Cùng đội ngũ áo trắng 'vượt bão'
Có sai phạm là phải xử lý nhưng không vì những sai phạm, không vì hàng loạt cán bộ, lãnh đạo bị vướng vào vòng lao ý mà làm ảnh hưởng đến hệ thống y tế, đội ngũ y bác sĩ lo lắng và hệ lụy là sức khỏe của mọi người dân bị vạ lây.
Ông Trịnh Xuân An, ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về "bóng mây u ám" đang bao phủ ngành y tế sau khi hàng loạt cán bộ, lãnh đạo ngành này bị bắt giữ do những sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á cùng một số vấn đề khác. Ông An nói: Đúng là chúng ta phải xử lý nghiêm, bởi thực trạng trên là hệ quả của một chuỗi sai lầm. Nhưng sai thì phải xử lý và vẫn phải làm nghiêm hơn nữa, không chỉ trong lĩnh vực y tế, chống dịch, đặc biệt những vụ việc lớn vừa rồi như giải cứu công dân, lũng đoạn trên thị trường tài chính...
* Sai thì phải xử lý, nhưng những vụ việc vừa qua liên quan đến cán bộ, lãnh đạo cấp cao ngành y tế làm "khủng hoảng niềm tin" với ngành, một bộ phận cán bộ đang làm việc cũng lo sợ, ngại trách nhiệm, thưa ông?
Nhưng chúng ta phải có nhìn nhận một cách trực diện, để cùng củng cố, bắt tay ngay vào việc ổn định và tạo điều kiện cho hệ thống y tế đổi mới, không được đánh rơi đi những kết quả mà chúng ta đã nỗ lực trong nhiều năm, đó là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
* Có tình trạng nhiều bệnh viện đang thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế do mọi hoạt động đấu thầu mua sắm đều bị ngưng lại vì lo sai phạm..., gây ảnh hưởng đến bệnh nhân. Phải chăng chúng ta chưa quan tâm tới xây dựng cơ chế, chính sách để cán bộ yên tâm làm việc?
- Đúng là những vụ việc vừa qua đã gây tác động không nhỏ đến ngành y. Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế không dám mua trang thiết bị, không dám triển khai công việc... Ngoài vấn đề tâm lý, quy định cũng chưa rõ.
Ngành y tế vừa trải qua giai đoạn chống dịch, lại gặp biến cố này trong khi việc xây dựng hệ thống chính sách có vẻ như không được quan tâm đúng mức. Như với quy định về mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, rồi vấn đề xã hội hóa, dù đã có nhưng không phù hợp, không sửa đổi kịp thời.
Do đó, khâu xây dựng chính sách là quan trọng, phải bắt tay vào ngay, đặc biệt là hệ thống chính sách y tế, Luật khám chữa bệnh còn nhiều vấn đề mà người dân quan tâm, như giá dịch vụ y tế, xã hội hóa, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ y bác sĩ ở các cơ sở khám chữa bệnh. Nếu không làm sớm, hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ.
* Những hệ lụy nào có thể xảy ra nếu để tình trạng này kéo dài, thưa ông?
- Đó là chất lượng khám chữa bệnh, nếu không quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị y tế. Nguy hiểm hơn là nếu không chăm lo đội ngũ y bác sĩ, những cán bộ bác sĩ chất lượng cao sẽ rời bỏ bệnh viện công, hệ thống y tế công sẽ có nguy cơ bị vỡ.
Ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, y tế đều là một trong những trụ cột của an sinh xã hội. Do đó, nếu hệ thống y tế công gặp trục trặc, hệ quả sẽ rất nghiêm trọng. Chúng ta không thể vì một vài người, nhất là ngành y tế đã làm rất tốt trong giai đoạn chống dịch vừa rồi, mà để ngành y tế có những hệ lụy không tốt như nêu trên. Điều quan trọng nhất là không được quy chụp quá với ngành y tế là mọi thứ đều xấu.
* Vậy theo ông, cần làm gì để vừa ổn định tâm lý cán bộ và "vực dậy" ngành, thực hiện tốt vai trò nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân?
- Trước hết, theo tôi, cần phải chọn một người đủ khả năng để chèo lái ngành, một tư lệnh ngành có đủ bản lĩnh, giải quyết từng việc, những bất cập trong ngành.
Có những vấn đề cần phải làm quyết liệt, mạnh mẽ, nghiêm túc và trách nhiệm hơn. Ví dụ như việc chi hỗ trợ ngành y nói chung và đội ngũ y bác sĩ nói riêng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết định, có nghị quyết rồi nhưng đến nay nhiều bác sĩ đi trực chống dịch chưa nhận được đồng nào.
Cái gì hỗ trợ cho ngành y, cái gì tháo gỡ được phải tháo gỡ ngay, như các quy định liên quan xã hội hóa, đầu tư trang thiết bị máy móc, cần làm ngay chứ không thể để dừng hết lại như hiện nay. Trước mắt phải ổn định tâm lý, có người đứng ra chèo lái vững vàng để các bệnh viện, cơ sở y tế... được hoạt động theo cơ chế bình thường; mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm bình thường phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh.
Về lâu dài cần có đường hướng sửa đổi Luật khám chữa bệnh và các quy định khác còn bất cập một cách bài bản.
* Phải bảo vệ người dám nghĩ dám làm là cơ chế mà trung ương đã khuyến khích. Với ngành y tế, ông cho rằng cần thực hiện thế nào?
- Điều quan trọng nhất là phải bảo vệ được người tốt bằng hệ thống pháp luật, sự công bằng và công tội thưởng phạt công minh.
Người có tội phải bị xử lý nhưng người có công phải được khen thưởng rõ ràng. Theo đó, phải có hệ thống quy định pháp luật ngăn chặn được sự lạm dụng hoặc giải thích thế nào cũng được, tránh để người thi hành công vụ gặp nhiều bất lợi, khó khăn. Trong thực tế, do quy định chưa đầy đủ, có kẽ hở khiến nhiều người có tâm tốt cũng vướng vào vòng lao lý. Có người ví von là rủi ro cho người làm công tác quản lý rất cao, khi hệ thống pháp luật không đầy đủ và đồng bộ.
Bảo vệ người dám nghĩ dám làm, đôi khi phải chấp nhận sự mạo hiểm, mạnh dạn, tức chúng ta tin với cán bộ, chấp nhận rủi ro nhất định.
Ông Nguyễn Huy Quang (nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế):
Cần động viên kịp thời cán bộ, nhân viên y tế
Những cán bộ bị bắt vừa rồi chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong nửa triệu cán bộ ngành y. Do đó, ngoài việc xử lý những cá nhân vi phạm, cần phải ghi nhận một cách công tâm và khách quan những thành tích của ngành y tế nói chung và của cán bộ, thầy thuốc, nhân viên y tế nói riêng. Phải tiếp tục tôn vinh những thầy thuốc, nhân viên y tế hăng say, tận tâm cấp cứu, điều trị cho người bệnh, những người làm công tác thầm lặng như y tế dự phòng, công tác xã hội trong bệnh viện...
Ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, lương tâm và đạo đức. Nhưng người không sai mà đang vất vả, hy sinh cần phải có sự đánh giá đúng mức để tôn vinh. Trong thực tế, ở các đợt dịch vừa qua, các cán bộ y tế đã đóng góp rất tích cực vào việc bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, đừng để các vụ án vừa qua như một cơn bão xóa nhòa các thành tựu. Thậm chí, nhiều cán bộ y tế còn bị nợ lương, phụ cấp nhưng khối lượng công việc rất nhiều đã vắt kiệt sức cả thể chất, tinh thần của nhiều y bác sĩ.
Tư tưởng cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành y đang rất hoang mang, nặng nề, có khi cả chán chường. Chúng tôi mong các vụ án sớm kết thúc để ổn định tư tưởng trong ngành y. Nếu không, sự lo lắng vẫn còn, không khí ảm đạm, có khi không ai dám quyết, thực tiễn nảy sinh không xử lý được vì sợ trách nhiệm. Phải ổn định lại hoạt động, tổ chức của cơ sở y tế và cơ quan quản lý nhà nước ngành y, nếu không lối suy nghĩ tiêu cực sẽ ngự trị trong tâm lý của đội ngũ quản lý, thầy thuốc và nhân viên y tế. Nếu để càng lâu, hệ quả đối với ngành y và với người bệnh càng lớn.
Ngoài ra, phải có một thể chế pháp lý rõ ràng. Trong điều kiện ngân sách ít ỏi mà bệnh viện tự chủ thì thế nào là tự chủ, tự chủ như thế nào, Nhà nước chi bao nhiêu tiền và chi đến đâu. Ở dự phòng chi như thế nào, khoa khám bệnh bảo hiểm y tế ra làm sao và liên doanh liên kết, xã hội hóa y tế như thế nào, đấu thầu thuốc, trang thiết bị ra làm sao... Phải rõ ràng thể chế pháp lý cho ngành y trong xã hội hóa, liên doanh, liên kết, xác định giá dịch vụ, trang thiết bị như thế nào, chứ không thể mỗi nơi một giá sẽ gây bức xúc trong dư luận.
LAN ANH - PHẠM TUẤN
Một cán bộ quản lý ngành y tế ở TP.HCM
Nhiều giám đốc bệnh viện nhụt chí
Việc hàng loạt cán bộ bị xử lý kỷ luật, bị bắt bớ vừa qua có sự tác động rất lớn đến tâm lý của những người làm trong ngành y, đặc biệt với những người trực tiếp liên quan đến công tác quản lý bệnh viện. Nhiều giám đốc bệnh viện khá nhụt chí, thậm chí không còn tha thiết ngồi ở vị trí này nữa. Để tiếp sức vực dậy ngành y, theo tôi, Nhà nước cần có các hướng dẫn hoặc một cơ chế, chính sách rõ ràng để động viên, bảo vệ nguồn cán bộ, đặc biệt những cán bộ quản lý.
Bởi với cơ chế hiện nay, ai cũng có thể dính sai phạm bất cứ lúc nào. Trong các tiêu chí, tiêu chuẩn bổ nhiệm một người đứng đầu bệnh viện không có quy định bắt buộc phải học các quy định của luật, nhất là đấu thầu trang thiết bị để phục vụ hoạt động của cơ sở y tế, chưa kể các quy định cứ thay đổi liên tục. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chuyên môn. Nhưng đây cũng là một bài học lớn cho ngành y tế, đặc biệt là những cán bộ quản lý bệnh viện. Nhiều người đã chủ động đi học các khóa bổ sung kiến thức về luật, dành thời gian tìm hiểu các quy định về đấu thầu, mua sắm các trang thiết bị, thuốc men... vừa bảo vệ được chính mình, vừa có cơ hội phát triển bệnh viện phục vụ nhu cầu người bệnh trong phạm vi quy định cho phép.
Giám đốc bệnh viện hạng 1 ở TP.HCM
Thanh tra, kiểm tra đều bị vướng
Khi quản lý một bệnh viện, nếu muốn hoạt động tốt, muốn nâng cao được chất lượng, muốn triển khai được kỹ thuật sâu... đòi hỏi phải có cơ sở vật chất, có máy móc, có thuốc và con người. Tất cả các yếu tố này đều có liên quan đến xây dựng, đấu thầu nhưng khi thanh tra, kiểm tra đều bị vướng. Thời gian gần đây, các bệnh viện không dám đấu thầu hoặc chưa rõ để đấu thầu một số loại thuốc hoặc các trang thiết bị vật tư để mổ, chỉnh hình, thông tim... Và hậu quả là quyền lợi của người bệnh bị ảnh hưởng.
Trên thực tế, các bác sĩ cũng như bản thân tôi chỉ thuần chuyên môn, với mục tiêu là phát triển chuyên môn sâu của bệnh viện cho tốt, làm sao cứu sống được càng nhiều người bệnh càng tốt... Nhưng liên quan đến vấn đề quản lý, về luật... chúng tôi có nhiều lúng túng, chưa kể luật có nhiều điều khoản chồng chéo, chưa rõ ràng và thay đổi liên tục. Và khi đụng chuyện, cơ quan điều tra vào cuộc xác định sai, chúng tôi mới biết sai, chứ nhiều trường hợp không cố tình làm sai.
Tôi ủng hộ việc sai đến đâu xử lý đến đó và việc xử lý sai phạm không có vùng cấm, nhưng tốt hơn cả là không để điều đó xảy ra. Chúng ta cần có các cơ quan giám sát, chịu trách nhiệm phát hiện cán bộ có biểu hiện sai phạm để có động thái ngăn chặn. Bởi nghề y là đặc thù, việc đào tạo được một người giỏi tay nghề vô cùng khó khăn, vất vả.
HƯƠNG THẢO ghi
ĐB Dương Ngọc Hải (chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM):
Chỉ ra bất cập để hoàn chỉnh
Việc xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong ngành y tế là kịp thời và cần thiết. Ai vi phạm, phạm tội đều phải bị xử lý, không có vùng cấm, không ngoại lệ. Tuy nhiên, trong số cán bộ bị xử lý, xin nghỉ việc có người từng là lãnh đạo có trình độ, kinh nghiệm, có nhiều đóng góp cho ngành y tế, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nên làm cho nhiều nhân viên y tế tâm tư.
Thông qua việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan chức năng phải chỉ ra được những sơ hở, thiếu sót, bất cập... trong các chính sách, quy định pháp luật để đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành tháo gỡ; góp phần bảo vệ cho những nhà quản lý, nhân viên y tế chân chính, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác, cống hiến.
Cùng với đó, cần điều chỉnh chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ phù hợp với những đóng góp của nhân viên y tế. Sớm thí điểm mô hình quản lý bệnh viện theo phương thức mới đối với các đơn vị tự chủ tài chính. Thay vì chỉ có ban giám đốc, cần có hội đồng quản lý gồm các nhà chuyên môn của nhiều lĩnh vực để hạn chế sai sót mà người làm chuyên môn như giám đốc bệnh viện có thể gặp phải. Thành lập trung tâm mua sắm tập trung độc lập, chuyên nghiệp. Ngoài đội ngũ chuyên môn y tế, cần những người có chuyên môn, kiến thức về pháp luật, tài chính tham gia. Đặc biệt, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát kịp thời để phát hiện sớm vi phạm, sai sót nhằm chấn chỉnh, xử lý ngay.
ĐB Phạm Văn Hòa (phó chủ tịch Hội Luật gia Đồng Tháp):
Không thể để ngành y "chao đảo"
Những người sai phạm trong ngành y dẫu sao cũng chỉ là một bộ phận nhỏ, là những "con sâu làm rầu nồi canh", còn lại hàng ngàn cán bộ y bác sĩ, nhân viên y tế không dính dáng gì đến vụ Việt Á, vẫn giữ được phẩm chất, ngày đêm khám chữa bệnh cứu người thì phải được tôn trọng đúng mực.
Nếu ngành y chao đảo, chính người bệnh sẽ chịu thiệt thòi. Các y bác sĩ dao động sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Với những lúc như thế này cần phải có sự quan tâm, động viên với ngành y, với những cán bộ nhân viên y tế cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là phải tạo mọi điều kiện để ngành y hoạt động. Tuy nhiên, mỗi cán bộ nhân viên y tế cũng cần phải nhận thức rõ vị trí và vai trò của mình, không phải vì sai phạm của những lãnh đạo trong ngành mà hoang mang dao động, không dám làm gì.
Thời gian qua có hiện tượng nhiều bệnh viện hết thuốc chữa bệnh mà không dám đấu thầu mua thuốc, nhập thuốc hay thiếu trang thiết bị y tế. Những quy định về đấu thầu thuốc, mua sắm vật tư y tế đều đã có đầy đủ, trước khi xảy ra vụ Việt Á vẫn đang làm tốt nên không thể vì vụ Việt Á mà giờ không làm, không dám làm. Cần phải có những chỉ đạo cụ thể để các bệnh viện yên tâm thực hiện đúng quy định của pháp luật. Nếu những văn bản pháp luật nào còn thiếu, còn lỗ hổng thì bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
ĐB Vũ Trọng Kim (chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong VN):