Cuộc chiến chống lạm phát tại châu Á nhắm vào nguồn cung
Những nỗ lực khác nhau của các quốc gia châu Á đã chuyển phần lớn gánh nặng chi phí từ người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ sang bảng cân đối kế toán của chính phủ.
Từ lệnh cấm xuất khẩu cho đến kiểm soát giá, các chính phủ ở châu Á đang thực hiện cách tiếp cận có mục tiêu hơn so với các quốc gia phương Tây trong việc kiềm chế áp lực lạm phát toàn cầu.
Trong khi lạm phát vẫn là một thách thức kinh tế lớn tại châu Á, nhiều quốc gia đã triển khai các biện pháp giúp bảo vệ người dân khỏi những đợt tăng giá. Điều đó đồng nghĩa rằng hầu hết các ngân hàng trung ương trong khu vực không phải thực hiện tăng lãi suất nhanh chóng như ở những nơi khác.
Ông Mohamed Faiz Nagutha, chuyên gia kinh tế về khu vực ASEAN tại Bank of America Securities, chia sẻ với hãng tin CNBC trong tháng 5: “Lạm phát lương thực tại ASEAN nói riêng đã ít biến động hơn một chút và kiềm chế hơn so với trước đây, bởi giá lương thực phụ thuộc nhiều vào thương mại nội khối và các chính phủ có nhiều sự hỗ trợ để ổn định giá hàng hoá”.
Kiểm soát nguồn cung
Ông Baskoro Santoso, làm việc tại bộ phận quan hệ đầu tư của hãng sản xuất đồ ăn nhanh Mayora Indah (MYOR.JK) ở Indonesia, cho biết: “Chúng tôi chưa ghi nhận sức mua bị suy yếu”.
Ông chia sẻ thêm rằng công ty đã điều chỉnh giá từ nửa cuối năm ngoái nhưng giá nguyên liệu đã không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong suốt thời gian lễ hội Ramadan.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á với lịch sử nhiều biến động tài chính và thay đổi giá cả, tuần trước đã nâng trợ cấp năng lượng thêm 24 tỷ USD để kiềm chế chi phí năng lượng sau khi vừa tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ.
Mặc dù nhiều nhà bán lẻ ở Indonesia đã tăng giá nhưng nhu cầu của các gia đình vẫn mạnh mẽ và lạm phát nằm trong khoảng mục tiêu 2-4% của ngân hàng trung ương.
Tại Hàn Quốc, giới hạn của chính phủ đối với hóa đơn tiền điện đã giúp mang lại lợi thế cạnh tranh cho các hãng sản xuất toàn cầu như Samsung Electronics (005930.KS) và Hyundai Motor (005380.KS), đồng thời hỗ trợ thu nhập khả dụng của các hộ gia đình.
Tuy nhiên, giới hạn này đã gây khó khăn đối với công ty điện lực nhà nước Korea Electric Power Corp (015760.KS). Công ty đã báo cáo mức lỗ kỷ lục hàng quý do chi phí nhập khẩu nhiên liệu tăng mạnh.
Trong tháng này, Ấn Độ đã tuyên bố ngừng xuất khẩu lúa mì do đợt nắng nóng làm sản lượng sụt giảm và đẩy giá nội địa lên mức cao kỷ lục.
Vào tuần này, Malaysia cho biết sẽ ngừng xuất khẩu 3,6 triệu con gà hàng tháng kể từ tháng 6 cho đến khi giá trở nên ổn định. Quốc gia này cũng thực hiện các cơ chế trợ giá nhiên liệu và dầu ăn.
Ông Gareth Leather, nhà kinh tế cấp cao về khu vực châu Á cấp cao tại công ty nghiên cứu Capital Economics, cho biết các khoản trợ cấp nhiên liệu nặng và phương tiện giao thông của Malaysia có thể đã giúp giảm khoảng 1,5 điểm phần trăm lạm phát của nước này, vốn ở mức 2,3% vào tháng 4.
Sự can thiệp vào nguồn cung trong nước không phải là biện pháp quá mới mẻ đối với nhiều chính phủ châu Á, họ vốn nhạy cảm với phản ứng trái chiều của công chúng về việc tăng giá. Bên cạnh đó, các cải cách kinh tế và sự tập trung vào kỷ luật tài khóa trong thập kỷ qua đã tạo cơ hội cho các lực lượng thị trường.
Chính sách kiểm soát lạm phát
Ngược lại, các chính phủ phương Tây không muốn can thiệp sâu vào dây chuyền sản xuất để hạ giá các mặt hàng chủ chốt như lương thực và nhiên liệu. Lạm phát của Mỹ và Anh hiện đã đạt mức cao nhất trong thập kỷ, dẫn tới sự sụt giảm về lợi nhuận của các nhà bán lẻ và sức chi tiêu của người tiêu dùng.
Sức ép kiểm soát đà tăng giá ở châu Âu và Mỹ chủ yếu được điều chỉnh bởi chính sách tiền tệ, với việc các ngân hàng trung ương tại Mỹ, Anh và Canada hiện đang lên các kế hoạch nâng lãi suất.
Điều đó trái ngược với triển vọng chính sách ở Đông Nam Á, nơi hầu hết các ngân hàng trung ương gần đây mới bắt đầu chuyển hướng một cách thận trọng khỏi lãi suất cực thấp. Tại khu vực này, việc thắt chặt chính sách tiền tệ dự kiến sẽ được thực hiện một cách từ từ hơn so với các nước phương Tây.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan mới đây đã cho biết nước này không cần phải tăng lãi suất theo sau Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, bởi các yếu tố trong nước và sự phục hồi kinh tế là vấn đề chính để xác định chính sách.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput chia sẻ với các phóng viên bên lề một hội thảo kinh doanh rằng vị thế đối ngoại của đất nước vẫn vững chắc với nợ nước ngoài thấp trong khi dự trữ ngoại hối ở mức cao.
Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã cam kết tiếp tục hỗ trợ tiền tệ cho sự phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, nhiều nhà bán lẻ ở Thái Lan vẫn cảm thấy áp lực khi khách hàng không hài lòng với sự tăng giá.
Ông Radavadee Ratanachaiuchukorn, chủ tịch công ty xuất khẩu trái cây tươi Chotakkarasup Co Ltd tại Thái Lan, cho biết: “Chúng tôi thường thu được lợi nhuận lớn vào cao điểm của mùa sầu riêng. Nhưng chi phí cao hơn đang khiến chúng tôi khó có được tỷ suất lợi nhuận. Điều này thực sự khiến chúng tôi đau đầu và buộc phải tăng giá đối với các đơn hàng mới, nếu không sẽ không thể tồn tại" .
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, CNBC)