Cuộc chiến chống quân Pháp ở Bắc hà (P5)

Chia sẻ Facebook
30/07/2023 01:39:32

Ngày 19/3, quân Pháp vào được thành Thái Nguyên. Sau khi ổn định được nơi đây, người Pháp tiến đến sông Hồng để chuẩn bị tiến đánh Hưng Hóa.


Sau khi chiếm được Bắc Ninh, quân Pháp truy đuổi theo quân Thanh, tướng Brière de l’Isle cho quân theo đường Lạng Sơn đánh chiếm phủ Lạng Thương và thị trấn Kép, đuổi theo quân Thanh đến con đường Chi Lăng hiểm trở mới quay trở lại.

Tướng De Négrier cho quân đuổi theo quân Thanh trên đường đi Thái Nguyên, đánh phá các đồn trại. Quân Việt chặn quân Pháp ở Đức Tân và Phú Bình nhưng không thành, quân Pháp tiến đến Thái Nguyên.

Quân Pháp đánh thành Thái Nguyên

Ở Thái Nguyên có 1.000 quân Việt do Thủ úy Nguyễn Quang Khoang chỉ huy và 5.000 quân Thanh do tướng Trần Đức Triều chỉ huy.

Quân Pháp cho quân tấn công Thái Nguyên, Nguyễn Quang Khoang chỉ huy quân Việt chống trả quyết liệt, mãi cho đến lúc ông bị trúng đạn ngã xuống. Quân Việt không có người chỉ huy nên tháo chạy, quân Thanh cũng nhanh chóng chạy thoát thân về Tuyên Quang và Cao Bằng.

Tranh trích từ bản đồ tỉnh lỵ Hưng Hóa năm 1893 thể hiện vị trí thành Hưng Hóa. (Tranh: Pailly, Gallica.bnf.fr, Wikipedia, Public Domain)

Lực lượng tấn công và phòng thủ thành Hưng Hóa

Hưng Hóa là vùng đất rất lớn ở Bắc hà, bao gồm các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, một phần lãnh thổ Lào và một phần tỉnh Vân Nam của Trung Quốc ngày nay. Thành Hưng Hóa nằm ở ven bờ đầm Dị Nậu thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ ngày nay.

Tướng Brière de l’Isle cùng Lữ đoàn 1 theo đường Sơn Tây, đến ngày 11/4 thì giao chiến với quân Thanh ở sông Đáy từ sáng đến 2 giờ chiều thì qua được sông. Quân Pháp đóng ở huyện Bất Bạt (Sơn Tây).

Ngày 12/4, tướng de Négrier cùng Lữ đoàn số 2 đến hợp quân với Lữ đoàn 1, nhưng đến Hạ Bì, La Thượng thì bị quân Việt đón đánh. Nhờ quân đông lại trang bị hiện đại nên quân Pháp vượt qua được. Hai cánh quân hợp lại có 7.000 quân tiến đánh Hưng Hóa.

Thấy quân Pháp sắp đến nơi, tướng chỉ huy quân Thanh là Sầm Dục Anh vội cho 12.000 quân rút đến Yên Bái.

Hoàng Kế Viêm đang đóng ở đồn Dao Phương, thấy quân Thanh rút liền cho quân về lại xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Sau đó Hoàng Kế Viêm cho quân từ Thục Luyện về Huế.

Tuần phủ Nguyễn Quang Bích lúc này đang ở thành Hưng Hóa không theo về Triều đình mà ở lại quyết chiến với quân Pháp.

Phòng thủ thành Hưng Hóa chỉ còn lại 3.000 quân Cờ Đen cùng 1.000 quân Việt của Tuần phủ Nguyễn Quang Bích. Lưu Vĩnh Phúc cho quân ra ngoài thành phòng thủ ở vòng ngoài.

Trận đánh không cân sức

Sau khi nã đại bác ầm ầm vào thành Hưng Hóa, quân Pháp cho quân tấn công. Trong lúc quân Cờ Đen yếu thế do ít quân thì quân Việt của 2 Đốc quân là Đốc Dị và Đốc Ngữ đến tiếp ứng, nhờ đó mà đẩy lui quân Pháp.

Tuy nhiên quân Pháp đông hơn rất nhiều lại trang bị vũ khí hiện đại tấn công liên tục, Liên quân liền rút vào trong thành Hưng Hóa tiếp tục chống cự.

Quân Pháp công phá, đánh sập được tường thành rồi tiến vào. Trước thế quân Pháp rất mạnh, Tuần phủ Nguyễn Quang Bích cùng đội quân Việt của mình anh dũng chống cự.

Quân Pháp tiến vào thành Hưng Hóa. (Tranh: Ibiblio.org, Wikipedia, Public Domain)

Theo lịch sử, Nguyễn Quang Bích vốn là họ Ngô, là dòng dõi Ngô Quyền và khai quốc công thần nhà Hậu Lê là Ngô Từ (ông ngoại vua Lê Thánh Tông). Đến đời ông nội thì chuyển sang họ Nguyễn. Nguyễn Quang Bích thi đỗ tiến sĩ thời vua Tự Đức, tức thuộc bậc sĩ phu lúc bấy giờ. Chính ông là người dùng đạo lý của Nho Gia cảm hóa được thủ lĩnh quân Cờ Đen là Lưu Vĩnh Phúc.

Nguyễn Quang Bích cùng quân chống cự mãi đến chiều tối thì quân Pháp tràn được vào phía trong, ông vẫn lùi về quyết chiến. Cuối cùng thấy không thể giữ được thành, ông định leo lên kính thiên đài trên cột cờ tuẫn tiết, nhưng các tướng sĩ khác đã quyết can ngăn. Tất cả cùng đánh thoát ra ngoài, lên ngựa chạy đến đình làng Tu My, lập căn cứ tiếp tục chống quân Pháp.

(Còn nữa)


Trần Hưng


Tham khảo từ “Việt sử tân biên”, “Việt Nam sử lược”


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook