Cục CSGT kiến nghị học lái xe phải có phần chạy trên cao tốc

Chia sẻ Facebook
16/07/2022 08:14:56

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) - Ảnh: T.T


Chiều 15-7, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức họp trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022.


Phát biểu tại đây, thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, phân tích các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và cho biết khung thời gian xảy ra nhiều nhất là từ 22h hôm trước đến 4h hôm sau.


Đồng thời, tập trung chủ yếu tại quốc lộ (chiếm 55,56%); hành vi vi phạm và nguyên nhân ban đầu đi không đúng phần đường, làn đường quy định; không chú ý quan sát; sử dụng rượu bia; vi phạm tốc độ.

Theo ông Trung, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý hơn 21.500 trường hợp vi phạm quá trọng tải; hơn 850 trường hợp dương tính ma túy, gần 104.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; hơn 140.000 trường hợp chạy quá tốc độ quy định…

Tuy nhiên, việc xử lý đối với các chuyên đề này còn gặp những khó khăn. Cụ thể, việc xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, dương tính với chất ma túy hiện nay chủ yếu do lực lượng CSGT phát hiện, xử lý thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.

Trong khi đó, muốn giải quyết tốt vấn đề này phải có sự vào cuộc của các ngành, các địa phương nhằm tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa việc xử lý vi phạm đối với hành vi này.


C ông tác kiểm soát trọng tải phương tiện, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành địa phương mà coi đó là nhiệm vụ của lực lượng CSGT...

Bên cạnh đó phối hợp với lực lượng CSGT và ngành y tế quản lý lái xe, kiểm tra kỹ hồ sơ học lái xe, giấy khám sức khỏe để phát hiện kịp thời các trường hợp sử dụng chất ma túy, lái xe mắc bệnh tâm thần không đủ điều kiện lái xe để có biện pháp thu hồi giấy phép lái xe.

Đồng thời tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp vận tải trong việc chấp hành quy định khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, không sử dụng những lái xe có sử dụng ma túy, lái xe có tiền sử mắc bệnh tâm thần đang được theo dõi.

"Chúng ta đã quy định không được có nồng độ cồn khi lái xe, nếu cơ quan, đơn vị nào sử dụng khi lái xe gây tai nạn thì phải xử lý cả cơ quan, đơn vị đó", thiếu tướng Nguyễn Văn Trung kiến nghị.


Trước đó, b áo cáo về tình hình trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho hay trong 6 tháng, toàn quốc xảy ra 5.703 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.314 người, bị thương 3.690 người.


So với 6 tháng đầu năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 663 vụ, tuy nhiên lại tăng 79 người chết và giảm 793 người bị thương.


Có 30 tỉnh, thành phố có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2021, song còn 26 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2021.


Trong đó 12 địa phương có số người chết tăng trên 10% so với cùng kỳ 2021 gồm: Bình Định, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Đà Nẵng, Điện Biên, Yên Bái.

Có 13 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ gây bức xúc dư luận xã hội, làm chết 37 người, bị thương 29 người tại các tỉnh Gia Lai, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bắc Giang, Hòa Bình, Ninh Bình, Tiền Giang và Thừa Thiên Huế. Xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường thủy tại Quảng Nam, làm chết 17 người.


Cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý gần 1,4 triệu trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền gần 1.635 tỉ đồng, tước hơn 144.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ gần 242.000 phương tiện các loại.

Nếu tình hình tắc nghẽn giao thông ở TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không được cải thiện, TP.HCM sẽ thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam, thậm chí khu vực Đông Nam Á.

Chia sẻ Facebook