Cuộc đại tu của Alibaba mở ra kỷ nguyên mới cho chứng khoán Trung Quốc
Sự xuất hiện của Jack Ma ở Trung Quốc có vẻ như là chiêu “PR” cho kế hoạch tái cấu trúc của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba.
Ngày 28/3, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba tuyên bố thực hiện cuộc “cuộc đại tu lớn nhất trong 24 năm qua”.
Tin tức về việc tái cấu trúc được đưa ra ngay sau khi người đồng sáng lập Jack Ma trở về Trung Quốc đại lục. Jack Ma đã dành phần lớn thời gian ở nước ngoài và trở nên kín tiếng sau khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu kiểm soát các công ty công nghệ lớn vào cuối năm 2020.
“Sự xuất hiện trở lại của Jack Ma có vẻ như là một sự kiện truyền thông đã được lên kế hoạch nhằm thúc đẩy tâm lý thị trường vào thời điểm quan trọng”, ông Brock Silvers, giám đốc đầu tư của Kaiyuan Capital cho biết.
Hiệu quả đã được chứng minh, khi cổ phiếu của Alibaba tăng 12% tại Hồng Kông và 14% tại Phố Wall chỉ sau một đêm, dẫn đầu mức tăng của cổ phiếu công nghệ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Kế hoạch chia tách của Alibaba đã giúp cổ phiếu của tập đoàn này phục hồi và mang về 47 tỷ USD giá trị thị trường sau chưa đầy một tuần, theo Bloomberg.
Cấu trúc 1+6+N
Theo tờ Wall Street Journal, tỷ phú Jack Ma là người chỉ đạo vụ chia tách đế chế thương mại điện tử mà ông đã xây dựng. Mặc dù đã từ chức CEO Alibaba vào năm 2019, nhưng ông vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng tại công ty và tích cực trong việc quyết định chiến lược của công ty.
Trong những tháng gần đây, ông đã gọi điện cho các nhà lãnh đạo hàng đầu của Alibaba, bao gồm cả chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hiện tại Daniel Zhang, thúc giục họ chia tách công ty để trở nên cạnh tranh hơn trong thị trường ngày càng khốc liệt Trung Quốc, theo Wall Street Journal.
Cấu trúc mới của Alibaba này được gọi là “1+6+N”. Cụ thể, tập đoàn Alibaba sẽ thành lập 6 công ty: Cloud Intelligence Group (điện toán đám mây), Taobao Tmall Commerce Group (thương mại điện tử trong nước), Global Digital Commerce Group (thương mại điện tử toàn cầu), Local Services Group (bản đồ số và giao nhận đồ ăn), Cainiao Smart Logistics (dịch vụ logistic), Digital Media and Entertainment Group (truyền thông số và giải trí).
Trong khi đó, “N” chỉ những công ty kinh doanh trong tập đoàn như bộ phận chăm sóc sức khỏe Alibaba Health, chuỗi cửa hàng tạp hóa và ăn uống Hema Fresh, cũng như các công ty được thành lập trong tương lai.
“Mục đích ban đầu và cơ bản của công cuộc tái cấu trúc này là giúp các doanh nghiệp “trở nên nhanh nhẹn hơn, nâng cao khả năng ra quyết định và cho phép phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của thị trường”, giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang cho biết trong một bức thư gửi nhân viên.
Ông Zhang sẽ tiếp tục giữ chức chủ tịch và giám đốc điều hành của Tập đoàn Alibaba, đồng thời là giám đốc điều hành của Cloud Intelligence Group.
Mỗi doanh nghiệp trong số 6 đơn vị trên sẽ có một giám đốc điều hành và hội đồng quản trị của riêng mình, đồng thời có lịch trình riêng để gây quỹ và niêm yết cổ phiếu. Ngoài ra, bất kỳ thiệt hại về uy tín nào đối với một bộ phận sẽ có thể không ảnh hưởng đến bộ phận khác.
Tuy nhiên, công ty thương mại Taobao Tmall sẽ vẫn là một đơn vị thuộc sở hữu hoàn toàn của Tập đoàn Alibaba.
Ngoài ra, Alibaba sẽ tiếp tục đánh giá tầm quan trọng chiến lược của 6 công ty con này sau khi IPO để “quyết định có tiếp tục duy trì quyền kiểm soát hay không” trong một cuộc họp với các nhà đầu tư vào ngày 30/3.
Kỳ vọng đảo chiều
Nếu được thực hiện đúng, việc tái cấu trúc của Alibaba có thể bắt đầu một kỷ nguyên mới cho chứng khoán Trung Quốc, mang lại cơ hội kiếm lời cho các nhà đầu tư ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế thị trường mới nổi, vì vậy, nước này vẫn chưa tạo ra các thể chế và chính sách giống như các quốc gia phát triển, ví dụ như một thị trường chứng khoán minh bạch được quản lý tốt, nơi các công ty niêm yết nâng cao giá trị cổ đông.
Đó là lý do tại sao đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với chứng khoán của các nước phát triển như Mỹ.
Cũng như các thị trường mới nổi khác, thị trường chứng khoán của Trung Quốc trải qua các giai đoạn bùng nổ, sau đó là những đợt suy thoái kéo dài, khiến những người chiến thắng nhanh chóng biến thành kẻ thua cuộc.
Hành trình của Alibaba là một trường hợp điển hình. Trong nhiều năm, nhà tiên phong về thương mại điện tử đã tận hưởng sự độc quyền và nhanh chóng trở thành một trong những công ty định hình nền kinh tế internet của Trung Quốc.
Nhờ một số lợi thế cạnh tranh như quy mô, phạm vi của mạng lưới cũng như mối quan hệ thân thiết với các nhà quản lý, Alibaba đã trở thành một tập đoàn được mô tả như sự kết hợp giữa các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như Amazon.com, e-Bay và PayPal.
Tuy nhiên, nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm hạn chế sự độc quyền của các công ty công nghệ trong nước khiến Alibaba phải nộp khoản tiền phạt trị giá 2,8 tỷ USD.
Các nhà quản lý Trung Quốc sau đó cũng phá vỡ kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty con Ant Group và triển vọng mở rộng sự hiện diện của công ty này trong lĩnh vực tài chính.
Không chỉ Alibaba mà những gã khổng lồ công nghệ như Tencent và Baidu cũng bị rơi vào tầm ngắm, khiến cổ phiếu các công ty này sụt giảm trong một thời gian dài, lan sang các khu vực khác của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Do đó, kế hoạch chia tách của Alibaba báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong chế độ quản lý của Trung Quốc và có thể mang lại một cơn gió ngược cho công ty.
Đầu tiên, nó sẽ giải quyết những bất lợi liên quan đến các tổ chức công ty lớn, chẳng hạn như bộ máy quản lý ngày càng quan liêu hay chi phí giám sát ngày càng tăng.
Thứ hai, nó sẽ cho phép các đơn vị này khai thác thị trường tài chính để có thêm vốn thông qua các đợt IPO.
Điều đó có thể thúc đẩy động lực mới của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với chứng khoán Trung Quốc, báo hiệu sự khởi đầu của một thị trường giá lên khác .
Nguyễn Tuyết (Theo Eurasia Review, WSJ, IB Times)