Cùng làm để cùng phát triển

Chia sẻ Facebook
28/05/2022 01:09:10

Câu chuyện liên kết vùng đã được đặt ra từ lâu nhưng đến nay đâu đó vẫn còn thiếu kết nối. Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để tạo ra liên kết vùng chính là kết nối giao thông.

Sơ đồ đường vành đai 4 TP.HCM - Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP.HCM


Liên tiếp những ngày qua, các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều có những động thái cụ thể, rõ ràng để cùng nhau làm đường giao thông kết nối.


Điển hình giữa tháng 4-2022, hai người đứng đầu của chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đã cùng nghe đơn vị tư vấn trình bày về dự án đường vành đai 4 đoạn đi qua hai tỉnh. Hai tỉnh cam kết sẽ cùng nhau khởi công, xây dựng đường vành đai 4 đoạn đi qua hai tỉnh để tạo sự liên kết.

Đến giữa tháng 5-2022, Sở GTVT TP.HCM tổ chức lấy ý kiến của 4 sở GTVT - nơi có đường vành đai 4 đi qua - về quy mô, hướng tuyến, phương án đầu tư, tiến độ... để cùng phối hợp triển khai làm con đường này.

Mới đây nhất, HĐND tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra nghị quyết dành hàng ngàn tỉ đồng để giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trong đó tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết nghị giải ngân 670 tỉ đồng ngay trong năm 2022.

Trong khi đó, tỉnh Đắk Nông cũng vừa thống nhất sẽ trích 1.000 tỉ đồng làm kinh phí đối ứng giải phóng mặt bằng cho cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Hệ quả của việc thiếu kết nối là thế mạnh của tỉnh này không thể bù đắp hết cho điểm yếu của tỉnh lân cận, nói rõ hơn là các tỉnh này không thể tận dụng được lợi thế của tỉnh bên mà đành chịu yếm thế. Tất cả đều vì thiếu đường đi thông suốt hoặc đường đi có thông nhưng lại không đồng bộ.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo sát sao, cụ thể để khắc phục tình trạng trên như giao cho các tỉnh thành có đường vành đai 4 đi qua là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án vào tháng 9-2021.

Tiếp đến giữa tháng 5-2022, công điện của Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh thành tổ chức họp, trình HĐND để thông qua số vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho dự án thành phần của dự án cao tốc đi qua tỉnh mình. Theo đó có 3 dự án cao tốc được Thủ tướng chỉ đạo gồm: Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Những nhà sản xuất công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương ước mơ có đường vành đai 4 đi thẳng từ nhà máy của họ đến với cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) một cách thuận tiện, nhanh chóng. Bởi có con đường này thì hàng hóa của họ mới dễ dàng xuất khẩu, nguyên liệu đầu vào từ cảng về ngay nhà xưởng.

Hiện cao tốc TP.HCM - Dầu Giây đã sử dụng, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang làm. Nếu cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được các chủ đầu tư triển khai đồng bộ, hoàn thành càng sớm thì sự kết nối giữa các tỉnh với cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu càng nhanh.

Quan trọng hơn nữa, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nếu hoàn thành đúng tiến độ thì cũng là lúc sân bay quốc tế Long Thành đưa vào khai thác. Lúc đó, vai trò của cao tốc này càng phát huy, thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế nội vùng, liên vùng càng mạnh mẽ.

Cuối cùng, các chủ đầu tư và các địa phương phải có cùng một tiếng nói, một cam kết rõ ràng như ông Nguyễn Văn Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định:"Chúng tôi sẽ cùng nhau làm đường vành đai 4. Cùng làm để cùng phát triển!".

Sáng 20-5, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành kỳ họp chuyên đề thứ 5, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã xem xét, quyết định chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô.

Chia sẻ Facebook