Cuộc đình công ngành đường sắt lớn nhất trong 30 năm khiến Anh "bế tắc"

Chia sẻ Facebook
21/06/2022 22:00:38

Cuộc đình công ngành đường sắt lớn nhất trong 30 năm tại Anh với hàng chục nghìn nhân viên tham gia nhằm đấu tranh về lương đã bắt đầu diễn ra.

Theo đó, hơn hơn 40.000 công nhân đường sắt sẽ tham gia đình công vào các ngày 21, 23 và 25/6, khiến hệ thống đường sắt tại Anh rơi vào tình trạng bế tắc.

London Underground (Tàu điện ngầm London) cũng bị đóng cửa do cuộc đình công.

Thủ tướng Boris Johnson, đang đối mặt với áp lực phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các hộ gia đình Anh bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ, cho biết, cuộc đình công này sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo các nghiệp đoàn ở Anh, cuộc đình công ngành đường sắt có thể là sự khởi đầu của một "mùa hè bất mãn" với hàng loạt giáo viên, nhân viên y tế, công nhân xử lý chất thải và thậm chí cả luật sư hướng tới hoạt động đình công trong bối cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao đẩy lạm phát lên mức 10%.

Hơn 40.000 công nhân đường sắt tham gia chiến dịch đình công. (Ảnh: Sky News)

Mick Lynch, Tổng thư ký Liên đoàn công nhân đường sắt, hàng hải và vận tải quốc gia Anh (RMT), nói với các phóng viên hôm 20/6: "Chiến dịch đình công của chúng tôi sẽ kéo dài trong khoảng thời gian mà nó cần phải diễn ra".

Thủ tướng Anh tuyên bố, các công đoàn đang gây thiệt hại những người mà họ cho là đang giúp đỡ.

"Bằng cách tiến hành cuộc đình công đường sắt này, các công đoàn đang xua đuổi những người đi làm, những người cuối cùng ủng hộ công việc của công nhân đường sắt, đồng thời tác động đến hàng loạt doanh nghiệp và cộng đồng trên khắp đất nước", ông Boris Johnson nói với nội các của mình trong ngày 21/6, văn phòng Thủ tướng Anh cho biết.

Nền kinh tế Anh đang trong quá trình phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự kết hợp của tình trạng thiếu lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát và các vấn đề thương mại hậu Brexit đã khiến nước Anh đứng trước nguy cơ đối mặt với một cuộc suy thoái.

Cuộc đình công đường sắt lớn nhất của Anh trong 30 năm đã bắt đầu diễn ra. (Ảnh: The Canberra Times)

Chính phủ Anh cho biết đang hỗ trợ thêm cho hàng triệu hộ gia đình nghèo nhất, nhưng việc tăng lương vượt quá lạm phát sẽ làm tổn hại đến các nền tảng cơ bản của nền kinh tế.

Thủ tướng Johnson nói: "Mức lạm phát liên tục tăng cao sẽ có tác động lớn hơn nhiều đến các gói lương của người lao động về lâu dài, phá hủy khoản tiết kiệm và kéo dài những khó khăn mà chúng ta đang đối mặt".

Sự bùng nổ các cuộc đình công đã được so sánh với thời kỳ những năm 1970, khi nước Anh phải đối mặt với hàng loạt cuộc đình công lao động trên diện rộng, bao gồm cả "mùa đông bất mãn" 1978 - 1979.

Các cuộc đình công xảy ra khiến du khách tại các sân bay của Anh bị hỗn loạn khi bị hoãn hoặc hủy chuyến vào phút chót do thiếu nhân viên, trong khi nhiều người Anh phải đợi hàng tháng để có hộ chiếu mới do sự chậm trễ trong quá trình xử lý.

Cuộc đình công đường sắt khiến chỉ khoảng một nửa số chuyến tàu tại Anh tiếp tục phục vụ với những dịch vụ rất hạn chế trên những tuyến đó và tiếp tục bị gián đoạn vào những ngày giữa cuộc đình công.


Quỳnh Chi

Chia sẻ Facebook