Cuộc đua lãi suất đẩy kinh tế toàn cầu tiến gần bờ vực suy thoái

Chia sẻ Facebook
19/09/2022 10:32:15

Các NHTW đang đẩy nền kinh tế toàn cầu tiến gần hơn tới bờ vực suy thoái với các động thái thắt chặt tiền tệ ngày càng quyết liệt hơn.

Cuộc đua lãi suất đẩy kinh tế toàn cầu tiến gần bờ vực suy thoái

Trước đây, Fed cũng nhiều NHTW khác trên thế giới đã phạm sai lầm khi cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời và hành động ứng phó quá chậm. Giờ đây, kinh tế đang phải trả giá cho những sai lầm đó.


Cuộc đua lãi suất

Các NHTW đang gấp rút nâng lãi suất để chống lạm phát, ngay cả khi kinh tế giảm tốc hoặc thậm chí suy thoái. Khoảng 90 NHTW trên thế giới đã nâng lãi suất trong năm 2022 và một nửa trong số này nâng ít nhất 75 điểm cơ bản trong 1 cuộc họp. Nhiều NHTW nâng lãi suất mạnh nhiều lần liên tiếp và Chuyên gia kinh tế Ethan Harris cho rằng “đây dường như là một cuộc cạnh tranh xem ai nâng lãi suất nhanh hơn”.

Dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế lớn

Theo đánh giá của Bloomberg, đây là làn sóng thắt chặt tiền tệ với quy mô rộng nhất trong hơn 15 năm qua và đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên tiền rẻ. Theo JPMorgan Chase, quý 3/2022 sẽ chứng kiến những đợt nâng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1980 và quá trình này sẽ chưa dừng lại ở đây.


Quá trình đau thương

Chỉ trong tuần này, Fed dự kiến nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp, thậm chí một số chuyên gia còn dự báo nâng 100 điểm cơ bản sau báo cáo lạm phát tháng 8. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) được dự báo nâng lãi suất 50 điểm cơ bản và các NHTW ở Indonesia, Na Uy, Philippines, Thụy Sỹ và Thụy Điển cũng sẽ nâng lãi suất ở mức này.

Dự báo về lãi suất chuẩn của các NHTW

Trong quá tình “hãm phanh” nền kinh tế, các quan chức NHTW bắt đầu đưa ra những nhận định có màu ảm đạm, rằng lãi suất càng cao, tăng trưởng và việc làm càng bị tác động mạnh bấy nhiêu.

Tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết chiến dịch chống lạm phát sẽ “mang lại tổn thương cho hộ gia đình và doanh nghiệp”.

Isabel Schnabel, Thành viên Ủy ban Điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đề cập tới “tỷ lệ hy sinh”, tức chấp nhận mất mát về sản lượng kinh tế để kiểm soát lạm phát. BoE còn đi xa hơn thế khi dự báo kinh tế Anh đang suy thoái vào cuối năm nay và có thể kéo dài tới tận năm 2024.

Ai cũng biết rằng “liều thuốc tiền tệ” sẽ gây tổn thương cho kinh tế, nhưng câu hỏi là bao nhiêu? Các chuyên viên phân tích tại BlackRock thừa nhận rằng để giảm lạm phát về mục tiêu 2%, nền kinh tế sẽ suy thoái sâu và 3 triệu người sẽ thất nghiệp. Với NHTW châu Âu, để đạt mục tiêu, kinh tế sẽ suy thoái còn sâu hơn cả Mỹ.

Càng gây thêm bất ổn cho kinh tế thế giới là độ trễ của chính sách tiền tệ và những yếu tố tạo nên lạm phát ngày nay phần lớn đến từ cú sốc nguồn cung (thứ mà các NHTW không thể kiểm soát).

Dự báo CPI của Anh, Mỹ, Eurozone

Giới đầu tư cũng khó miễn nhiễm trước tác động của chính sách tiền tệ. Chính số liệu lạm phát tháng 8 cao hơn dự báo làm gia tăng khả năng Fed hành động quyết liệt hơn. Đây là nguyên nhân chính đẩy thị trường chứng khoán Mỹ rớt mạnh nhất trong hơn 2 năm qua. Huyền thoại đầu tư Ray Dalio dự báo chứng khoán Mỹ sẽ giảm thêm 20% trong bối cảnh lãi suất tiếp tục leo thang.


Uy tín của NHTW là trên hết

Có thể ở một thời điểm nào đó, các NHTW sẽ giảm bớt các động thái quyết liệt để giúp kinh tế ổn định. Tuy nhiên, ở thời điểm này, tất cả những gì họ muốn là tránh lặp lại sai lầm của thập niên 70, khi những người tiền nhiệm nới lỏng tiền tệ quá sớm để ngăn chặn sự suy giảm của nền kinh tế thay vì ưu tiên kiểm soát lạm phát.

Chính bài học của thập niên 70 đã thôi thúc các NHTW quyết liệt nâng lãi suất vì không thể kiểm soát lạm phát sẽ gây ra nỗi đau lớn hơn trong dài hạn.

Anna Wong, Chuyên gia kinh tế tại Bloomberg Economics, dự báo Fed rồi sẽ tăng lãi suất chuẩn lên 5%, gấp đôi mức hiện nay. Theo ước tính, động thái này sẽ khiến nền kinh tế Mỹ mất 3.5 triệu việc làm và giáng thêm đòn đau tới thị trường tài chính.

Có khả năng NHTW buộc phải hành động quyết liệt vì họ đang hứng chịu nhiều chỉ trích vì đánh giá sai áp lực lạm phát trong đại dịch. Trước đây, ông Powell nhiều lần cho rằng cú sốc lạm phát “chỉ là tạm thời” và ra động thái ứng phó chậm chạp. Giờ ông phải trả giá cho nhận định đó và buộc phải nâng lãi suất quyết liệt. Tương tự, hồi tháng 11/2021, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng nhận định NHTW khó có thể nâng lãi suất trong năm 2022, để rồi phải gấp rút nâng 75 điểm cơ bản trong tháng này.

Những động thái này đã làm giảm uy tín của các NHTW trong quá trình chống lạm phát.

“Uy tín là tất cả đối với các NHTW và uy tín của họ đã giảm vì những đánh giá sai lầm về lạm phát”, Rob Subbaraman, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Nomura Holdings, cho hay. “Việc lấy lại uy tín là ưu tiên hàng đầu của họ ngay cả khi nền kinh tế suy thoái vì làn sóng thắt chặt tiền tệ. Đó là bài học của thập niên 70”.


Độ trễ của chính sách tiền tệ

Trong một dấu hiệu cảnh báo về suy thoái tại Mỹ, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn đã vượt kỳ hạn dài ở khoảng cách rộng nhất trong thế kỷ này. Theo cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ của BofA, kỳ vọng về tăng trưởng toàn cầu đang ở gần mức thấp nhất mọi thời đại.

Việc kỳ vọng kinh tế suy yếu trong thời gian tới là chuyện dễ hiểu vì lúc này các tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt còn chưa lộ rõ. Đầu tiên, nó sẽ làm suy yếu thị trường tài chính, rồi đến nền kinh tế và cuối cùng là lạm phát. Vì vậy, các đợt nâng lãi suất mạnh liên tục sẽ trở nên nguy hiểm hơn.

“Cần có thời gian để lạm phát hạ nhiệt”, ông Harris cho biết. “Nếu chỉ tập trung vào lạm phát hiện tại như chỉ báo chính, các NHTW sẽ bị trễ trong việc ngừng chu kỳ thắt chặt”.

Vị chuyên gia này dự báo Anh và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ suy thoái trong quý 4/2022 khi đà tăng của giá năng lượng gây tổn thương tới các nền kinh tế trong mùa đông năm nay. Với Mỹ, ông Harris dự báo kinh tế suy thoái vào năm 2023.

Đến nay, nền kinh tế Mỹ - và nhất là thị trường việc làm - dường như vẫn vững chắc đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng điều này chỉ có nghĩa Fed sẽ buộc phải quyết liệt hơn nữa để hạ nhiệt nhu cầu.

“Lạm phát và thị trường lao động ‘cứng đầu’ hơn dự báo của Fed”, cựu Phó Chủ tịch Fed Donald Kohn nhận định. “Vì vậy, họ cần phải nâng lãi suất thêm”.

Cho tới gần đây, dường như NHTW thắt chặt tiền tệ là điều rõ ràng và cần thiết. Lạm phát đang cao ngất ngưỡng, thị trường lao động vẫn mạnh và lãi suất đang ở mức thấp.

Tuy nhiên, sự đánh đổi sẽ ngày càng lớn hơn khi lãi suất cao bắt đầu “bào mòn” các nền kinh tế vốn đang chịu dư chấn của đại dịch và cuộc chiến ở Ukraine.

Lãi suất ở nhiều nền kinh tế - bao gồm cả Mỹ - đang chuyển từ trạng thái “kích thích” sang “kìm hãm”. Đà tăng của đồng USD đang làm tổn thương tới các thị trường mới nổi có nợ ngoại tệ cao. Việc Nga giảm nguồn cung khí thiên nhiên cũng làm gia tăng rủi ro lạm phát đình đốn (stagflation) ở châu Âu, khi giá cả tăng và rủi ro suy thoái chực chờ.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

Chia sẻ Facebook