Cuộc đua mới trên thị trường dầu mỏ: Nước đi táo bạo của OPEC+ có thể thay đổi trật tự năng lượng toàn cầu

Chia sẻ Facebook
09/10/2022 19:34:30

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đánh dấu cho khả năng chia rẽ mới và nguy hiểm giữa các nhà sản xuất và người tiêu thụ, đặc biệt là giữa Mỹ với Arab Saudi.

Một cuộc đua giành quyền kiểm soát thị trường dầu mỏ đang hiện hữu

Hôm 5/10, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), dẫn đầu bởi Arab Saudi và bao gồm cả Nga đã có động thái nhằm đảo lộn trật tự năng lượng thế giới một lần nữa.

Quyết định cắt giảm 2 triệu thùng dầu, hay 2% nguồn cung toàn cầu có vẻ khiêm tốn. Tuy nhiên, động thái của OPEC+ được đưa ra khi giá dầu Brent đang ở mức 90 USD/thùng, cao gấp hai lần giá trung bình trong dài hạn, là mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu đang bị lạm phát đeo bám và khiến người tiêu dùng lo lắng về giá năng lượng và tình trạng thiếu hụt.

Thời điểm cắt sản lượng đặc biệt đáng chú ý. Nó diễn ra chỉ hai tháng rưỡi sau chuyến công du và trao đổi của Tổng thống Joe Biden với Thái tử cũng như 5 tuần trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ. Chỉ vài ngày trước, phái đoàn từ Nhà Trắng đã đến Arab Saudi để ngăn vương quốc dầu mỏ không hạ sản lượng.

OPEC cắt giảm sản lượng khi giá dầu tương đối cao.

Thay vào đó, Bộ trưởng Năng lượng, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã ký thỏa thuận cắt giảm nguồn cung tại trụ sở OPEC cùng với phó thủ tướng Alexander Novak của Nga

Trên thực tế, OPEC và các nhà nhập khẩu dầu phương Tây đã phải đối mặt với một cuộc va chạm trong nhiều năm. Những lo ngại về nóng lên toàn cầu và an ninh năng lượng đã khiến các chính phủ hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hành động này được các nhà sản xuất dầu coi như tấn công vào sinh kế của họ.

Một cuộc chiến giành quyền kiểm soát thị trường dầu mỏ và thậm chí cả tương lai của chính ngành năng lượng này hiện đang trong tầm nhìn rõ ràng.

Ảnh: Reuters


Nhắm tới “thỏa thuận người mua”

Các quan chức OPEC cho rằng chính quyền Tổng thống Biden đã "nổ súng trước" với những cam kết “chuyển đổi từ dầu mỏ” và mở ra kỷ nguyên năng lượng sạch mới cũng như dựa vào tổ chức này để giữ giá dầu ở mức thấp.

Theo quan điểm của OPEC, Washington cũng đã bắt đầu can thiệp vào thị trường dầu mỏ. Quyết định giải phóng Kho Dự trữ dầu Chiến lược (SPR) của chính quyền Tổng thống Biden hồi năm ngoái đã gây khó khăn cho các thành viên OPEC.

Kế hoạch của Washington áp đặt giới hạn giá đối với xuất khẩu dầu thô của Nga - một nỗ lực nhằm cắt giảm thu nhập từ dầu mỏ của Điện Kremlin mà không ngăn dòng chảy đã gây ra cảnh báo đối với các nhà sản xuất OPEC.

Giá dầu trong 50 năm qua.

Một số nguồn tin cho biết OPEC lo ngại biện pháp này cũng có thể được sử dụng chống lại các thành viên trong tương lai, và trao quyền kiểm soát thị trường dầu mỏ vào tay người tiêu dùng giàu có.

Mỹ tuyên bố giá trần sẽ không được sử dụng rộng rãi, và đã có các cuộc đàm phán “mang tính xây dựng” với các nước OPEC.

Các nhà phân tích của JP Morgan cho biết quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ “đưa ra một thông báo rằng liên minh sẽ phản đối bất cứ nỗ lực nào của ‘thỏa thuận người mua’ nhằm hạ giá dầu”.

Cho dù có áp trần giá dầu hay không, việc duy trì giá dầu cao là rất quan trọng đối với quyết định của OPEC+. Ông Suhail Al Mazrouei, Bộ trưởng Năng lượng của UAE cho biết OPEC đã hành động để đảm bảo các nhà sản xuất sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng khai thác.

Ông Mazrouei cho rằng mỗi bên lại có một câu chuyện họ và OPEC “Không thể đứng về phía quốc gia này hay quốc gia kia”.

Tổng Thư ký OPEC, ông Haitham Al Ghais liên hệ quyết định hạ sản lượng với những khó khăn mà người tiêu dùng toàn cầu phải đối mặt, nhưng không đề cập trực tiếp tới cuộc chiến năng lượng giữa Moscow và châu Âu. “Mọi thứ đều có giá, an ninh năng lượng cũng vậy”, ông nói.

Mức độ phụ thuộc của Mỹ vào dầu của Arab Saudi.

Trở lại Washington, ông Amos Hochstein, cố vấn năng lượng toàn cầu của Tổng thống Biden và là một trong những đặc phái viên đã tham gia nỗ lực ngoại giao với Arab Saudi, đề xuất chính quyền tìm kiếm thêm sản lượng dầu trong nước.

Ông phát biểu sau cuộc họp OPEC+: “Chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc với các đồng minh của Mỹ để tăng sản lượng và đảm bảo năng lực lọc dầu”.

“Trong vài tháng qua, chúng tôi đã trao đổi với ban lãnh đạo của hầu hết mọi nhà sản xuất dầu lớn ở Mỹ, nói với họ rằng ‘Bạn cần gì để tăng sản lượng?’”, ông tiết lộ.

Việc tăng sản lượng trong nước cũng có thể sẽ khó khăn với chính quyền Tổng thống Biden. Những lo lắng cơ bản của Mỹ về nguồn cung dầu ngắn hạn không đủ là dấu chấm hết cho kỷ nguyên tăng trưởng nguồn cung giá rẻ và nhanh chóng từ mảng đá phiến sét của chính nước này. Các doanh nghiệp dầu khí giờ đây tập trung vào lợi nhuận hơn là mở rộng sản xuất.

Ông Amrita Sen tại công ty năng lượng Energy Aspects cho biết: “Đã qua rồi cái thời tăng trưởng hàng triệu thùng dầu mỗi ngày tại Mỹ, OPEC có thể dễ dàng hành động hơn nhiều vì không còn phải lo sợ ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ tăng sản lượng đột ngột”.


Tham khảo: FT

Chia sẻ Facebook