Cúm A ăn gì cho nhanh khỏi?

Chia sẻ Facebook
28/07/2022 20:48:49

Người mắc cúm A thường mệt mỏi và chán ăn, tình trạng này khiến cho quá trình hồi phục lâu hơn rất nhiều. Vậy người mắc cúm A nên ăn gì cho mau bình phục?


Những biện pháp đơn giản phòng bệnh

Bệnh cúm A (cúm mùa) là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do virus cúm gây ra và lây lan trực tiếp từ người sang người. Bệnh cúm mùa ảnh hưởng đến hệ hô hấp chủ yếu là mũi và cổ họng. Bệnh bùng phát phần lớn theo mùa có thể dự đoán được và xảy ra hàng năm.

BS. Hoàng Hà Linh, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho rằng cho đến thời điểm này cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh cúm theo mùa và các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra là tiêm phòng hàng năm, nhưng những thói quen tốt cho sức khỏe cũng có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của virus và ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp như cúm mùa.

Việc làm đầu tiên, theo BS Hà Linh, đó là người dân trong giai đoạn này nên tránh tiếp xúc gần với người bệnh. Khi bạn bị bệnh, hãy giữ khoảng cách với người khác để bảo vệ họ khỏi bị bệnh.

BS Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thăm khám cho bệnh nhân mắc cúm A

Nếu có thể, hãy ở nhà trong thời gian bạn bị ốm. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa bệnh của bạn lây lan sang người khác.

Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Nó có thể ngăn những người xung quanh bạn khỏi bị bệnh. Virus cúm lây lan chủ yếu qua các giọt bắn được tạo ra khi người bị cúm ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.

Song song với các biện pháp trên, BS Hà Linh khuyến cáo mọi người cần rửa tay thường xuyên sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi virus. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất tẩy rửa tay có cồn.

Tránh chạm vào mắt, mũi hay miệng, bởi virus có thể lây lan khi một người chạm vào thứ gì đó bị nhiễm virus và sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của họ.

Cuối cùng là cần làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào ở nhà, nơi làm việc hoặc trường học, đặc biệt là khi có người bị bệnh. Đừng quên ngủ đủ giấc, hoạt động thể chất, kiểm soát căng thẳng, uống nhiều nước và ăn thức ăn bổ dưỡng.

BSCKI. Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Medlatec cho biết, người mắc cúm A thường mệt mỏi và chán ăn. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và khiến cho quá trình hồi phục của người bệnh lâu hơn rất nhiều.

Để nhanh phục hồi, người mắc cúm A nên ăn những loại thức ăn dạng lỏng. Theo đó, ngoài việc tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần đảm bảo bổ sung dưỡng chất cho người bệnh theo những quy tắc như sau:

Ăn uống đủ chất dinh dưỡng

Ăn những loại thức ăn dễ tiêu.

Bổ sung vitamin từ rau củ, trái cây.

Uống nhiều nước.

Dưới đây là một số thực phẩm cụ thể, người mắc cúm A nên bổ sung:

Thực phẩm có chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Có thể kể đến một số thực phẩm như rau củ và trái cây có màu xanh đậm, bao gồm rau cải xoăn, rau ngót, bông cải xanh, cà rốt, bí đỏ, gấc, cà chua,…

Thực phẩm có chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa giúp các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, giúp cải thiện triệu chứng bệnh nhanh chóng, phòng ngừa biến chứng bệnh.

Một số thực phẩm có chứa nhiều vitamin C có thể kể đến như ổi, dâu tây, nho, kiwi, cam, quýt, chuối, lê, táo, ớt chuông, bông cải xanh,…

Ngoài ra, người bệnh cũng nên ăn những loại thực phẩm có chứa nhiều kẽm: Kẽm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống nhiễm trùng hiệu quả. Bổ sung kẽm cũng là một cách góp phần cải thiện những triệu chứng của một số bệnh về đường hô hấp như bệnh cúm, xoang, viêm phổi,…

Những thực phẩm có chứa nhiều kẽm mà bệnh nhân mắc cúm A nên bổ sung là các loại thịt nạc, sò, hàu, tôm, cua, cá, trứng, sữa,… Một số loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật cũng có chứa kẽm nhưng thường khó hấp thu hơn những thực phẩm chứa kẽm có nguồn gốc từ động vật.

Một số loại gia vị: Bên cạnh những thực phẩm kể trên, một số loại gia vị cũng có thể mang đến những lợi ích rất tích cực cho các trường hợp đang mắc cúm A.

Cụ thể như sau:

Tỏi: Loại gia vị này có chứa allicin, hợp chất sulfur,… rất hiệu quả trong việc kháng khuẩn, tiêu viêm. Do đó, khi ăn tỏi, các triệu chứng ho và nghẹt mũi ở bệnh nhân bị cúm A sẽ được cải thiện đáng kể. Người bệnh nên lưu ý bổ sung tỏi trong chế độ ăn hàng ngày bằng cách kết hợp với những loại thực phẩm khác.

Gừng: Đây không chỉ là một loại thực phẩm, gia vị mà còn là một vị thuốc để chữa rất nhiều bệnh khác nhau. Đối với những bệnh nhân mắc cúm, gừng cũng nên được bổ sung trong thực đơn mỗi ngày. Có thể kết hợp gừng trong các món cháo gà, canh gà hoặc bệnh nhân cũng có thể sử dụng trà gừng để cải thiện triệu chứng cúm.

Mật ong: Mật ong có tính kháng khuẩn đồng thời tăng cường sức đề kháng. Vì thế cũng được đánh giá là loại thực phẩm có lợi đối với bệnh nhân cúm A. Có thể làm trà mật ong gừng, mật ong chanh tươi cùng nước ấm để giảm ho và giảm đau họng.

Ngoài ra, BS Ngọc Vân cũng lưu ý, trong quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà, nếu có những biểu hiện bất thường, người bệnh không nên chủ quan mà cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm, ngăn ngừa tối đa những biến chứng nguy hiểm.

Đặc biệt các bác sĩ cũng nhấn mạnh người dân không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu, mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 18-7, Hà Nội đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Đặc biệt, từ tháng 1 đến tháng 4-2022 có gần 400 ca mắc cúm/tháng, thì đến tháng 6-2022 ghi nhận 887 ca (tăng gấp hơn 2 lần).

Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong 2 tuần đầu tháng 7-2022 đã khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm. Còn tại Trung tâm Xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) từ ngày 1 đến 18-7 có 4.887 trường hợp làm xét nghiệm cúm, trong đó số ca dương tính là 2.377 ca (gồm 97% là cúm A và 3% là cúm B).


N. Huyền

Chia sẻ Facebook