Cuộc chiến chống quân Pháp ở Bắc hà (P6)
Sau trận Hưng Hóa, Triều đình Đồng Khánh cho các quan đến Bắc hà kêu gọi dân chúng cùng binh lính ngừng chống quân Pháp. Nhưng bất chấp lệnh Vua, các cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra, tiêu biểu nhất lúc này là cuộc khởi nghĩa Tiên Động của Nguyễn Quang Bích. Trong khi đó, cuộc chiến giữa quân Pháp và quân Cờ Đen cùng quân Thanh vẫn tiếp tục.
Quân Cờ Đen vây thành Tuyên Quang
Quân Pháp tiếp tục cuộc đánh chiếm Bắc hà, sau Hưng Hoá là Tuyên Quang. Cuối tháng 5/1884, Thống tướng Charles Millot sai Trung tá Duchesne cùng 5 pháo hạm tiến đánh Tuyên Quang.
Sau trận Hưng Hoá, quân Cờ Đen rút đến Tuyên Quang. Khi Pháp đánh thành Tuyên Quang vào ngày 31/5, quân Cờ Đen chỉ cầm cự được 1 tiếng đồng hồ rồi rút chạy.
Quân Pháp bố trí quan lại của nhà nguyễn ở Tuyên Quang xong thì rút một bộ phận quân đi, chỉ để lại 630 quân.
Quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc và 12.000 quân Thanh của tướng Sầm Dục Anh bao vây tấn công quân Pháp ở thành Tuyên Quang, quân Pháp ở trong thành cố thủ.
Nhà Thanh và nhà Nguyễn lần lượt ký Hòa ước với Pháp
Sau trận Hưng Hóa, nhà Thanh trị tội các tướng, rồi cho thêm quân sang biên giới.
Các tướng nhà Thanh hội họp cùng với các quan binh nhà Nguyễn không bãi binh theo lệnh Triều đình để cùng chống quân Pháp như Lã Xuân Oai (Tuần phủ Lạng Sơn), Nguyễn Thiện Thuật (Tán tướng), Tạ Hiện (Đề đốc), Phạm Huy Quang (Ngự sử). Vì các quan binh này không tuân theo lệnh Triều đình nên nhiều nguồn sử xem họ là các cuộc khởi nghĩa ở Bắc hà.
Để tránh đụng độ nhau, Pháp và Thanh cùng ký Hòa ước Thiên Tân tháng 5/1884 nhằm giải quyết “cuộc chiến không tuyên bố” giữa 2 bên. Theo Hòa ước này thì nhà Thanh sẽ rút quân khỏi Bắc hà ở Đại Nam nhằm đổi lấy một số lợi ích thương mại giữa hai nước.
Thấy nhà Thanh đã ký hòa ước, nhà Nguyễn cũng ký Hòa ước giáp thân 1884 (còn gọi là Hòa ước Patenôtre) với Pháp. Theo đó công nhận quyền bảo hộ của Pháp. Phía Pháp cũng yêu cầu nhà Nguyễn từ bỏ việc thần phục nhà Thanh bằng cách giao nộp lại chiếc ấn bạc nặng gần 6 kg khắc hình lạc đà mà nhà Thanh dùng để phong vương cho vua Gia Long. Tuy nhiên nhà Nguyễn không đồng ý, kết quả hai bên quyết định nấu chiếc ấn này cho chảy ra để hủy đi.
Người Trung Quốc nương nhờ người Việt, tham gia chống ngoại xâm
Trận Bắc Lệ
Ngày 13/6, Tướng Millot cho 800 quân đến tiếp nhận lại thành Lạng Sơn từ quân Thanh, nhưng tới bờ sông Hóa (một nhánh của sông Thương) thuộc khu vực đồn Bắc Lệ thì quân Pháp bị quân Thanh và quân khởi nghĩa người Việt của Nguyễn Thiện Thuật, Tạ Hiện, Phạm Huy Quang chặn lại.
Ngày 23/6, quân Pháp dò tìm được khúc sông không sâu lắm nên liều mình vượt qua. Trước tình thế đối đầu, quân Pháp báo cho quân Thanh rằng theo Hòa ước Thiên Tân, quân Thanh phải rút khỏi Bắc hà. Các tướng nhà Thanh báo lại rằng chưa nhận được lệnh rút quân.
Quân Pháp đưa thư thông báo, sau 1 giờ nếu quân Thanh không rút thì quân Pháp vẫn tiến binh. Thế nhưng khi quân Pháp tiến binh thì quân Thanh cùng quân khởi nghĩa người Việt từ hai bên đường bắn vào quân Pháp, hai bên giao tranh đến tối thì bên Liên quân vây chặt quân Pháp. Không tiến được, quân Pháp phải rút về bên kia sông rồi báo tin về Hà Nội.
Theo Việt Nam sử lược, tướng Millot nhận được tin thì đưa thêm “2 đại đội quân bộ, 2 đội pháo binh và một toán công binh đi đường Phủ Lạng Thương qua làng Kép, lên tiếp ứng”.
Trận đánh ở Bắc Lệ tạo tiếng vang to lớn, tướng Millot xin được về nước, Thiếu tướng Brière de l’Isle lên thay thế và đưa thêm 1.000 quân từ Pháp sang, tiếp tục cuộc chiến ở Bắc hà.
Xem thêm:
Cuộc hải chiến giữa người Việt và người Tây phương vào thế kỷ 17
“Hòa ước Thiên Tân” bị phá bỏ, Pháp tấn công nhà Thanh trên biển
Thủ tướng Pháp là Jules Ferry liền đánh điện khẩn cho Lý Hồng Chương, để phản đối kịch liệt sự việc này. Vì nhà Thanh vi phạm Hòa ước Thiên Tân nên phải nộp phạt 250 triệu franc.
Hai bên lại phải ngồi vào bàn thương thuyết, nhưng qua thương thuyết suốt 7 tuần, những yêu cầu quá đáng của Pháp khiến nhà Thanh cũng không nhượng bộ được.
Ngày 5 tháng 8 năm 1884, Phó Đô đốc Amédée Courbet, chỉ huy hạm đội Đông Hải của Pháp, được lệnh nã súng tấn công bất ngờ pháo đài Cơ Long ở phía Bắc Đài Loan. Quân Pháp đổ bộ tấn công nhưng bị quân Thanh đánh bật lại nên phải rút lui.
Ngày 23/8, Courbet cho quân tấn công hải cảng Phúc Châu (Quảng Đông), dùng đại pháo bắn các pháo đài và chiến thuyền nhà Thanh. Rồi quân Pháp quay lại đánh chiếm pháo đài Cơ Long và quần đảo Bành Hổ ở Đài Loan.
Trận Tuyên Quang
Tại Bắc hà, quân Pháp cũng tấn công Lạng Sơn. Theo kế hoạch, quân Pháp có 2 đạo quân đánh Lạng Sơn, đạo quân thứ nhất do tướng De Négrier chỉ huy với 5 tiểu đoàn từ huyện Lục Ngạn, Bắc Giang tiến đánh núi Bóp. Đạo thứ 2 do Đại tá Giovanninelle chỉ huy.
Nhưng lúc này tình hình Tuyên Quang nguy cấp do bị quân Thanh và quân Cờ Đen bao vây. Tân chỉ huy Bắc hà là Brière de l’Isle phải cho đạo quân 5.000 người của Giovanninelle cùng 9 tàu chiến có đại bác đi giải cứu Tuyên Quang.
Quân Pháp bị vây ở thành Tuyên Quang trong khoảng thời gian rất dài, nhờ có vũ khí hiện đại phòng thủ nên quân Cờ Đen không tiến vào được. Cuốn “Việt Nam sử lược” mô tả rằng: “Lưu Vĩnh Phúc đem quân lên đánh thành Tuyên Quang; đánh mãi đến 15 tháng Chạp (1884) mới vây được thành. Quân Cờ Đen dùng đủ kế để phá thành, mà quân Pháp ở trong thành cũng cố hết sức để chống giữ”.
Khi Giovanninelle đến giải cứu thành Tuyên Quang, quân Pháp từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, cuộc chiến diễn ra rất ác liệt.
Trận đánh ác liệt nhất diễn ra khi Giovanninelle cho quân đến Hòa Mộc ở trên bờ sông Lô, cách thành Tuyên Quang chỉ vài dặm về phía đông nam. Tại đây quân Pháp gặp quân Cờ Đen.
Trận đánh ở Hòa Mộc bắt đầu từ sáng ngày 2/3 đến tận tối. Quân Cờ Đen đợi đến đêm thì phản công dữ dội khiến quân Pháp bị thiệt hại nặng nề. Đến sáng hôm sau thì quân Cờ Đen do đã bắn hết đạn nên phải rút đi, quân Pháp bị tử trận và bị thương rất nhiều.
Cuốn “Đại cương lịch sử Việt Nam” ghi chép rằng: “Trận địa lôi ở Hòa Mục (tức Hòa Mộc) cũng như trận đánh hầm ở quanh thành Tuyên, đều đã nêu cao tên của Lưu Vĩnh Phúc. Ông chính là một vị tướng tài cao trí cả nhất nhì trong suốt thời kỳ 40 năm kháng Pháp của dân tộc Việt Nam” . “Quân của Sầm Dục Anh tuy đông mà vẫn bất động, chỉ xem Lưu đoàn và nghĩa quân Việt Nam giáp chiến với 5.000 quân Pháp. Rồi sau đó, lại kéo nhau chạy làm nao núng hàng ngũ của Lưu, cộng thêm quân của Lưu cũng đã hết đạn, nên phải lui ra đóng ở ngòi Thanh Thủy”.
Về sự thiệt hại của quân Pháp, sách “Việt sử tân biên” ghi chép rằng: “Sau trận chiến này Pháp đã thiệt 1/3 quân số. Nhiều sĩ quan và binh lính Pháp đã ngã gục vì ống phun lửa, vì mìn và vì trái phá” . Tuy nhiên cũng có nguồn cho rằng “Việt sử tân biên” có thể đã tính cả số quân bị chết và bị thương.
Theo “Đại cương lịch sử Việt Nam” thì quân Thanh của Sầm Dục Anh đông nhất có đến 12.000 quân nhưng hầu như bất động, chỉ còn 3.000 quân Cờ Đen và nghĩa quân người Việt là thực sự tham gia chiến tranh dù ít hơn quân Pháp. Thủ lĩnh quân Cờ Đen là Lưu Vĩnh Phúc sau trận đánh đã nói rằng: “đã vào trăm trận, chưa có trận nào thắng lớn như trận này.”
(Còn nữa)
Trần Hưng
Phan Thanh Giản dưới mắt người Pháp qua vài tài liệu
Mời xem video :