Cuộc chiến chống quân Pháp ở Bắc hà (P1)

Chia sẻ Facebook
18/07/2023 08:24:23

Lực lượng chống Pháp ở miền bắc lúc đó gồm có quân của Hoàng Kế Viêm, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc và quân Thanh. Quân của Hoàng Kế Viêm...


Khi quân Pháp tiến ra miền bắc, Triều đình Huế không có ý định kháng cự mà chỉ hy vọng vào viêc đàm phán để hòa hoãn, đồng thời nhờ nhà Thanh giúp đỡ. Lực lượng chống Pháp ở miền bắc lúc đó gồm có quân của Hoàng Kế Viêm, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc và quân Thanh. Quân của Hoàng Kế Viêm bao gồm đội quân Vũ Dũng của dân tình nguyện chống Pháp và quân Triều đình không muốn tuân lệnh Triều đình. Nhà Thanh tham chiến chống Pháp vì không muốn Pháp chiếm được Đại Nam sẽ trở thành mối uy hiếp ở phía nam, đồng thời nhà Thanh cũng muốn duy trì ảnh hưởng đối với Đại Nam.

Quân Pháp. (Tranh: L. Huard, La guerre du Tonkin, Wikipedia, Public Domain)


Quân Pháp tiến đánh Bắc hà lần thứ nhất vào năm 1873, tuy chiếm được thành Hà Nội nhưng sau đó bị quân của Hoàng Kế Viêm và quân Cờ Đen đánh bại. Chỉ huy quân Pháp là Francis Garnier bị tử trận tại cầu Giấy. (Xem bài: Vị tướng quân Đại Nam kháng lệnh, 2 lần tiêu diệt chỉ huy Pháp – P1 )

Trước mối đe dọa của quân Pháp, vua Tự Đức liên tục hòa hoãn và cử sứ bộ sang nhà Thanh năm 1876 và 1880 để giải quyết nạn thổ phỉ tràn qua biên giới, chủ yếu là tàn dư Thái bình thiên quốc như quân Cờ Đen, Cờ Vàng, Cờ Trắng, v.v. đồng thời cầu viện nhà Thanh giúp chống Pháp.

Trong khi người Pháp muốn kiểm soát bắc bộ cùng con đường nối liền Hà Nội – Vân Nam, thì nhà Thanh không muốn sự hiện diện của Pháp ở phía nam vì bước tiếp theo người Pháp có thể sẽ tiến đánh Trung Hoa.

Quyết tử cùng thành Hà Nội

Trước tình hình quân Pháp sắp kéo ra Bắc hà, Phò mã Hoàng Kế Viêm cùng Tổng đốc Hà Nội – Ninh Bình là Hoàng Diệu cùng ký vào sớ xin Triều đình cho quân phòng thủ Bắc hà. Hoàng Diệu 3 lần dâng sớ về Triều đình xin chi viện nhưng không có hồi âm. Triều đình Huế tính đến việc hòa hoãn với Pháp chứ không muốn đưa quân chống lại.

Tháng 3/1882, đại tá Henri Rivière được cử làm chỉ huy, đưa đội quân với trang bị vũ khí đầy đủ ra Bắc hà.

Tháng 4/1882,  Henri Rivière gửi tối hậu thư yêu cầu giải binh, nhưng Hoàng Diệu khước từ. Quân Pháp lập tức tấn công và vấp phải sự quyết chiến đến cùng của Hoàng Diệu, binh lính và người dân Hà Nội.

Quân Pháp tấn công thành Hà Nội. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra ác liệt thì Việt gian do quân Pháp mua chuộc đã cho nổ tung kho thuốc súng, khói bụi mù mịt khắp trong thành khiến không nhìn thấy đường, nhờ đó quân Pháp phá được cổng thành phía tây và tràn vào.

Trong tình thế khó khăn, Hoàng Diệu vẫn bình tĩnh cùng binh lính cố ngăn quân Pháp. Nhưng một số quân Triều đình hoảng sợ đã bỏ thành mà chạy khiến quân số còn lại không đủ để giữ thành. Biết không thể giữ được thành, Hoàng Diệu lệnh cho binh sĩ rút hết, ông dùng máu viết tờ di biểu tạ tội rồi tuẫn quốc.

Chân dung Hoàng Diệu. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)


Đoạn cuối tờ di biểu của Hoàng Diệu viết rằng: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thần chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân Vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng.” (theo Việt sử toàn thư).

Lực lượng chống Pháp


Noi gương Hoàng Diệu, người dân Bắc hà thành lập những đội quân “Vũ Dũng” , theo Hoàng Kế Viêm để chống Pháp.

Lúc này vua Tự Đức muốn thương thuyết với người Pháp để hòa hoãn nên lệnh cho Hoàng Kế Viêm phải rút quân và giải tán các quân “Vũ Dũng” do các sĩ phu lập. Hoàng Kế Viêm bất tuân lệnh.

Triều đình Huế thương thảo với Pháp nhưng bị đổ vỡ do không thể đồng ý với các điều kiện khắc nghiệt của Pháp. Một lần nữa Triều đình cho người đến cầu viện nhà Thanh chống Pháp.


Tổng đốc Lưỡng Quảng là Trương Thụ Thanh làm mật sớ tâu với Hoàng đế nhà Thanh đại ý như sau: “Nước Nam và nước Tàu tiếp giáp với nhau mà thế lực nước Nam thật là suy hèn, không có thể tự chủ được nữa, vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ ở các tỉnh thượng du. Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy những tỉnh ở về phía bắc sông Hồng.” (theo Trần Trọng Kim)

Nhận thấy quân Pháp đã chiếm Hà Nội, tháng 6/1882, quân Thanh từ Vân Nam và Quảng Tây vượt biên giới vào Đại Nam, hợp với quân của viên tướng Phùng Tử Tài đã tiến sang trước đó từ năm 1878, đóng ở Bắc Ninh và Sơn Tây sẵn sàng chống lại quân Pháp.

Lúc này lực lựng chống Pháp ở Bắc hà bao gồm khoảng 15.000 quân của Hoàng Kế Viêm, 3.000 quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, quân Thanh trong quá trình chống Pháp sau này còn đưa thêm viện binh đến tổng cộng là 50.000 quân.

Trước nguy cơ chưa giữ được bắc Việt đã phải đụng độ nhà Thanh, tháng 11 năm 1882, Đại sứ Pháp ở Trung Quốc là Bourée đã gặp Lý Hồng Chương để đàm phán, theo đó phía bắc sông Hồng sẽ thuộc về nhà Thanh, phía nam sông Hồng sẽ do Pháp quản lý. Lý Hồng Chương đồng ý với điều này và chuyển về cho nhà Thanh phê chuẩn.

Tuy nhiên chính phủ Pháp không đồng ý với thỏa thuận này, triệu hồi Đại sứ Bourée về nước.

Đụng độ với quân Nam Định

Sau khi chiếm thành Hà Nội, quân Pháp bắt đầu mở rộng đánh chiếm Bắc hà. Ngày 12/3, Pháp chiếm mỏ than Hòn Gai, rồi chuẩn bị tiến đánh tiếp vào Nam Định.

Lúc này Tổng đốc Nam định đã huy động 10.000 quân dân xây dựng công trình quân sự nên Rivière phải xin tiếp viện. Sau khi nhận tiếp viện thêm quân từ Gia Định, Rivière để 400 quân giữ thành Hà Nội, còn lại tiến đánh Nam Định.

Chỉ huy quân Pháp ở Bắc Hà Henri Rivière. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Quân Pháp huy động lực lượng lớn cùng vũ khí hiện đại nhất có được để đánh Nam Định, bao gồm tuần thám hạm Pluvier, pháo thuyền Fanfare, La Hache, Yalagan, Carabine, La Surprise, tàu hơi nước; các tàu thuyền vận chuyển loại nhỏ như Kiang Nam, Tonkin, Whampoa và 4 ghe mành. Về quân số có 800 quân Pháp cùng một đội ngụy quân.

Quân dân Nam Định dù chuẩn bị trước và chống trả kiên cường, nhưng đứng trước vũ khí hiện đại phương tây đã không giữ được, 200 binh sĩ tử trận. Quân Pháp thiệt hại ít nhưng sĩ quan cao cấp là trung tá Carreau bị tử trận.

Việc mất đi những sĩ quan cao cấp khiến chính phủ Pháp lo lắng và hạ lệnh quân Pháp ở Bắc hà chỉ can thiệp khi thấy cần thiết. Quyết định này cho thấy người Pháp lưỡng lự trước những thiệt hại khi đưa quân ra Bắc hà.


Nhận thấy quân Pháp điều một phần lớn quân đi đánh Nam Định, đêm 26 rạng sáng ngày 27/3, Hoàng Kế Viêm liền đưa 4.000 quân tiến đánh thành Hà Nội, phá kho thóc. Sáng ngày 27 quân Pháp ở Hà Nội tiến đánh quân Đại Nam đang trú ở làng Gia Quất và Thượng Cát, dù có quân đông hơn nhưng đứng trước vũ khí hiện đại và hỏa lực mạnh của quân Pháp, Hoàng Kế Viêm phải lui quân. (Theo “Lịch sử cận đại Việt Nam” )

Tuy nhiên lúc này quân Cờ Đen tiến đến phối hợp với quân Đại Nam vây thành Hà Nội, quân Thanh cũng đến hỗ trợ. Nhận thấy thành Hà Nội lâm nguy, Rivière vội cho quân từ Nam Định về phòng thủ chặt thành Hà Nội, đồng thời xin thêm viện binh.

(Còn nữa)


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook