Cuộc đời thần đồng âm nhạc Wolfgang Amadeus Mozart

Chia sẻ Facebook
09/11/2022 01:34:37

Sự kỳ diệu và bí ẩn của một thần đồng âm nhạc và cuộc đời kết thúc bi thảm ở tuổi trung niên của Mozart đã là một câu chuyện đặc biệt...


Trong hai thế kỷ, câu chuyện về nhạc sĩ Mozart đã được kể nhiều lần. Sự kỳ diệu và bí ẩn của một thần đồng âm nhạc và cuộc đời vào thuở thiếu thời với danh vọng cao sang và kết thúc bi thảm ở tuổi trung niên của Mozart đã là một câu chuyện đặc biệt trong lịch sử âm nhạc.

Tượng Mozart tại Vienna. (Ảnh: Bogdan Ionescu, Shutterstock)


Mozart là một thần đồng mà tài năng cho tới ngày nay chưa có ai vượt qua được. Nhạc sĩ này đã biết chơi đàn vĩ cầm và dương cầm khi mới lên 3 tuổi, bắt đầu viết ra các bản “nhạc khúc nhịp ba” (minuets) vào tuổi lên 6, soạn bản “giao hưởng” (symphony) đầu tiên khi chưa đầy 9 tuổi, sáng tác “diễn ca khúc” (oratorio) khi 11 tuổi và “nhạc kịch” (opera) lúc mới 12 tuổi.

Trong số 3 nhạc sĩ bậc thầy của nền Âm Nhạc Tây Phương là Bach, Beethoven và Mozart, nhạc của Bach mang tính nguyên thủy (original) với nền nhạc đa âm (polyphonic basis). Beethoven có tính nhạc vừa bí ẩn, vừa mang cá tính và cách mạng, đã mở đường cho các nhạc sĩ của thế kỷ 19 và 20. Riêng với Mozart, ông đã viết nhạc cho thời đại của mình mà không quan tâm tới âm nhạc của tương lai.

Ngôn ngữ âm nhạc của Mozart cũng giống thứ âm nhạc của các nhạc sĩ đi trước như J. S. Bach hay J. Haydn. Mozart đã dùng các thể nhạc truyền thống, bao gồm các loại giao hưởng, nhạc kịch (opera), nhạc hòa tấu 4 đàn (quartet)… Ông đã theo đúng các tiêu chuẩn mẫu mực, làm đúng theo các quy thức cổ điển, làm tốt đẹp hơn mọi phương cách thể hiện âm nhạc, cho nên nhạc của Mozart là hiện thân của sự toàn hảo mà nền âm nhạc thời đó có thể đạt được.

Mozart là nhạc sĩ có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc lại được giảng dạy ngay từ đầu về nhạc lý và nhạc cụ bởi người cha có tài, một nhạc sĩ vĩ cầm đã soạn ra nhiều nhạc phẩm giáo khoa. Ông Leopold Mozart đã huấn luyện người con trai kỳ tài của mình rồi đưa cậu nhạc sĩ nhỏ tuổi này vào các hoàn cảnh âm nhạc tốt đẹp nhất của thời đại. Wolfgang Mozart còn được học âm nhạc với tất cả các nhạc sĩ tài danh đương thời, đã theo các hành trình tới kinh đô của các nước Pháp, Anh, Hòa Lan, Ý…, đã sống tại thủ đô âm nhạc của thời kỳ đó là thành phố Vienna cũng như quen thuộc với các thành phố lớn khác của nước Đức.

Mozart đã làm quen với mọi nhạc thức, cộng thêm vào là thiên tư và bản chất, tất cả đã khiến ông bắt chước được các kiểu mẫu cũ, tổng hợp và cải tiến các nhạc phong (musical style) của thời đại rồi viết ra một thứ âm nhạc mới khác hẳn các nhạc sĩ lừng danh thời đó.

Nhạc phong của Mozart đã mang nhạc tính tuyệt đối (absolute musicality). Nếu âm nhạc cổ điển của Beethoven hay âm nhạc lãng mạn của Berlioz và Chopin hàm chứa các cảm xúc nội tâm thì âm nhạc của Mozart lại không cho thấy những dấu vết của những đau khổ của cuộc đời mình. Âm Nhạc của Mozart đã được thăng hoa và chuyển thành các vẻ đẹp âm thanh trong cách thẩm mỹ cổ điển.

Wolfgang A. Mozart đã trải qua một cuộc sống ngắn ngủi nhưng lại sáng tác ra các tác phẩm rất phong phú. Cuộc đời của Mozart có thể được chia làm 3 giai đoạn:

Thời thơ ấu và thiếu niên (1756-1774),

Thời kỳ viết nhạc phẩm (1774-1781),

Các năm cuối đời sinh sống tại thành phố Vienna (1781-1791).

Thời thơ ấu và thiếu niên của Mozart (1756-74)

Wolfgang Amadeus Mozart sinh tại tỉnh Salzburg nước Áo vào ngày 27-1-1756. Cha là ông Leopold Mozart và mẹ là bà Maria Anna. Ông Leopold là một nhà soạn nhạc hạng thứ của vương triều địa phương, một nhạc sĩ vĩ cầm và là tác giả một số sách giáo khoa về âm nhạc. Khi lên 3 tuổi và nhìn thấy chị Nannerl 7 tuổi chơi đàn dương cầm, thời đó gọi là đàn hapsichord, Mozart cũng đòi học nhạc. Cả hai chị em được cha dạy âm nhạc và Mozart đã không thua chị, mà còn tập sáng tác các bản nhạc khúc nhịp ba (minuets).

(Tranh: Johann Nepomuk della Croce, Wikipedia, Public Domain)

Ngoài việc học đàn dương cầm, Mozart còn đòi học vĩ cầm. Một hôm ông Leopold và hai người bạn cùng họp nhau để hòa 6 bản trio (bản hòa tấu 3 đàn) do Wentzl, một trong hai nhạc sĩ kia sáng tác, Mozart lúc đó nằng nặc đòi chơi vĩ cầm bè hai. Rồi do khả năng thực sự, cậu bé Mozart dần dần được phép đàn vĩ cầm bè một với các nhạc sĩ lớn tuổi khác.

Do nhận thấy năng khiếu đặc biệt của hai người con nhỏ tuổi, ông Leopold bèn quyết định đưa các con đi lưu diễn tại nhiều nơi. Gia đình Mozart rời Salzburg vào tháng 1 năm 1762, hướng về thành phố Vienna. Tại thị trấn Linz, buổi hòa nhạc đã thành công vì nhiều người hâm mộ tài nghệ của hai nhạc sĩ tí hon. Sau đó cha con Mozart lại tới Tu viện Ips. Khi xem chiếc đàn phong cầm nổi danh của tu viện, chú bé Mozart đã leo lên đàn thử khiến cho các tu sĩ phải hết sức sửng sốt và thán phục về tài nghệ. Mọi người không hiểu vì sao một chú bé nhỏ tuổi đến như thế có thể tạo nên các âm thanh tuyệt vời?


Tiếng đồn về thiên tài của hai nhạc sĩ tí hon đã đến thành phố Vienna trước đoàn nghệ sĩ. Trong khi đón tiếp gia đình Mozart tại lâu đài Schoenbrunn, Hoàng Đế nước Áo Franz Josef đã gọi Mozart là “nhà ảo thuật bé nhỏ” và đã thử tài cậu nhạc sĩ tí hon này bằng cách bảo đánh ngay các bản đàn khó hay đánh đàn bằng một ngón tay, cũng như dạo đàn mà dùng vải phủ kín các phím đàn, không cho nhìn rõ. Chú bé Wolfgang đều vượt qua được các thử thách và mọi người đã vỗ tay tán thưởng. Để đáp lại sự tử tế của Vua và Hoàng Hậu, Wolfgand đã leo lên lòng Hoàng Hậu Maria Théresa và ôm hôn, như cách cảm ơn với mẹ của mình. Wolfgang còn kết thân với công chúa Marie Antoinette ở cùng lứa tuổi. Rất nhiều quà tặng dồn về hai nhạc sĩ nhỏ tuổi, đặc biệt là các nhẫn kim cương của Hoàng Đế Franz Josef và các bộ y phục lộng lẫy. Họa sĩ cũng vẽ chân dung của Mozart và bức họa còn được lưu giữ cho tới ngày nay.

(Tranh: Eduard Ender, Wikipedia, CC0 1.0)


Sau đó gia đình Mozart đi trình diễn tại Frankfurt và các thành phố khác rồi tới Paris. Trước triều đình Pháp tại cung điện Versailles, chị em Mozart cũng đã làm cho nhiều người phải thán phục. Từ Paris, đoàn nghệ sĩ tới London vào tháng 4-1764. Vua George III và Hoàng Hậu nước Anh, do rất yêu thích âm nhạc, đã yêu cầu Wolfgang đàn ngay các nhạc phẩm của Bach và Handel. Cậu bé Wolfgang còn đệm đàn cho Hoàng Hậu hát cũng như ứng tác nhiều giai điệu mỹ lệ. Ngày 4 tháng 6 là sinh nhật của Vua nước Anh. Cả thành phố London tràn ngập dân chúng. Wolfgang Mozart biểu diễn âm nhạc vào ngày mồng 5. Phòng hòa nhạc chật đầy thính giả sang trọng. Ông Leopold nhờ đó đã thu được rất nhiều tiền bạc. Vào dịp này, Wolfgang đã sáng tạo ra loại “nhạc khúc hai bè” (duet), một nhạc thức mới. Tháng 7-1766, gia đình Mozart rời London đi Hòa Lan rồi trở lại Paris lần thứ hai, cuối cùng quay về Salzburg vào tháng 11-1766.

Nước Ý thời bấy giờ là quê hương của âm nhạc vì vậy ông Leopold đã quyết định phải đưa Wolfgang tới nơi đó. Tháng 12-1769, nhạc sĩ thần đồng lại được cha đưa về miền nam của châu Âu, nơi có dân chúng ca hát trên các cánh đồng nho, có các đoàn rước lễ vừa đi dọc theo đường phố hẹp, vừa hát các bản thánh ca, và đặc biệt nổi tiếng là âm nhạc của các ngôi giáo đường lớn. Wolfgang đã bị thử tài bởi các nhạc sĩ nước Ý, đã dạo cây đàn phong cầm của nhà thờ Saint Thomas tại thành phố Roveredo. Vinh quang cũng tới với Wolfgang tại Verona, nơi bản giao hưởng của nhạc sĩ tí hon được trình diễn và người ta đã vẽ chân dung của Wolfang Mozart.

Nơi trình diễn kế tiếp là thành phố Milan rồi Bologna. Đây là quê hương của nhạc sĩ lừng danh Padre Martini, người đã sáng tác ra các bản nhạc tôn giáo bất hủ. Ít khi ông Martini chịu tham dự vào các buổi hòa nhạc nhưng lần này, nhà soạn nhạc danh tiếng đó đã phải có mặt tại thính đường của bá tước Pallavicini để lắng nghe Wolfgang chơi đàn. Martini sau đó đã giao cho Wolfgang các tẩu khúc (fugue) và đã phải khen ngợi kiến thức về soạn nhạc của Wolfgang. Các vinh quang khác cũng tới với cậu bé nhạc sĩ này tại thành phố Florence, nơi triều đình của vương hầu Leopold.

(Tranh: Anton Ziegler, Mateus2019 chụp, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)


Hai cha con Mozart tới Rome đúng vào Tuần Lễ Thánh (the Holy Week) khi cả thành phố lừng danh này đang ở vào dịp lễ hội lớn. Wolfgang đã được viếng thăm Giáo Đường Thánh Peter, Nhà Nguyện Sistine, nơi có bức danh họa “Cuộc Phán Xét Cuối Cùng” (the Last Judgment) của Michael Angelo. Chính tại Nhà Nguyện này, Wolfgang đã được nghe bản Thánh Ca Miserere của Allegri. Đây là bản Thánh Ca không được hát tại bất cứ một nơi nào khác và không ai có quyền mang một phần bản nhạc ra khỏi giáo đường. Sau phần lễ thật trịnh trọng và trang nghiêm có tên là Tenebrae (Bóng Tối), 7 cây nến thật lớn trên bàn thờ được tắt dần từng cây một, cho tới khi chỉ còn một cây nến cháy sáng, rồi cây này được nhẹ nhàng mang lùi về phía sau, toàn thể Nhà Nguyện chìm đắm trong bóng tối dày đặc và tuyệt đối yên lặng. Chính trong giờ phút lắng đọng này, bản nhạc Miserere (Hãy Thương Xót) dần dần bắt đầu. Một giọng đơn hát phần antiphon hay phần nhập đề ngắn, rồi kế tiếp là sự yên lặng, một sự yên tĩnh tận cùng khiến cho mọi người muốn ngừng thở vì e ngại tiếng thở có thể gây ra vang động. Chính trong lúc này các nốt nhạc cầu xin vang dần lên, tới khi cả Thánh Đường chan hòa tiếng thổn thức của thứ âm nhạc thánh thiện.

Hai cha con Mozart đã rời khỏi Giáo Đường trong yên lặng, trở về nhà trọ. Đêm hôm đó, Wolfgang không ngủ được vì cảm xúc của bản Thánh Ca. Cậu bé nhạc sĩ bèn thắp đèn lên và bắt đầu chép lại bản nhạc. Khi trời sáng, toàn thể bản Miserere của Allegri đã được Wolfgang chép lại qua trí nhớ.

Hôm sau là Ngày Thứ Sáu trước Lễ Phục Sinh (Good Friday), Wolfgang được nghe lại bản Miserere lần thứ hai và sau đó đã sửa chữa lại bản chép tay của mình cho thật chính xác. Tài năng xuất chúng của cậu bé 14 tuổi này đã khiến cho thành phố Rome phải sửng sốt và quý mến.

Wolfgang Mozart cũng được chú ý và đạt các danh vọng tại thành phố Naples, nơi đã cung cấp một cỗ xe ngựa quý đưa cha con Mozart qua đường phố chính, giữa các đám người nghênh đón, trên xe ngựa Wolfgang mặc áo sặc sỡ có nút áo bằng bạc, ngồi cạnh cha mặc áo màu nâu có tua viền màu xanh.


Khi trở lại Rome, Wolfgang Mozart đã được Đức Giáo Hoàng tưởng thưởng huân chương (the Order of the Golden Spur) vì thế có người đã gọi nhạc sĩ trẻ tuổi này là “Hiệp Sĩ Mozart” . Rồi khi tới thành phố Bologna, cậu nhạc sĩ trẻ tuổi lại được nhận làm nhân viên Hàn Lâm Viện Âm Nhạc Accademia Filarmonica. Bài khảo sát gia nhập Viện Âm Nhạc gồm việc sáng tác một nhạc khúc hát đối đáp (antiphon) 4 phần và cậu thiếu niên bị khóa trong phòng cho đến khi hoàn tất nhạc phẩm. Wolfgang đã gõ cửa đi ra sau nửa giờ đặt bút sáng tác.


Hành trình của cha con Mozart hướng về thành phố Milan. Tại nơi này, Wolfgang được đặt viết có thù lao một bản nhạc kịch (opera) trong 3 tháng, có tên là “Mitridate”. Buổi trình diễn vở nhạc kịch này được tổ chức vào ngày 26-12-1770 do chính Wolfgang điều khiển dàn nhạc.

Wolfgang A. Mozart đã đi khắp châu Âu và nước Anh, và trong 35 năm cuộc đời, nhạc sĩ thiên tài này đã trải qua 4 năm trên xe ngựa trong các hành trình xuyên qua các miền biên giới. Trong chuyến du lịch qua nước Pháp, Mozart đã quan tâm tới âm nhạc của Johann Schobert, rồi khi tới London, lại chịu ảnh hưởng phong cách âm nhạc của Johann Christian Bach, con trai của nhà nhạc sĩ lừng danh Johann Sebastian Bach. Chuyến đi qua nước Ý từ năm 1769 tới năm 1773 đã cho phép Wolfgang Mozart học hỏi về đối điểm (counterpoint) với Padre Martini tại Bologna và trong thời gian này, bản nhạc kịch kiểu Ý La Finta Semplice (Italian opera buffa) đã được Mozart viết ra. Các nhà soạn nhạc giao hưởng người Ý, chẳng hạn ông Sammartini, cũng gây ảnh hưởng tới các tác phẩm của Mozart, như qua các bản nhạc đánh số K.81, 95, 112, 132, 162 và 182.


Mozart đã thực hiện hơn 600 sáng tác âm nhạc và nhà nghiên cứu L. Von Koechel năm 1862 đã liệt kê và đánh số theo bản thư mục chủ đề (thematic catalogue) bằng “chỉ số K” . Đây là cách nhận biết được nhiều người công nhận.

Wofgang A. Mozart đã có một trí nhớ kỳ lạ và một khả năng sáng tác âm nhạc ngay trong bộ óc của mình, đã xếp đặt các thành phần của bản nhạc khi đang ngồi trên xe ngựa trong các chuyến đi xa rồi sau đó, Mozart chỉ cần một hay hai ngày để viết tác phẩm trên giấy, thành các bản nhạc hoàn chỉnh. Nhờ các chuyến đi qua nhiều xứ sở, Mozart có thể hấp thụ được nhiều nhạc phong (styles), tổng hợp được nhiều nét nhạc (musical features) của nhiều quốc gia, khác hẳn với Haydn mang màu sắc âm nhạc đặc biệt của nước Áo, hay Handel với nét nhạc thuần Đức.

Vào thời đại của Mozart, nền âm nhạc của châu Âu chịu ảnh hưởng của hai trường phái Ý và Đức. Nói một cách đơn giản, âm nhạc Ý mang tính nhẹ nhàng, chủ đích nhắm vào giải trí trong khi âm nhạc Đức trịnh trọng hơn và hướng về diễn tả. Phương tiện âm nhạc của trường phái Ý là giọng ca (vocal) với các bản nhạc kịch (opera) và bản thanh nhạc (cantata) trong khi các nhạc sĩ Đức ưa chuộng các nhạc cụ (instrumental) và dùng các nhạc thể như giao hưởng (symphony) hay sônát (sonata). Chất nhạc (musical texture) của âm nhạc Ý là chủ điệu (homophonic) với các giai điệu có tính làm say mê, quyến rũ trong khi chất nhạc Đức lại thiên về khoa học đối điểm (the science of counterpoint). Mozart đã hiểu rõ và sử dụng được cả hai trường phái kể trên nhờ khả năng thưởng thức (taste), nhờ bản năng thiên tư biết dùng những gì thích hợp, tốt đẹp, nhờ trí thức (knowledge) hiểu rõ lý thuyết âm nhạc và kỹ thuật với các giới hạn của các nhạc cụ.

Thời kỳ viết nhạc phẩm (1774-81)

Sau các năm chu du qua các quốc gia với các thành công huy hoàng và trở về Salzburg, Wolfgang Mozart bắt đầu gặp phải bóng tối vì sự ghen tị, vì các âm mưu và vì sự thờ ơ của những kẻ quyền thế. Người che chở và giúp đỡ Mozart là vị Tổng Giám Mục Salzburg đã qua đời, người kế vị lại lơ là với nghệ thuật, coi thường các nhạc sĩ nhà nghề. Năng khiếu và tài nghệ của Mozart đã không được coi trọng. Mozart được giao chức vụ trưởng ban nhạc nhưng lương bổng không đủ sống. Vào lúc này, Wolfgang Mozart đã 21 tuổi, đã sáng tác được nhiều nhạc phẩm thuộc nhiều thể loại.

Do tình trạng lợi tức thấp kém, ông Leopold dự định lại đưa các con thiên tài đi lưu diễn một lần nữa nhưng vị Tổng Giám Mục mới của miền Salzburg đã không cho phép ông Leopold rời khỏi địa phận, vì vậy Wolfgang cùng với mẹ ra đi vào sáng ngày 23-9-1777, hướng về thành phố Munich. Nơi đây, Mozart đã tới lâu đài Nymphenburg nhưng vị vương hầu địa phương đã từ chối, không còn chỗ trống dành cho nhạc sĩ thiên tài. Các vinh dự mà Mozart đã thu nhận được tại nước Ý đã làm buồn lòng các kẻ quyền thế người Đức. Mozart và mẹ lại đi tới thành phố Mannheim và chỉ kiếm được một chân dạy đàn dương cầm với số lương không đủ sống. Ông Leopold và con gái đã phải tiết kiệm, gửi tiền tiếp tế cho hai mẹ con Mozart tại đó.

Không lâu sau khi tới Mannheim, Wolfgang đã giấu cha, làm quen với hai cô con gái của gia đình Weber. Cô chị Aloysia 15 tuổi và cô em, Constanza 14, là hai thiếu nữ đang độ xuân sắc. Aloysia lúc đó đang tập hát nhạc kịch (opera) và Wolfgang sẵn lòng đệm đàn và hướng dẫn cho nàng ca hát. Mối tình đã chớm nở giữa hai người và Mozart đã đề nghị với gia đình Weber là họ nên cùng với Aloysia sang nước Ý trình diễn, với Mozart sẽ sáng tác các bản nhạc kịch thích hợp với nàng. Đồng thời Mozart cũng biên thư cho cha, căn dặn cha và chị đón đoàn nghệ sĩ tại Salzburg và ông Leopold khi đó sẽ gặp người con dâu tương lai, người mà ông sẽ quý mến. Nhưng ông Leopold đã không chú ý đến dự tính này. Ông dặn con trai phải đi ngay Paris, tạo dựng cho mình một danh tiếng. Wolfgang đành phải rời Mannheim, xa cách người yêu.

Wolfgang Mozart đã tới Paris. Thành phố này trước kia hân hoan đón chào một thần đồng âm nhạc nhưng ngày nay, lại dửng dưng trước một nhạc sĩ đã trưởng thành. Trong 3 tháng, Mozart đã không thành công trong việc kiếm được một công việc xứng đáng, rồi bà Maria mắc bệnh nặng và qua đời trong cánh tay của người con trai vào ngày 03-7-1778. Vào lúc này, ông Leopold đã gửi một bức thư báo tin cho Wolfgang biết vị Tổng Giám Mục Salzburg sẵn lòng giao cho chàng chức vụ nhạc sĩ đàn phong cầm của vương triều với lương năm là 500 florins và với một số điều kiện về vắng mặt. Nếu Wolfgang chấp nhận, lợi tức của hai cha con sẽ đủ dùng cho một cuộc sống tương đối thoải mái. Wolfgang không thể trái ý cha nên đã trở về Salzburg nhưng xin phép được ghé qua thành phố Mannheim để gặp gia đình Weber. Tới nơi, gia đình này đã dọn đi Munich. Mozart lại tới Munich nhưng khi gặp gia đình Weber, Aloysia chỉ coi Mozart là một người bạn cũ.


Trở về Salzburg, Mozart bị thất bại cả về tình duyên lẫn tham vọng. Mặc dù được gia đình luôn coi là một nhà soạn nhạc cỡ lớn, một thiên tài trong số các nhạc sĩ, Wolfgang Mozart vẫn không ưa thích miền Salzburg và các bổn phận phải làm đối với cung đình này. Tháng 11 năm 1780, Wolfgang lại đi Munich để hoàn thành một nhạc kịch đã ký hợp đồng, dùng cho ngày đại hội năm sau. Nhạc kịch có tên là “Idomeneo” lần đầu tiên được trình diễn vào ngày 29-1-1781 và được mọi người khen ngợi, kể cả vị vương hầu của vùng Munich. Ông Leopold và chị Nannerl cũng tới Munich để chứng kiến lúc vinh quang của Wolfgang Mozart. Trong rạp hát, hàng trăm người đã đứng lên, hoan hô nhà soạn nhạc và đây là lúc hãnh diện nhất cho cả ba người thuộc gia đình Mozart.


Sau đó vị Tổng Giám Mục miền Salzburg lại ghen tức với danh tiếng do Mozart tạo dựng nên tại một nơi khác, nên đã ra lệnh ngưng chức nhạc sĩ của Wolfgang trong khi người cha Leopold cố gắng gọi con trở về. Wolfgang quá chán ghét miền Salzburg nên cuối cùng đã viết thư cho cha: “Xin đừng bắt con trở về Salzburg nữa, cha hãy bảo con làm việc khác ngoài việc trở về đó”.

Tại Munich, Wolfgang Mozart bắt đầu cam chịu một cuộc sống thiếu thốn. Nhà nhạc sĩ tài danh chỉ có được một học trò. Với số tiền quá ít ỏi, Mozart phải sống trọ với một gia đình bạn, vào lúc này, người yêu cũ là nàng Aloysia đã đi lấy chồng. Bà Weber và hai cô gái lại dọn đi Vienna và cũng ở trong hoàn cảnh eo hẹp.


Cuối năm 1773 và đầu năm 1774, Wolfgang Mozart đã sáng tác được 2 bản giao hưởng cung Sol thứ (K.183) và cung La trưởng (K.201) với tính nhạc mãnh liệt và trang nghiêm, với đặc tính đồng nhất về chủ đề (thematic unity) và với đặc điểm về cách khai triển toàn bộ nhạc thức. Sau đó là thời kỳ Mozart viết nhiều sônát dành cho đàn dương cầm (piano sonata): K.279-284 soạn tại Salzburg và Munich trong 2 năm 1774-75, K.309 và K.311 tại Mannheim trong 2 năm 1777-78, và tại Paris vào năm 1778 gồm các bản sônát cung La thứ (K.310), sônát cung Đô trưởng (K.330), sônát cung La trưởng với các biến khúc (K.331); và 2 sônát mang đặc tính Mozart nhất là 2 nhạc phẩm cung Fa trưởng và Si giáng trưởng (K.332 và K.333). Nhiều biến khúc (variations) cũng được Mozart sáng tác tại Paris với các bản nhạc dành cho các nhạc sinh, kể cả bản “Ah, vous dirais-je maman” (K.265, Paris-1778). Nhiều bản hòa tấu 4 đàn được Mozart sáng tác một cách xuất sắc, chẳng hạn như bản Flute Quartet cung Rê trưởng (K.285) và bản Oboe Quartet (K.370).


Wolfgang Mozart đã sáng tác âm nhạc hoặc do tiền đặt trước, hoặc vì một dịp đặc biệt nào đó. Trước khi viết nhạc, chàng nhạc sĩ thiên tài này đã có trong đầu óc một định kiến về khán giả và các nhạc sĩ trình diễn, về sự ưa chuộng của người nghe nhạc. Mozart quả thực là một nhà soạn nhạc thương mại, viết nhạc vừa với ước vọng nhạc phẩm sẽ được trình diễn, làm vui lòng người đặt hàng, lại mang về tiền bạc cho mình. Trong các thập niên 1770 và 1780, Mozart đã sáng tác âm nhạc cho các buổi họp mặt ngoài vườn, các đám cưới, các sinh nhật, các buổi hòa nhạc gia đình và các nhạc phẩm này phần lớn được gọi là dạ khúc (serenade hay divertimento). Ngoài ra, số nhạc phẩm của Mozart còn gồm nhạc thính phòng với đàn dây và đôi khi với một hay hai loại kèn, rồi tới các concerto và các bản giao hưởng phức tạp hơn… tất cả đều mang sắc nhạc đơn giản, bay bướm với giai điệu quyến rũ. Bản dạ khúc được phổ biến nhất của Mozart có tên là “Dạ Khúc Nhỏ” (Eine Kleine Nachtmusik, K.525), một tác phẩm viết cho dàn nhạc nhỏ đàn dây (small string orchestra). Dạ khúc Haffner năm 1776 là một thí dụ rõ ràng nhất của thể điệu concerto-symphonic.

(Tranh: Alfred Cornilliet, Wikipedia, Public Domain)

Mozart cũng viết các concerto dành cho vĩ cầm như các nhạc phẩm K.216, 218 và 219, lần lượt theo các cung Sol, Rê và La. Các nhạc phẩm này là những tác phẩm với vẻ nhạc rất trong sáng, với âm thanh lộng lẫy, đầy nhạc cảm.

Thời kỳ sống tại thành phố Vienna (1781-91)


Wolfgang Mozart rời bỏ Munich và dọn qua Vienna, tại đây chàng nhạc sĩ đã quyết định chọn người vợ là cô Constanza Weber, em gái của người yêu khi trước, bất chấp lời quở mắng của ông Leopold. Hai người đã làm lễ thành hôn ngày 16-8-1782. Constanza tuy là một người vợ tận tụy song lại là một người đàn bà rất kém về nội trợ khiến cho gia đình Mozart luôn luôn túng thiếu. Trước hoàn cảnh eo hẹp về tài chính, Mozart muốn rời đi London hay Paris nhưng ông Leopold đã gửi thư, hẹn gặp người con trai tại Vienna. Rồi người cha và người chị đã tới, Mozart rất hân hoan được giới thiệu người vợ mới của mình và ông Leopold cũng vui sướng khi thấy con trai bận rộn trong việc sáng tác các nhạc phẩm. Có một buổi chiều, ông Leopold đã cùng với đại nhạc sĩ Joseph Haydn nghe trình diễn các bản tứ hòa (quartets) do Mozart viết ra, và J. Haydn đã phải nói với ông Leopold: “Trước Thượng Đế, và tôi lấy danh dự mà nói rằng con trai của ông là một nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mà tôi đã gặp. Cậu ta có khả năng thưởng thức và lại có một điều quý hơn nữa là một kiến thức sâu rộng nhất về sáng tác âm nhạc”.

(Tranh: Ernst Keil’s Nachfolger, Wikipedia, Public Domain)


Lần gặp gỡ trên cũng là lần cuối giữa hai cha con vì sau đó ông Leopold trở về Salzburg rồi mắc bệnh và qua đời vào ngày 28-5-1787. Hung tin này tới với Mozart sau khi chàng nhạc sĩ vừa mới hoàn tất bản nhạc kịch “Đám Cưới của Figaro” (the Marriage of Figaro). Tại mỗi góc phố của hai thành phố Vienna và Prague đều vang lên giai điệu của bản nhạc này.


Mặc dù thành công về bản nhạc kịch gần đây, Mozart vẫn túng thiếu và vẫn phải kiếm ăn bằng cách dạy nhạc. Vợ của chàng lại thường hay đau bệnh, không biết tiết kiệm và gia đình đôi khi không có đồ ăn hoặc củi đốt. Một vài người bạn thân cũng thỉnh thoảng giúp đỡ chàng lúc quá khó khăn. Lúc bấy giờ Hoàng Đế Josef của nước Áo vì muốn giữ chàng nhạc sĩ thiên tài lại trong nước mình, nên đã đề nghị tuyển Mozart làm nhà soạn nhạc cho cung đình với lương 80 bảng một năm, một món tiền quá nhỏ, khiến cho Mozart đã phải nói ra một cách chua chát: “Đó là món tiền quá lớn đối với công việc quá nhỏ đòi hỏi tôi phải làm, và cũng là món tiền quá nhỏ đối với khả năng tôi có thể làm được”.


Tháng 9 năm 1787, Mozart bắt đầu viết vở nhạc kịch “Don Giovanni”. Nhạc phẩm phải xong vào ngày 29-10 mà tới tối ngày 28, phần khai khúc (overture) vẫn chưa được soạn tới. Mozart đã thức suốt đêm để viết nhạc vì tác phẩm đã ở sẵn trong đầu chàng nhạc sĩ thiên tài. Lúc 7 giờ sáng khi còn chưa khô mực, nhạc phẩm đã được chuyển tới người chép nhạc rồi dùng cho buổi trình diễn ngay ban chiều mà không có thời giờ tập dượt. Kết quả của vở nhạc kich “Don Giovanni” rất rực rỡ, mọi người đều tán thưởng những nét nhạc và giai điệu mỹ lệ của Mozart. Nhưng khó khăn tài chính vẫn chưa vượt qua được. Ông hoàng Karl Lichnowsky đề nghị Mozart nên đi theo ông tới Berlin vì Vua nước Phổ có thể giao cho chàng chức vụ Nhạc Trưởng Thính Phòng với lương bổng khá lớn nhưng vì lòng trung thành với Hoàng Đế Josef của nước Áo đã khiến Mozart phải từ chối.


Tháng 7 năm 1791, khi đang sống tại Vienna, Mozart đã tiếp một người cao lớn mặc áo đen, đến đặt viết bản nhạc Cầu Hồn Requiem trong khi đó chàng nhạc sĩ cũng đang bận rộn giúp đỡ người bạn là nhạc sĩ Salieri. Lễ đăng quang của Hoàng Đế Leopold II đã được ấn định vào ngày 6 tháng 9 tại Prague. Trước khi lên xe ngựa đi Prague, người áo đen đặt viết bản nhạc cầu hồn lại đến và Mozart phải năn nỉ xin hoãn cho tới lúc từ Prague trở về. Bản nhạc kịch “La Clemenza di Tito” đã được soạn xong đúng thời hạn và được trình diễn nhưng kết quả không vẻ vang. Mozart trở lại Vienna lúc cơ thể quá mệt mỏi vì làm việc quá độ. Dù thế, ngày 30-9, một nhạc kịch khác cũng xuất hiện mang tên “Cây Sáo Thần” (the Magic Flute). Thành công của bản nhạc kịch này tăng dần lên trong khi bản nhạc Cầu Hồn vẫn còn dang dở. Đã nhiều lần Mozart ngất xỉu vì yếu sức và một hôm, chàng nhạc sĩ thiên tài đã nói với vợ: “Anh viết bản Cầu Hồn này cho chính anh vậy”.

(Tranh: Henry Nelson O’Neil, Wikipedia, CC BY 2.0)

Chiều ngày 4 tháng 12 năm 1791, Mozart bị nằm liệt giường và trút hơi thở cuối cùng vào sáng ngày 5-12, thọ 35 tuổi, để lại bản nhạc Cầu Hồn chưa viết xong. Một môn đệ ưa thích của Mozart tên là Sussmayr đã viết nốt bản nhạc lễ đó (mass) từ các nét nhạc phác thảo của Thầy cùng với một số giai điệu bổ túc của mình.

(Ảnh: Yair Haklai, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Ngày đưa đám của chàng nhạc sĩ thiên tài Mozart chỉ quy tụ được vài người bạn thân. Quan tài được chở trên xe kéo, ra khỏi thành phố để tới khu nghĩa trang nghèo nàn. Rồi một trận bão tuyết đổ ập tới, các bạn bè tiễn đưa đã bỏ về và lẽo đẽo theo sau xe tang chỉ còn người vợ góa. Do thời tiết quá xấu, xe tang đã không thể đi thêm được nữa, những người phu chôn cất đã đào huyệt và chôn vội vã chiếc quan tài bên đường. Sáng ngày hôm sau khi tuyết ngừng rơi, người vợ trẻ Constanza đã không thể tìm ra dấu tích ngôi mộ của chồng vừa mới đào lấp vào ngày hôm qua.

Vào các năm đầu của thời kỳ sống tại Vienna, các sáng tác nhạc của Mozart khá phong phú. Nhạc khúc hát nói (singpiel) “Die Entfuhrung aus dem Serail” (the Abduction from the Seraglio, 1782) đã được trình diễn nhiều lần. Mozart đã là nhạc sĩ dương cầm và sáng tác thần tượng của dân chúng thành phố Vienna, là một ngôi sao âm nhạc tự do.

Phần lớn các nhạc phẩm đã làm cho danh tiếng Mozart trở nên bất tử, đều được sáng tác vào khoảng thời gian 10 năm cuối với cách tổng hợp toàn hảo về nhạc thức và về nội dung, với nhạc phong uyên bác, với sự duyên dáng và đam mê trong chiều sâu của nhạc cảm và Mozart đã viết tất cả các thể loại âm nhạc.

(Tranh:Peter Johann Nepomuk Geiger, Wikipedia, Public Domain)


Các ảnh hưởng chính đối với Mozart vào thời kỳ này vẫn là đường nét âm nhạc của Haydn và sự khám phá của chàng nhạc sĩ về âm nhạc của J.S. Bach. Thời đó bá tước Gottfried van Swieten là đại sứ của nước Áo tại Berlin. Vị bá tước này đã là quản thủ thư viện của vương triều và lại là một người đam mê âm nhạc. Tại nhà của bá tước Van Swieten, Mozart được làm quen với các tập nhạc của Bach trong đó có tập “Art of Fugue, the Well-Tempered Clavier” (Nghệ thuật của Tẩu Khúc dùng cho đàn dương cầm), một số các sônát và các nhạc phẩm khác. Ảnh hưởng của âm nhạc Bach đã được lưu dấu trong các tác phẩm về sau của Mozart, chẳng hạn như trong bản sônát cuối cùng dành cho dương cầm, K.576, hay bằng nhạc tính trang trọng trong nhạc phẩm “Cây Sáo Thần” (the Magic Flute) và nhạc lễ Cầu Hồn Requiem.

Trong số các nhạc bản độc tấu dương cầm của thời kỳ Vienna, quan trọng nhất là bản Fantasia và Sônát cung Đô thứ (Sonata in C minor, K.475 và K.457). Nhạc phẩm Fantasia đã có các giai điệu và chuyển cung (modulations) đi trước Schubert trong khi bản Sônát kể trên đã là mẫu mực của nhạc bản Sonate Pathétique của Beethoven.


Mozart còn viết các nhạc phẩm dành cho 2 đàn dương cầm (K.448, 1781), các sônát 4 tay (K.497, 1786), nhạc thính phòng, sônát vĩ cầm cung La trưởng (K.526), nhạc hòa tấu 3 đàn dây (String Trio K.563), nhạc hòa tấu 5 kèn Clarinet (the Clarinet Quintet, K.581)… Trong 6 “Haydn Quartets” (nhạc hòa tấu 4 đàn), Mozart đã thể hiện khả năng trưởng thành của mình trong việc hấp thụ tinh túy âm nhạc của Haydn mà không phải là một người bắt chước vụng về.


Với nhạc kịch “Đám Cưới của Figaro” viết năm 1786 dùng lời nhạc (libretto) của Lorenzo da Ponte, Mozart đã lên tới tột đỉnh của tài soạn nhạc, với nét nhạc vừa trong sáng, vừa duyên dáng.

Các nhạc phẩm chính của Wolfgang A. Mozart

Các nhạc phẩm dùng cho dàn nhạc (orchestral music) của Mozart gồm hơn 40 bản giao hưởng (symphonies), chẳng hạn như các bản có tên là Haffner số 35, Linz số 36, Prague số 38, Jupiter số 39, 40 và 41, các dạ khúc (serenade) như Dạ Khúc Nhỏ (Eine Kleine Nachtmusik, 1787), các hành khúc (marches) và vũ khúc (dances).

Các concerto gồm 5 bản dành cho vĩ cầm, 27 bản dành cho dương cầm và các bản nhạc khác dùng cho các loại kèn, sáo và thụ cầm (harp).

Các nhạc kịch (operas) gồm Idomeneo (1781), die Entfuhrung aus dem Serail (1782), Đám Cưới của Figaro (1786), Don Giovanni (1787), Cosi fan tutte (1790) và Cây Sáo Thần (1791).

Nhạc đồng ca (choral music) gồm 18 nhạc lễ, bản Cầu Hồn Requiem K.626 (dang dở – 1791). Nhạc thính phòng gồm 23 bản hòa tấu 4 đàn dây, các trio, quintet, sônát…

17 bản sônát dương cầm và bản Fantasia (K.475, 1785). Ngoài ra còn có các bản nhạc hát thế tục (secular vocal music).

Vào thời đại của Wolfgang A. Mozart, số lượng các nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng còn bị giới hạn và các nhạc sĩ thời đó có phong cách trình diễn âm nhạc khác với ngày nay. Âm nhạc của Mozart chưa được giới hâm mộ hiểu rõ vào thế kỷ 19, cho tới sau Thế Chiến Thứ Nhất các nhạc sĩ và các nhà nghiên cứu âm nhạc mới tìm hiểu thêm thiên tài Mozart và Wolfgang Amadeus Mozart được coi là nhạc sĩ có thiên phú nhất, hoàn hảo nhất mà Thế Giới được biết tới.


Phạm Văn Tuấn


Trích đăng từ Đặc San Lâm Viên ( dslamvien.com )
Có chỉnh sửa bổ sung ảnh và tranh minh họa


Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org, Britannica Encyclopedia; Masterwooks by Dr. Kern Holoman, Prentice Hall, N.J. 1998; A History of Western Music by Donald Jay Grout, W.W.Norton, N. Y. 1996.


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook