Cục CSHS nói về tội phạm cướp ngân hàng "ẩn mình" trong các nhóm kín trên mạng xã hội
Trung tướng Trần Ngọc Hà – Cục trưởng Cục CSHS cho biết, trên mạng xã hội xuất hiện các đối tượng lập các nhóm kín, kết bạn với nhau để thực hiện hành vi cướp tài sản ngân hàng, cửa hàng tiện ích.
Thời gian vừa qua, xảy ra nhiều vụ cướp tài sản tại phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng, siêu thị, cửa hàng tiện ích ở các địa phương. Điển hình, ngày 31/3, Trần Tuấn Anh (27 tuổi, ở Vĩnh Phúc) do nợ nần đã đến ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Thái Nguyên đổ xăng, đe dọa nhân viên nhằm cướp tài sản bị bắt giữ tại hiện trường.
Trước đó, ngày 7/3, Nguyễn Văn Hiếu (31 tuổi) và Nguyễn Thanh Tùng (41 tuổi, cùng trú Hà Nội) mang súng bật lửa, dao đến phòng giao dịch ngân hàng Vietinbank tại Hà Nội uy hiếp nhân viên cướp 500 triệu đồng. Tương tự, ngày 7/1, tại phòng giao dịch Ngân hàng Vietcombank trên đường Đình Vũ (phường Đông Hải 2, TP Hải Phòng), Nguyễn Văn Nam (24 tuổi, trú TP Hải Phòng) đeo khẩu trang, ba lô đen, đội mũ lưỡi trai bất ngờ xông vào ngân hàng rút súng đe dọa bảo vệ, nhân viên ngân hàng rồi cướp số tiền hơn 3 tỷ đồng. ..
Nói về các vụ án cướp tài sản xảy ra trong thời gian gần đây, Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục CSHS cho biết, ngoài các phương thức, thủ đoạn có tính truyền thống, xuất hiện các đối tượng thông qua không gian mạng lập các nhóm kín, kết bạn với nhau để thực hiện hành vi cướp tài sản tại các ngân hàng, cửa hàng tiện ích.
“Các đối tượng gây án chủ yếu chưa có tiền án, tiền sự, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, nợ nần, khó khăn về kinh tế. Các vụ cướp thường xảy ra vào thời điểm lượng khách tại phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng ít, nhân viên mất cảnh giác, những nơi còn sơ hở trong công tác bảo vệ. Phần lớn các đối tượng phạm tội đe dọa hoặc sử dụng vũ khí tự chế, súng, vật liệu nổ giả để uy hiếp, thực hiện hành vi cướp tài sản” – Trung tướng Trần Ngọc Hà thông tin.
Vị Cục trưởng Cục CSHS khuyến cáo, mỗi phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng cần đầu tư hệ thống an ninh bảo đảm, đầy đủ, hiện đại; xây dựng đội ngũ nhân viên bảo vệ đủ về số lượng, có sức khỏe, nhanh nhạy. Đồng thời, thường xuyên tập huấn cho nhân viên kỹ năng cần thiết để có thể nhận định, đánh giá và ứng phó với các tình huống xảy ra.
Bộ Công an cũng đã chỉ đạo lực lượng CSHS và công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các phương án, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong và sau dịch COVID-19.
Xử lý, giải quyết các tình huống cấp bách, phức tạp trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự xã hội, tập trung xây dựng, triển khai thực hiện chuyên đề, phương án, kế hoạch để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cướp tài sản, nhất là cướp tài sản tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng, cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý, cửa hàng tiện ích…
Cùng với đó, Cục CSHS phối hợp các cơ quan chức năng của Ngân hàng Nhà nước và Công an địa phương tổ chức khảo sát công tác phòng ngừa tội phạm tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng để có kiến nghị giải pháp tăng cường phòng, chống tội phạm cướp ngân hàng ... Tăng cường kiểm soát trên không gian mạng, kịp thời phát hiện và có biện pháp nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Bộ Công an, sau 3 tháng thực hiện quyết liệt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi cả nước, số vụ phạm pháp hình sự, giảm 17,51% so với cùng kỳ năm 2021; lực lượng công an đã điều tra, khám phá 8.016 vụ phạm tội về trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 87,91%), bắt 19.037 đối tượng, triệt phá 242 băng, nhóm tội phạm.
Theo Thanh Hà
Tiền Phong