Cuộc chiến chống quân Pháp ở Bắc hà (P9)
Lúc này nghĩa quân Tiên Động hoạt động rất mạnh, địa bàn rộng khắp các tỉnh từ phía bắc Hà Nội đến biên giới, dân chúng theo rất đông. Quân Pháp trong khu vực nhiều lần đưa quân tấn công nhưng đều bị đẩy lui. Nghĩa quân đã xây dựng căn cứ Tiên Động thành nơi đầy hiểm trở để ngăn quân Pháp.
Quân Pháp nhiều lần tấn công, nhiều lần thất bại
Ngày 18/6/1886, đích thân tướng Jamais chỉ huy quân Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn vào căn cứ Tiên Động. Lợi dụng địa hình, nghĩa quân mai phục khiến quân Pháp chịu thiệt hại rồi rút đi.
Vào sâu trong căn cứ Tiên Động là rừng rậm, quân Pháp không rõ nghĩa quân bố trí thế nào, ở lâu thì hay bị nghĩa quân bất ngờ tập kích. Do vậy cuối cùng quân Pháp quyết định rút lui.
Sau đó, mặc dù đã trải qua nhiều lần tiến đánh nghĩa quân Tiên Động và cũng có một số kinh nghiệm, nhưng quân Pháp cũng không thu được kết quả gì nhiều. Trái lại, việc có thể đẩy lui quân Pháp đã khiến thanh thế nghĩa quân Tiên Động dâng cao.
Nhận thấy Tiên Động khá hẹp, hệ thống phòng thủ bị phá hủy sau nhiều lần cầm cự với quân Pháp, đồng thời không thích hợp cho sự phát triển của nghĩa quân nữa, Nguyễn Quang Bích cùng Nguyễn Văn Giáp quyết định đến Nghĩa Lộ thuộc châu Văn Chấn (nay là thị xã Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái) để xây dựng căn cứ mới.
Xây dựng căn cứ Nghĩa Lộ
Đến cuối năm 1886, tướng Pháp là Brissaud đưa quân đến càn quét hai châu là Văn Bàn (Lào Cai) và Văn Chấn (Yên Bái), nơi có căn cứ Nghĩa Lộ của nghĩa quân.
Nghĩa quân lợi dụng một số vị trí hiểm trở, quyết định chặn quân Pháp ngay từ ngoài căn cứ, trên đường tiến quân của quân Pháp. Ngày 2/1/1887, quân Pháp đến đèo Gỗ (gần bờ sông Thao, giữa Cẩm Khê và Yên Lương) thì bị chặn lại. Cuộc chiến diễn ra rất kịch liệt khiến quân Pháp bị thiệt hại, trung úy Bodin bị thương nặng.
Quân Pháp bị chặn ở đèo Gỗ suốt thời gian dài, khi vượt qua được thì lại bị nghĩa quân chặn ở đèo Hạn Bái. Nghĩa quân lợi dụng địa thế hiểm trở khiến quân Pháp bị thiệt hại nặng. Phải đến tháng 4/1887, quân Pháp mới vượt qua được và đến Đại Lịch (Văn Chấn, Yên Bái).
Quân Pháp tiến đến vòng ngoài căn cứ Nghĩa Lộ thì không sao tiến được.
Suốt từ tháng 4/1887 đến cuối năm 1887, quân Pháp không sao vượt qua phòng tuyến bên ngoài căn cứ của nghĩa quân, cuối cùng buộc phải rút về.
Nghĩa quân giành được thắng lợi lớn, nhưng trụ cột là Nguyễn Văn Giáp lại qua đời do bị bệnh nặng. Nghĩa quân đã mai táng ông ở quê nhà là làng Xuân Húc (nay thuộc xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Tên ông sau này đã được đặt cho một số con đường, một ở quận 2 Sài Gòn, một ở quận Nam Từ Liêm Hà Nội.
Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, tháng 4/1888 quân Pháp gửi thêm quân đến Bắc hà, chia làm 2 cánh tấn công căn cứ Nghĩa Lộ. Nghĩa quân tổ chức mai phục đánh quân Pháp khắp nơi khiến quân Pháp bị thiệt hại nặng. Dù chiếm được một số nơi nhưng quân Pháp quyết định rút lui.
Sau thắng lợi từ nhiều trận đánh, thanh thế nghĩa quân lên rất cao, quân Pháp cũng bất lực không biết làm sao để đánh dẹp.
Nghĩa quân Tiên Động bị chia nhỏ
Cuối cùng người Pháp chỉ còn cách chiêu dụ Nguyễn Quang Bích, hứa hẹn rất nhiều bổng lộc với quan chức to. Nguyễn Quang Bích đã đáp trả rằng: “Thắng mà sống thì là nghĩa sĩ triều đình. Chẳng may mà thua mà chết thì cũng làm quỷ thiêng giết giặc. Ta thà chịu tội với nhất thời, quyết không mắc tội với vạn thế!”
Lúc này Nguyễn Quang Bích đến các vùng núi ở Yên Lập (thuộc Phú Thọ ngày nay) để củng cố phong trào chống quân Pháp ở đây.
Giữa lúc nghĩa quân phát triển mạnh, quân Pháp nhất thời không có biện pháp đối phó thì Nguyễn Quang Bích bị ốm nặng rồi qua đời.
Nguyễn Quang Bích thường dùng Đạo lý của Nho Gia để đối xử với tướng sĩ và dân chúng, vì thế mà ai cũng yêu quý xem trọng ông. Khi Nguyễn Qung Bích mất, không một ai có đủ uy tín như ông để lãnh đạo nghĩa quân, vì thế nghĩa quân bị chia nhỏ đi, không còn lớn mạnh như trước. Một tướng theo Nguyễn Quang Bích từ lâu là Đốc Ngữ (Đốc binh Nguyễn Đức Ngữ) đưa binh đến vùng Thanh Sơn lập căn cứ gọi là nghĩa quân Thanh Sơn. Đề Kiều dẫn quân đến vùng sông Thao. Tống Duy Tân đưa quân đến Hùng Lĩnh (Thanh Hoá).
(Còn nữa)
Trần Hưng
Mời xem video :