư VIP cho MBS không thì còn cần thời gian để kiểm chứng. Bên cạnh phí thì các nhà đầu tư VIP còn cần những sản phẩm độc đáo, tư vấn hiệu quả, trải nghiệm mượt mà, hệ thống bảo mật an toàn, … để không bị tuột mất những cơ hội quý giá nhằm củng cố sự gắn bó với CTCK. Vậy nên thời gian tới đây, các CTCK sẽ sử dụng "vũ khí" gì để tăng sức cạnh tranh trên thị trường sẽ hoàn toàn do các "thượng đế" quyết định.