Cuộc đời thăng trầm hơn cả phim của tân thủ tướng Malaysia
Hơn hai thập kỷ sau khi bị cách chức và bị bỏ tù, lãnh đạo phe đối lập Malaysia Anwar Ibrahim cuối cùng cũng được bổ nhiệm làm thủ tướng thứ 10 của đất nước.
Ông Anwar là Chủ tịch Đảng Công lý Nhân dân, Chủ tịch Liên minh Hy vọng (PH), thủ lĩnh phe đối lập tại Hạ viện kể từ tháng 5-2020 và giai đoạn trước đó từ tháng 8-2008 đến tháng 3-2015.
Chiều 24-11, ông Anwar chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tân thủ tướng của Malaysia. Theo báo Straits Times, ông nở nụ cười rạng rỡ trước khi tuyên thệ.
Buổi lễ có sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao. Ngồi cạnh ông Anwar là người vợ Wan Azizah Wan Ismail và 6 người con của họ, trong đó có cựu nghị sĩ Nurul Izzah Anwar.
Ông Anwar Ibrahim, 75 tuổi, là chính trị gia lâu năm, bắt đầu tham gia chính trường Malaysia trong thập niên 1970.
Dưới thời cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad giai đoạn 1982-1998, ông Anwar từng giữ nhiều cương vị quan trọng trong nội các, trong đó vị trí cao nhất là phó thủ tướng.
Từ đầu những năm 1980, ông Anwar trải qua ít nhất 3 chức bộ trưởng trước khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng tài chính Malaysia vào năm 1991, giữ chức đến năm 1998.
Thăng tiến nhanh chóng và vào năm 1993, ông được Thủ tướng Mahathir bổ nhiệm kiêm chức Phó Thủ tướng, được xác định là người kế thừa chức thủ tướng Malaysia.
Tuy nhiên đến tháng 9-1998, ông bị cách chức, cả chức phó thủ tướng lẫn bộ trưởng tài chính. Ông Anwar bị giam giữ không xét xử và sau đó bị buộc tội kê gian và tham nhũng. Sự việc khiến hàng chục ngàn người xuống đường để phản đối.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bùng phát năm 1997-1998 dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế lẫn chính trị. Malaysia là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề, khiến nền kinh tế quy giảm nặng nề. Ông Anwar bị đổ lỗi trong cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970 kể trên.
Tuy nhiên, nhiều người thời điểm đó cho rằng khủng hoảng tài chính 1997-1998 chỉ là cái cớ. Việc ông Mahathir sa thải ông Anwar thực chất là kết quả tất yếu của một cuộc đấu đá quyền lực nội bộ.
Sau khi bị kết án về hai tội tham nhũng, loạn dâm đồng tính và ngồi tù 6 năm, đến năm 2004, ông được trả tự do theo phán quyết của tòa phúc thẩm. Theo ông Anwar, những cáo buộc vừa nêu là một âm mưu chính trị của ông Mahathir nhằm hãm hại ông.
Đến năm 2015, ông Anwar lại phải ngồi tù vì tội kê gian song được hoàng gia ân xá và được trả tự do vào tháng 5-2018. Năm 2018 cũng là thời điểm ông Anwar bắt tay với cựu Thủ tướng Mahathir để giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, chấm dứt hơn 60 năm cầm quyền của đảng Umno.
Nội bộ PH có thỏa thuận ông Mahathir lên làm thủ tướng trong 2 năm, sau đó chuyển giao lại cho ông Anwar. Tuy nhiên, thỏa thuận này đổ vỡ khi chính phủ của PH sụp đổ vào tháng 2-2020.
Theo truyền thông Malaysia, việc trở thành thủ tướng thứ 10 của Malaysia đã thỏa ước mơ sau 24 năm chờ đợi của ông Anwar, nhất là sau khi có thời điểm ông ở rất gần vị trí này.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Reuters cho hay khi được hỏi liệu cuộc bầu cử (vừa qua) có phải là lần cố gắng cuối cùng, ông Anwar nói ông biết giới hạn của mình. Cuối cùng, với lá phiếu của người dân và sự lựa chọn của nhà vua, ông đã trở thành thủ tướng.
Vợ của ông là bà Wan Azizah Wan Ismail cũng là chính trị gia rất nổi tiếng, từng giữ cương vị nữ phó thủ tướng đầu tiên ở Malaysia từ tháng 5-2018 đến 2-2020.
Chuyên gia Ei Sun Oh thuộc Viện Các vấn đề quốc tế của Singapore (SIIA) nói với hãng tin AP: "Cuộc đấu tranh chính trị của ông Anwar ở mức độ tương đương với ông Nelson Mandela (của Nam Phi), vì cả hai đều trải qua nhiều cuộc đàn áp trong quá trình dân chủ hóa đất nước của họ... Hy vọng rằng dưới sự lãnh đạo của Anwar, Malaysia có thể trở lại một xã hội và nền kinh tế cởi mở và toàn diện hơn, hy vọng sẽ khôi phục uy tín của mình trên trường thế giới".
Theo chuyên gia về chính trị Đông Nam Á là Bridget Welsh, ông Anwar là một người theo chủ nghĩa toàn cầu, điều này sẽ đảm bảo cho các nhà đầu tư quốc tế.
Theo Huệ Bình - Hải Ngọc