Cuộc đời còn rất nhiều điều tử tế: Bài học từ lần đại phẫu năm 17 tuổi của một cô gái
Từ bé, cuộc sống của mình đã có nhiều điều không vui. Nhưng may mắn thay, bằng cách này hoặc cách khác, ông trời luôn gửi gắm những điều dễ thương và ý nghĩa đến cho mình, nhắc nhở mình vẫn còn tồn tại nhiều tình cảm quý báu giữa thời đại này. Đó chính là cách mình sống và làm việc, điều gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim.
Vào bệnh viện, đối mặt với bệnh tật là điều mà không ai mong muốn. Nhưng đôi khi chính từ những khó khăn và nghịch cảnh này mà người ta lại có nhiều trải nghiệm, bài học quý báu.
Đó cũng chính là những gì mà cô bạn Nguyễn Hoàn Triệu Vy (SN 2001, quê Vĩnh Long) nhận được từ quãng thời gian chữa bệnh vào năm 17 tuổi. Hiện tại, cô bạn đang là sinh viên năm 3 ngành Kỹ thuật Hóa học của ĐH Bách khoa TP.HCM. Cách đây không lâu, Triệu Vy cùng với em gái - Lê Vy đã gây chú ý khi lên Shark Tank mùa 5 gọi vốn cho thương hiệu nến thơm do 2 chị em sáng lập nên.
Dưới đây là chia sẻ của Triệu Vy sau 4 năm kể từ ngày được đẩy ra từ phòng hồi sức tích cực:
Năm 17 tuổi, mình trải qua một cuộc đại phẫu ở vùng bụng. Cuộc phẫu thuật dài 4 tiếng, mình phải nằm phòng hồi sức tích cực đặc biệt hơn một ngày trời. Hôm nay là tròn 4 năm mình được đẩy ra khỏi căn phòng đó.
Hồi đó mình học lớp 12, thành ra phải nghỉ học rất nhiều ngày để đi khám bệnh, phẫu thuật và hồi phục. Nhưng “nhờ” có trải nghiệm trong thời gian ở bệnh viện, chứng kiến giây phút sinh tử cũng như những câu chuyện ấm áp, mình trở nên dịu dàng hẳn đi sau phẫu thuật. Và mình cũng có niềm tin rằng giữa thời hiện đại này vẫn tồn tại những tấm lòng tử tế, không vụ lợi dành cho nhau…
Câu chuyện số 1 của chính mình
Vì còn trẻ mà có bệnh lạ nên mình được chuyển xuống phòng bác Giám đốc để hội chẩn. Sau khi xác nhận mình có bệnh, bác hỏi mình:
- Tại sao con lại đi khám bệnh khi không có dấu hiệu?
- Dạ, tại con bị dị ứng. Mà con tìm hiểu và biết dị ứng là do người con đang không khỏe nên nó phát ra ngoài. Con mới đi khám tổng quát.
- Con đang học gì?
- Dạ con học lớp 12. Và con cũng đang ôn khối B để thi Y Dược nữa.
Vậy là bác dành lời khen cho mình và miễn phí toàn bộ chi phí khám bệnh ngày hôm đó, miễn phí luôn chi phí chụp CT, MRI… Vào ngày mình phẫu thuật, bác đến tận nơi để theo dõi tình trạng bệnh. Được 5 ngày sau khi mổ, bác lại đến thăm và cho mình xem ảnh lúc mình mổ. Về sau, mỗi khi mình tái khám định kỳ, bác đều hỗ trợ tận tình. Mình có cảm giác như ông trời như sắp xếp cho mình gặp quý nhân, làm mình tin rằng sống thiện lành ắt sẽ được đáp trả.
Câu chuyện số 2 về cặp vợ chồng ở cùng phòng bệnh với mình
Anh chị là người miền Bắc vào Nam lập nghiệp và đã có 1 bé gái khoảng 2 tuổi. Chị đang mang thai song sinh nhưng bị sỏi thận, có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi nên phải mổ thận. Suốt thời gian ở bệnh viện, chỉ có chồng của chị là điểm nương tựa cho chị. Hàng ngày anh nấu cơm mang vào, đầy đủ các món và cân bằng dinh dưỡng. Chờ chị ăn xong, anh lại sắp xếp về chăm con và quán xuyến công việc. Chiều chiều mỗi khi anh vào, hai vợ chồng gọi về cho con gái và hẹn rằng mẹ với ba sẽ sớm về.
Nhìn anh chị, mình nhớ về bà ngoại mình, cũng có gần ba mươi năm chăm sóc ông ngoại liệt giường. Ngoại chăm ông từng miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh cho đến ngày ông nhắm mắt xuôi tay. Mình vẫn hay nghe ông ngoại khóc bằng chất giọng run run của người bị tai biến: “Bà ơi tui thương bà quá, bà khổ quá”. Mình có hơn chục năm sống cùng ông bà, chứng kiến tình thương vô điều kiện của ông bà dành cho nhau. Mình tin tình yêu vẫn có thật.
Bất chấp nhiều người vẫn cho rằng mình cổ hủ và có phần dại thì mình vẫn hy vọng sẽ yêu và được yêu bằng trọn vẹn con tim. Mình không thích tình yêu bị vấy bẩn bởi mưu cầu cá nhân và vụ lợi. Mình cũng sống rất thực tế, hiểu được chuyện áp lực cơm áo gạo tiền nhưng thà không yêu, chứ đừng yêu mà “không phải yêu”. Bởi vì ông bà mình và hai vợ chồng nọ cho mình biết rằng tình yêu vẫn đẹp lắm, mình cũng xứng đáng được như vậy!
Câu chuyện số 3 về những người anh em ở giường bệnh cạnh bên
Lúc nhỏ mình hay nghe bài hát Thua Một Người Dưng ư , nói về tình cảnh anh em trong một nhà nhưng hơn thua nhau, đấu đá nhau chỉ vì quyền lợi cá nhân. Xung quanh mình cũng tồn tại những người anh chị em không còn thật lòng thương nhau như ngày bé, làm mình có một cái nhìn không tích cực và sợ hãi rằng sẽ có ngày mình cũng như vậy.
Nhưng câu chuyện của những người anh em ở giường bệnh cạnh bên khiến mình nghĩ lại. Bệnh nhân là bác A, là nữ, không gia đình và cũng không con cái. Bác A bệnh nặng và các anh em trong nhà (toàn là đàn ông) đến thay phiên chăm sóc bác. Mình từng gặp nhiều gia đình thuê người chăm bệnh hộ nhưng hiếm khi thấy có gia đình nào mà anh em đồng lòng chăm người chị/em gái như vậy. Dĩ nhiên, họ chăm sóc cho bác A chỉn chu, tỉ mỉ và tràn ngập yêu thương. Đôi mắt của họ ánh lên vui mừng nhìn bác A khi hôm đó bác ăn ngon miệng, không bị những cơn đau hành hạ. Đó là điều làm mình chú ý và chạm đến trái tim mình.
TP.HCM, ngày mưa ơi là mưa!