Cuộc chiến Nga - Ukraine đưa mô hình dự báo quân sự ‘lên ngôi’
Chiến tranh vốn phức tạp và ẩn chứa nhiều yếu tố không thể lường trước. Nhưng đó cũng là động lực để các nhà đầu tư và chuyên gia quân sự tìm kiếm “chén thánh” hạn chế sự khó đoán định của các cuộc xung đột vũ trang.
Cho đến đầu tháng 3/2022, tình báo Anh và Mỹ vẫn nhận định Nga đang dồn lực lượng từ các hướng tiến công khác để bao vây và đánh chiếm Kiev sớm nhất có thể. Thế nhưng, một hệ thống dự báo kết quả chiến trường lại chỉ ra rằng Moscow sẽ gặp khó nếu quyết tâm xuyên thủng lớp phòng ngự thủ đô của Ukraine.
Major Combat Operations Statistical Model (MCOSM), hệ thống máy tính được phát triển bởi Học viện Chiến tranh Hải quân và Trường Hải quân hệ sau đại học tại Monterey, California, sử dụng các thuật toán AI và được đào tạo máy học dựa trên dữ liệu lịch sử của khoảng 96 cuộc chiến và chiến dịch quân sự xảy ra từ chiến tranh thế giới thứ nhất cho đến nay.
Trên thang điểm từ 1-7 về khả năng thành công của “phe tấn công” và “phe phòng thủ”, MCOSM chỉ chấm Nga 2 điểm và Ukraine được 5 điểm tại chiến trường Kiev.
Thực tế cho thấy dự báo của hệ thống tương đối chính xác, khi ngày 25/3, Nga thay vì tấn công thẳng vào thủ đô Ukraine đã chuyển hướng sang các mục tiêu ở miền Đông và miền Nam nước này, chính thức kết thúc giai đoạn 1 của cuộc chiến.
Theo Jon Czarnecki, người đứng đằng sau MCOSM, hệ thống không hề “ăn may” khi nó dự đoán đúng 7/10 trường hợp cụ thể.
Nỗ lực tìm “chén thánh” dự báo tương lai
Con người đang ở kỷ nguyên sức mạnh điện toán chưa từng có và không ngừng lớn mạnh. Công nghệ tạo ra khả năng hấp thụ và xử lý lượng dữ liệu khổng lồ theo những cách chưa từng được nghĩ đến trước đây.
Với hệ thống MCOSM, người dùng cần ước tính 30 giá trị biến số để cung cấp cho cỗ máy tính toán đưa ra dự báo như tình hình huấn luyện, hoả lực, khả năng cơ động, hậu cần, trinh sát, khả năng ra quyết định, hiệp đồng tác chiến. Riêng dữ liệu đầu vào đã là một thách thức vì đó đều là những thông tin rất khó để xác minh sự tin cậy.
Trong khi đó, các mô hình dự báo quân sự “nở rộ” hơn bao giờ hết. Roger Smith, cựu Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc văn phòng mô phỏng của quân đội Mỹ, đang làm việc cho 1 công ty tư vấn ở Orlando, Florida cho biết nhóm của họ đang phát triển và nâng cấp khoảng 100 mô hình dự báo lớn nhỏ.
Một số mô hình tương đồng với MCOSM khi sử dụng cùng loại dữ liệu đầu vào. Trong khi số khác lại mang tính xác suất. Chẳng hạn, hệ thống có thể tính toán kết quả của một phát súng trường từ khoảng cách 600m, được thực hiện vào lúc hoàng hôn nhắm vào mục tiêu di động có trang bị áo chống đạn, được bóp cò bởi 1 tay súng bắn tỉa đã mệt mỏi, không được huấn luyện chu đáo. Tất cả được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm bắn trượt, bắn trúng bị thương hoặc tiêu diệt mục tiêu.
Một ví dụ khác là Brawler, mô hình mô phỏng các cuộc không chiến, phát triển bởi ManTech, công ty quân sự trụ sở tại Herndon, bang Virginia đang được sử dụng bởi không quân và hải quân Mỹ.
Brawler thu thập dữ liệu kỹ thuật cứng về hiệu suất của máy bay chiến đấu, gồm nhiều hệ thống phụ, cũng như khả năng tác chiến của radar mặt đất và các khẩu đội tên lửa. Quá trình mô phỏng có thể chạy hoàn toàn tự động hoặc do con người thực thi. Chẳng hạn, tỷ lệ máy bay F-16 né được tên lửa S-400 của Nga là bao nhiêu nếu phi công thực hiện các động tác né tránh nhất định? Hoặc ảnh hưởng của độ cao, thời tiết và một số yếu tố nhỏ lẻ đến khả năng chiến đấu của máy bay.
“Metaverse” quốc phòng
Mô phỏng các yếu tố vật lý của môi trường xung quanh là điều không hề dễ dàng. Nhưng các chuyên gia quân sự thế giới còn hướng đến xây dựng một “vũ trụ ảo” (metaverse) bao hàm tất cả các yếu tố, kể cả tinh thần và văn hoá.
Karen Childers, cựu chiến binh không quân Mỹ làm việc tại ManTech, chịu trách nhiệm cập nhật Brawler, cho biết quá trình này là một nỗ lực khắc hoạ rõ ràng “não bộ của các phi công” để nắm bắt toàn bộ những yếu tố có thể tác động lên họ khi tham chiến.
Chẳng hạn, bộ nhận dạng đồng minh hay kẻ thù (IFF) trên máy bay chiến đấu được Brawler mô hình hoá sự lan truyền của tín hiệu cũng như cách thức các cuộc gọi tác động đến sự chú ý của phi công khiến họ bị mất tập trung hoặc phản ứng chậm.
Các mô phỏng của Brawler thường chỉ chạy với ít hơn 20 máy bay, nhưng trong trường hợp cần thiết mô hình này có thể xử lý số lượng gấp 3 lần. Phiên bản đầy đủ của phần mềm này thuộc diện hạn chế phân phối. Đến nay, Bộ Quốc phòng Anh là cơ quan tiếp nhận nước ngoài duy nhất được biết đến. Ngoài ra, ManTech còn có một phiên bản rút gọn khác đã loại bỏ các thuật toán bí mật, có tên Cobra đang được sử dụng bởi Hàn Quốc và Đài Loan.
Trong khi đó, Pioneer, mô hình dự báo đầy tham vọng, được phát triển bởi Bohemia Interactive Simulation, công ty tại Orlando được bae Systems, gã khổng lồ vũ khí Anh thâu tóm hồi tháng 3 vừa qua.
Pioneer yêu cầu một sức mạnh điện toán lớn và chạy trên các máy chủ đám mây. Nó có thể mô phỏng hàng loạt hành động và số phận của nhiều thực thể quân sự trên khắp thế giới từ binh lính, xe tăng, tàu và máy bay chiến đấu đến các toà nhà, ô tô, tháp điện thoại di động, đồi núi , thảm thực vật, vũ khí hay thậm chí là các loại đạn riêng lẻ. Đối với những khu vực có tầm quan trọng đặc biệt về quân sự, Pioneer sử dụng thông tin địa hình chi tiết đến từng cái cây dựa trên dữ liệu từ máy bay do thám và vệ tinh.
Hệ thống cũng sử dụng dữ liệu khí tượng thời gian thực, có khả năng mô phỏng đường bay của “mọi viên đạn”, tính đến quá trình huấn luyện của các lực lượng chiến đấu, mức độ mệt mỏi và các “học thuyết” của từng đội quân. Từ đó tính toán mức độ thương vong trong trường hợp tác chiến cụ thể.
Peter Jungck, người đứng đầu bộ phận mô phỏng tại bae Systems, cho biết hiện có hơn 400 nhà phát triển làm việc trên nền tảng với tham vọng biến nó trở thành một “metaverse quân sự”. Thuỷ quân lục chiến Mỹ dự kiến sẽ nhận được hệ thống này vào cuối năm sau.
Vinh Ngô