'Cứng' như Nga: Phương Tây áp giá trần 60 USD/thùng, Nga vẫn bán dầu ở mức 79 USD
Theo các chuyên gia, việc Nga vẫn có thể bán dầu với giá cao cho thấy động thái áp giá trần của phương Tây đã không mang lại hiệu quả tức thì.
Trích dẫn số liệu từ dịch vụ dữ liệu thị trường toàn cầu Refinitiv ngày 5/12, hãng tin Reuters xác nhận dầu ESPO Blend, một trong những mặt hàng dầu thô xuất khẩu chủ lực của Nga, đang được bán khỏi cảng Kozmino ở vùng Viễn Đông với giá khoảng 79 USD/thùng.
Mức giá trên cao hơn 30% so với giá trần 60 USD/thùng với dầu Nga xuất khẩu đường biển mà các nước Liên minh châu Âu (EU), G7 và Australia đã áp đặt từ ngày 5/12.
Ngay sau khi có mức giá trần, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố Nga sẽ không chấp nhận mức giá trần do phương Tây áp đặt, ngay cả khi Moscow phải chấp nhận giảm sản lượng dầu.
Ông khẳng định: "Chúng tôi sẽ chỉ bán dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho những quốc gia hợp tác với chúng tôi theo các điều kiện thị trường, ngay cả khi chúng tôi phải giảm một chút sản lượng".
Phó thủ tướng Nga cảnh báo giới hạn của phương Tây có thể gây ra rắc rối trên thị trường và ảnh hưởng đến các quốc gia khác.
Bán dầu và khí đốt cho châu Âu là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Nga, kể từ khi các nhà địa chất Liên Xô tìm thấy dầu và khí đốt ở vùng đầm lầy Siberia sau Thế chiến thứ 2.
Theo Reuters, Nga mỗi năm xuất khẩu 65 triệu tấn dầu ESPO Blend thông qua tuyến đường ống Đông Siberia-Thái Bình Dương (ESPO) chạy xuyên Siberia, trong số đó, 35 triệu tấn được bơm lên các tàu hàng ở cảng Kozmino.
Trước đây, dầu ESPO Blend chủ yếu được bán cho khách hàng châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhật Bản, một thành viên G7, ngày 5/12 xác nhận họ tuân thủ giá trần dầu Nga do G7 ban bố, nhưng loại trừ phần dầu nhập từ nhà máy Sakhalin-2.
Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới. Nếu không có giới hạn giá trần của G7 và EU, Nga hoàn toàn có thể tìm được khách mua mới với giá thị trường.
Với biện pháp áp giá trần, các công ty bảo hiểm và các công ty vận chuyển sẽ chỉ có thể giao dịch với dầu thô của Nga nếu chúng được định giá bằng hoặc thấp hơn mức trần 60 USD/thùng.
Đáng chú ý, quốc gia Ấn Độ cho biết họ sẽ tiếp tục mua dầu thô của Nga ngay cả khi lệnh cấm vận và áp giá trần có hiệu lực kể từ ngày 5/12, một quan chức của Bộ Dầu mỏ Ấn Độ cho biết.
Trước đó, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều mua dầu thô từ Nga với mức chiết khấu lớn 33,28 USD so với dầu Brent, có nghĩa là họ đã mua rất tốt dưới mức giá trần.
Tham khảo: Reuters