Cung ứng điện khó khăn, các dự án điện của 3 ‘ông lớn’ EVN, PVN, TKV lại chậm

Chia sẻ Facebook
30/05/2022 22:52:53

Việc đảm bảo cung ứng điện thời gian tới gặp nhiều khó khăn, trong khi các nguồn điện dự kiến hoàn thành luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải, dẫn tới có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng 5, 6, 7.

Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 vừa được hòa lưới với tổ máy số 1 nhưng đã bị chậm tiến độ trong nhiều năm - Ảnh: PVN

Nội dung trên được nêu trong báo cáo về tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch 7 điều chỉnh) của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, hiện nay tổng công suất lắp đặt các nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020, riêng nguồn năng lượng tái tạo là 20.670 MW, chiếm tỉ trọng 27%.


Qua tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc cho thấy việc đảm bảo cung ứng điện thời gian tới gặp nhiều khó khăn. Trong đó, với miền Bắc nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước.

Trong khi đó, các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành giai đoạn 2022 - 2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải, nên việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn. Có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng 5, 6, 7 là thời điểm nắng nóng cuối mùa khô, công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm. Việc hỗ trợ cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc bị giới hạn bởi năng lực truyền tải 500 kV Bắc - Trung.

Với miền Trung và miền Nam, dù cơ bản đáp ứng cung ứng điện trong cả giai đoạn 2022 - 2025, nhưng vẫn tiềm ẩn khó khăn trong trường hợp nhu cầu điện tăng trưởng theo kịch bản cao hoặc các nguồn điện lớn bị chậm tiến độ.


Theo đó, với các dự án do EVN làm chủ đầu tư, hiện nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng đã khởi công, đang xử lý sạt trượt tại hố móng để sớm thi công trở lại.

Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng đã thi công từ tháng 5, cơ bản bám sát tiến độ và hoàn thành hạng mục thi công, thương thảo và ký kết hợp đồng gói thầu cung cấp thiết bị. Song, dự án bị chậm tiến độ do thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 cũng đang thi công, dự kiến phát điện thương mại vào năm 2025.

Một số dự án đang triển khai các bước đầu tư như nhiệt điện Quảng Trạch 2 dự kiến chuyển từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí và nâng công suất từ 1.200 MW lên 3.000 MW; trung tâm điện lực Ô Môn gồm nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3 đề xuất vay vốn ODA, nhiệt điện Ô Môn 4 đã hoàn tất thủ tục đấu thầu quốc tế gói thầu EPC; trung tâm điện lực Dung Quất gồm nhiệt điện Dung Quất 1 và 2, thủy điện Trị An mở rộng và thủy điện tích năng Bác Ái.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hiện đang thực hiện đầu tư 9 dự án trọng điểm với tổng công suất 8.100 MW, nhưng tất cả các dự án này đều gặp khó khăn, vướng mắc không thể hoàn thành theo tiến độ.

Bao gồm dự án đang thi công như nhiệt điện Thái Bình 2, đang xử lý khó khăn về pháp lý, đã hoàn thành đốt dầu lần đầu, hòa lưới; dự án nhiệt điện Sông Hậu 2 đạt tiến độ 99,99%, ký kết hợp đồng mua bán điện chuẩn bị cho vận hành thương mại; nhiệt điện Long Phú 1 đang đàm phán với PM và nhà thầu phụ về phương án hòa giải…

Ngoài ra, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện 4 dự án với tổng công suất 2.950 MW, nhưng cũng đều gặp khó khăn, vướng mắc. Trong số này có 2 dự án không có khả năng tiếp tục triển khai gồm Cẩm Phả 3 và Hải Phòng 3.

Bộ Công thương cũng đang quản lý và theo dõi 20 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT, với tổng công suất 26.000 MW. Hiện đã có 6 dự án đi vào vận hành thương mại, 2 dự án đang triển khai xây dựng, 2 dự án đã ký chính thức hợp đồng BOT và nhà đầu tư đang thu xếp tài chính; các dự án IPP có 10 dự án với công suất 11.092 MW, cũng đang chậm tiến độ…

Nguy cơ thiếu điện từ mùa khô năm nay đã được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cảnh báo khi nhu cầu tiêu dùng điện tăng lại do nền kinh tế trên đà phục hồi. Trong khi đó, than lại thiếu khiến nhiều tổ máy nhiệt điện phải giảm công suất.

Chia sẻ Facebook