Cuộc đấu cam go của Ukraine sau khi vượt được sông Dnipro
"Đối phương nã pháo vào chúng tôi 24/24. Tôi không còn nhớ nổi lần cuối cùng có một giờ yên tĩnh là khi nào", một binh sĩ Ukraine chia sẻ.
Các binh sĩ Ukraine trên sông Dnipro. Ảnh: UP
Khi Serhiy Ostapenko, binh sĩ Ukraine 32 tuổi, ngồi thu mình trong chiếc bán tải, đỗ dưới những tán cây trong đêm khuya, các đợt oanh tạc dữ dội của Nga vẫn diễn ra gần đó.
Ostapenko là thành viên của một đơn vị UAV có tên gọi "Những đứa con trai của Sấm", tham gia vào chiến dịch vượt sông Dnipro của Ukraine nhằm đẩy lui các lực lượng Nga và thiết lập hiện diện lâu dài ở tả ngạn sông, nơi quân Nga kiểm soát. Đầu tháng này, Ukraine tuyên bố đã thiết lập đầu cầu đổ bộ ở tả ngạn sông Dnipro.
Khi phóng viên của CNN tiếp cận với Ostapenko, nhiệm vụ ban đêm của binh sĩ này vừa bị hủy vì quân Nga đã xác định được vị trí đơn vị của Ostapenko ở hữu ngạn sông Dnipro, buộc họ phải tìm nơi trú ẩn.
"Lại một vụ nổ nữa. Tôi nghĩ đó là một quả tên lửa", Ostapenko nói với phóng viên CNN khi một tiếng nổ vang lên. "Mỗi lần tôi vào khu vực này, lần nào tôi cũng tự nói lời tạm biệt với cuộc đời mình vì tôi nhận ra cuộc sống của tôi có thể kết thúc bất cứ lúc nào vì một quả tên lửa hay đạn pháo. Anh cũng sẽ quen với điều đó thôi nhưng không dễ chịu chút nào".
Sông Dnipro, dài 2.200km, là con sông dài thứ tư ở châu Âu. Nó chảy từ Nga, qua Belarus và Ukraine trước khi đổ ra Biển Đen.
Dnipro chảy qua vùng đầm lầy của tỉnh Kherson, do Nga kiểm soát một phần. Tháng 11/2022, Ukraine giành kiểm soát thành phố Kherson bên hữu ngạn con sông này. Các lực lượng Nga đã rút về tả ngạn sông và thiết lập hàng rào phòng thủ. Dù rút lui, các lực lượng Nga vẫn pháo kích không ngừng vào thành phố Kherson.
Sông Dnipro đóng vai trò như một hàng rào phòng thủ tự nhiên cho quân đội Nga. Đó là một phần lý do vì sao nó trở thành mục tiêu chính của quân đội Ukraine.
Quân đội Ukraine từng tổ chức nhiều cuộc vượt sông để thiết lập một đầu cầu vững chắc qua sông và đẩy lui quân Nga, nhằm bảo vệ thành phố Kherson khỏi các cuộc pháo kích. Ngoài ra, về mặt lý thuyết, một bước tiến ở tả ngạn sông Dnipro có thể tạo cơ hội cho quân đội Ukraine tiến xa hơn về phía nam, hướng tới bán đảo Crimea.
Ngày 19/11, quân đội Ukraine tuyên bố đã đẩy lui các lực lượng Nga 3-8km khỏi tả ngạn sông Dnipro.
"Lúc này, quân đội của chúng tôi đang tiến công ở tả ngạn sông Dnipro. Tình hình rất khó khăn. Chúng tôi đang nỗ lực rất nhiều để giành chiến thắng và xây dựng sức mạnh ở tả ngạn sông", Ostapenko nói với phóng viên CNN.
Binh sĩ 32 tuổi nói thêm rằng, "một số kết nối nhất định" đã được thiết lập dọc bờ sông, cho phép binh sĩ Ukraine "vận chuyển vũ khí, đạn dược, thực phẩm, nhiên liệu" cho các đồng đội ở "bờ bên kia" (tả ngạn sông Dnipro).
Trong khi đó, đơn vị UAV trinh sát của Ostapenko có nhiệm vụ "yểm trợ trên không" cho binh sĩ Ukraine vượt sông, giám sát binh sĩ và hoạt động của Nga, đồng thời hỗ trợ che giấu vị trí của lực lượng và trang thiết bị Ukraine.
"Đó là nhiệm vụ nguy hiểm", Ostapenko mô tả việc phải đối mặt với hàng loạt UAV tự sát, tên lửa, súng cối và xe tăng. "Nhưng việc bắn phá cũng là dấu hiệu tốt. Điều đó cho thấy chúng tôi đang gây ra cho họ nhiều khó khăn".
Nguyễn Thái - CNN