Cuộc chiến chống quân Pháp ở Bắc hà (P8)

Chia sẻ Facebook
08/08/2023 12:26:34

Sau Hòa ước Thiên Tân 1885, quân Thanh rút về nước. Các tướng sĩ nhà Nguyễn kháng lệnh Triều đình tổ chức những nghĩa quân Bắc hà chống...


Sau Hòa ước Thiên Tân 1885, quân Thanh và quân Cờ Đen rút về nước. Trong khi đó, các tướng sĩ nhà Nguyễn kháng lệnh Triều đình vẫn tổ chức những nghĩa quân Bắc hà chống lại quân Pháp.

Nghĩa quân Tiên Động

Nghĩa quân Tiên Động gắn liền với Nguyễn Quang Bích. Ông sinh năm 1832 ở làng Trình Phố, huyện Trực Định, hủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).

Theo lịch sử, ông vốn là họ Ngô, là dòng dõi Ngô Quyền và khai quốc công thần nhà Hậu Lê là Ngô Từ (ông ngoại vua Lê Thánh Tông). Đến đời ông nội thì chuyển sang họ Nguyễn.

Nguyễn Quang Bích là học trò của các bậc danh sĩ lúc bấy giờ như Hoàng Giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị, tiến sĩ Doãn Khuê. Năm 1869 thời vua Tự Đức, Nguyễn Quang Bích đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ đình nguyên (tức Hoàng giáp), được làm Tri phủ Lâm Thao (Phú Thọ ngày nay).

Chân dung Nguyễn Quang Bích. (Tranh: “Từ điển văn học” 2004, Nxb Thế giới, Wikipedia)

Trải qua các chức vụ khác nhau, Nguyễn Quang Bích được giao làm Tuần phủ Hưng Hóa. Tại đây ông phối hợp cùng Hoàng Kế Viêm đánh các băng đảng vốn là tàn dư của “Thái bình thiên quốc” như quân Cờ Trắng, Cờ Đen và Cờ Vàng.

Sau khi Hoàng Kế Viêm thu phục được quân Cờ Đen, Nguyễn Quang Bích đã gặp gỡ với thủ lĩnh quân Cờ Đen là Lưu Vĩnh Phúc. Qua những lần tiếp xúc, Nguyễn Quang Bích dùng đạo lý của Nho gia mà cảm hóa được vị thủ lĩnh này.


Lưu Vĩnh Phúc “thấy ông có lòng ái quốc nồng nhiệt, sở học lại quảng bác, đạo đức cao nên coi ông vào bậc thầy”. (Việt sử tân biên).

Nhận thấy Lưu Vĩnh Phúc có tinh thần bài Pháp, Nguyễn Quang Bích giới thiệu về Triều đình và phong cho làm “Bảo Thắng phòng ngự sứ”. Thời điểm này Triều đình chưa lệnh triệt thoái quân ngừng chống lại người Pháp.

Để đối phó với quân Cờ Trắng, Cờ Vàng, Nguyễn Quang Bích tổ chức các đội dân binh ở khắp vùng Tây Bắc. Mỗi đoàn quân có tầm 400 đến 1.000 tay súng, sau này trở thành lực lượng chủ yếu chống Pháp của người Việt.

Ngày 11/4/1884, quân Pháp cho 2 Lữ đoàn gồm 7.000 quân tiến đánh thành Hưng Hóa. 12.000 quân Thanh và 5.000 quân của Hoàng Kế Viêm rút đi. Chống giữ thành Hưng Hoá chỉ còn 3.000 quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc cùng 1.000 quân của Nguyễn Quang Bích.

Dù toàn quân đã quyết chiến nhưng quân Pháp đông hơn, lại trang bị vũ khí hiện đại, nên người Pháp đã tiến sâu vào thành. Thấy không thể giữ thành được, Nguyễn Quang Bích leo lên kính thiên đài trên cột cờ định tuẫn tiết. Các tướng sĩ khác đã quyết can ngăn ông lại, cùng đánh thoát ra ngoài. Sau đó họ lên ngựa chạy đến đình làng Tứ Mỹ, tính kế lâu dài chống quân Pháp.

Sau đó Nguyễn Quang Bích dẫn quân đến Tiên Động (thuộc Cẩm Khê, Phú Thọ ngày nay) xây dựng căn cứ vững chắc và dựng cờ nghĩa thêu 4 chữ “Bình Tây báo quốc”.

Vì Nguyễn Quang Bích là bậc sĩ phu tiêu biểu cho Bắc hà lúc đó, nên có nhiều thân hào nghĩa sĩ đứng dưới cờ. Khởi nghĩa Tiên Động trở thành trung tâm chống Pháp của người Việt ở Bắc hà lúc đó.

Tháng 6/1885, nhà Thanh và Pháp ký Hòa ước Thiên Tân 1885, quân Thanh và quân Cờ Đen rút hết về nước. Một tháng sau tức tháng 7/1885, vua Hàm Nghi ra dụ Cần Vương, lập tức phong trào chống Pháp nổ ra khắp nơi.

Vua Hàm Nghi cũng phong cho Nguyễn Quang Bích làm Hiệp biện Đại học sĩ, Lễ bộ thượng thư, sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, tước Thuần Trung hầu; lãnh nhiệm vụ tổ chức quân đội ở Bắc Kỳ. Các bậc sĩ phu ở xa cũng tìm về dưới cờ nghĩa cùng chung tay chống quân Pháp.

Trong hoàn cảnh Triều đình Huế đầu hàng Pháp, nghĩa quân không được trang bị vũ khí. Nguyễn Quang Bích sang Trung Quốc, có được mối quan hệ tốt với các quan lại phía nam. Các quan nhà Thanh không muốn Pháp có được vùng Bắc hà, vì thế mà giúp Nguyễn Quang Bích 600 khẩu súng và 60 hòm đạn. Dù số vũ khí này còn thô sơ so với vũ khí hiện đại của phương Tây nhưng cũng rất quan trọng trong giai đoạn xây dựng nghĩa quân.

Sự hoạt động lớn mạnh của nghĩa quân Bắc hà khiến người Pháp lo lắng. Ngay sau khi Hòa ước Thiên Tân 1885 được ký kết, quân Pháp rảnh tay bắt đầu tấn công các nghĩa quân ở Bắc hà. Mục tiêu đầu tiên của quân Pháp là cuộc khởi nghĩa Thanh Mai.

Nghĩa quân Thanh Mai đánh trận tiên phong

Bên cạnh cuộc khởi nghĩa  lớn nhất Bắc hà là khởi nghĩa Tiên Động của Nguyễn Quang Bích, thì cuộc khởi nghĩa Thanh Mai của Nguyễn Văn Giáp cũng rất lớn mạnh, khiến quân Pháp lo lắng.

Nguyễn Văn Giáp đỗ cử nhân, là người chỉ huy quân Việt cùng quân Cờ Đen anh dũng phòng thủ thành Sơn Tây. Khi thành thất thủ, Nguyễn Văn Giáp đưa quân đến Thanh Mai (xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) lập căn cứ chống Pháp.

Chân dung phác họa Nguyễn Văn Giáp tại nhà thờ họ. (Nguồn: Nguyễn Tất Thông, Wikipedia, Public Domain)

Nghĩa quân được người dân khắp nơi hưởng ứng, địa bàn hoạt động ngày càng lớn và trở thành cái gai trong mắt quân Pháp. Tháng 10/1885, quân Pháp huy động 6.000 quân chia làm 3 hướng vây căn cứ Thanh Mai, chặn đường rút của nghĩa quân, với kế hoạch chỉ một trận tiêu diệt toàn bộ.

Ngày 21/10/1885, cả 3 cánh quân Pháp đã vào vị trí bao vây nghĩa quân, đại bác quân Pháp bắn ầm ầm vào mục tiêu rồi bộ binh xông vào đánh, nhưng nghĩa quân kháng cự quyết liệt. Sau một ngày giao tranh, quân Pháp mới bắt đầu chiếm được các mục tiêu.

Nguyễn Văn Giáp quyết định cho quân mở đường rút lui để bào toàn lực lượng. Toàn quân rút đến Tuần Quán (Yên Bái).

Quân Pháp liền chia 4 cánh tiến đến vây chặt nghĩa quân ở Tuần Quán. Nghĩa quân chống cự kịch liệt, cuối cùng cũng tìm cách thoát ra được sự bao vây của quân Pháp. Trước sự truy đuổi của quân Pháp, Nguyễn Văn Giáp quyết định cho quân đến Tiên Động, hợp với quân của Nguyễn Quang Bích.

Từ đó Nguyễn Văn Giáp trở thành một trong những tướng trụ cột của nghĩa quân Tiên Động, giúp cuộc khởi nghĩa ngày càng mạnh hơn.

(Còn nữa)


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook