Cửa khẩu phía Bắc Việt Nam nhộn nhịp khi Trung Quốc giảm bớt rào cản Zero-COVID
Nhiều cửa khẩu phía Bắc Việt Nam mở cửa giao thương với Trung Quốc nhộn nhịp hơn sau khi chính quyền này gỡ bỏ dần chính sách phòng dịch Zero-COVID trong 3 năm qua. Đơn cử như cửa khẩu Lào Cai hôm 11/1, tổng lượng xe xuất nhập khẩu gần 240 chiếc, trước đó chỉ dưới 200 xe/ngày được thông quan.
Chuyên gia virus Diêm Lệ Mộng: Có thể có biến thể COVID-19 khác ở Trung Quốc
Thượng úy Hoàng Minh Du, Phó trạm trưởng Trạm biên phòng Cửa khẩu quốc tế Kim Thành (Lào Cai), cho biết ghi nhận từ ngày 8/1 đến nay, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc tăng lên từng ngày. Cao nhất là hôm 11/1, cửa khẩu này xuất khẩu được 71 xe và nhập khẩu 158 xe hàng. Trong khi trước đây, tổng số xe xuất nhập khẩu trong ngày thường dưới 200 xe, báo Thanh Niên đưa tin.
Theo ông Du, thời gian giao nhận hàng, thông quan nhanh hơn vì khâu kiểm tra hàng hóa cũng được cắt bỏ, lái xe không cần mặc đồ bảo hộ chống dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán).
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Hoa Cương (Long An), cho biết hiện tại mỗi ngày doanh nghiệp này xuất khẩu 5 – 6 container mít, thanh long sang Trung Quốc qua cửa khẩu tại Lạng Sơn.
Trước đây, mỗi xe hàng khi lên biên giới đều nằm chờ ở cửa khẩu ít nhất nửa ngày. Lái xe phải mở container kiểm hàng, lấy mẫu xét nghiệm COVID. Theo đó, chi phí mỗi xe hàng bị đội lên 2 – 4 triệu đồng. Từ lúc Trung Quốc nới lỏng phòng dịch, mỗi ngày doanh nghiệp tiết kiệm được vài chục triệu đồng, bà Nhung cho hay.
Tỉnh biên giới Lạng Sơn có 12 cửa khẩu với Trung Quốc, nhưng hiện có 5 cửa khẩu chính khôi phục hoạt động giao thương, gồm: Cửa khẩu quốc tế ga Đồng Đăng, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu Chi Ma, Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Cốc Nam.
Ông Tập Cận Bình đổi giọng thành “người cổ vũ” để cứu nền kinh tế
Theo ông Đinh Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo, mỗi ngày đơn vị xuất khẩu khoảng 200 tấn sầu riêng, xoài qua cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh (Lạng Sơn), báo Bắc Giang đưa tin.
Trước đây, việc đưa hàng hóa qua cửa khẩu rất khó khăn, phải tháo đầu container chở hàng, rồi chờ đợi mất nhiều ngày phía đối tác mới trả lại xe, tốn chi phí lưu kho bãi. Một số lô hàng ùn ứ lâu tại cửa khẩu bị hư hỏng, phải đổ bỏ, ước tính quãng thời gian vừa qua, doanh nghiệp thiệt hại hơn 100 tỷ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, động thái mở cửa của Trung Quốc sẽ tạo thêm động lực lớn hỗ trợ tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, dệt may và cao su. Đặc biệt, doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu và thị phần lớn ở thị trường này sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
Ngoài ra, khi Trung Quốc mở cửa, nhu cầu tiêu thụ nhiều mặt hàng sẽ tăng trong khi nguồn nguyên liệu nội địa của nước này khó đáp ứng kịp vì chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Do vậy, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu trong năm 2023 và Việt Nam là một trong số đó.
Đưa ra quan điểm về các tác động khi Trung Quốc mở cửa, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng Trung Quốc đang cung cấp 40 – 80% các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề khác nhau tại Việt Nam. Do đó, khi mở cửa, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập khẩu lượng lớn nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất với giá thành rẻ hơn so với quốc tế.
Tuấn Minh
Bùng phát dịch mạnh, Trung Quốc vẫn sẽ mở cửa biên giới với Việt Nam từ ngày 8/1
Chính quyền địa phương biên giới Trung Quốc vừa thông báo về việc khôi phục giao thương ở các cửa khẩu như: Lào Cai, Quảng Ninh,... từ ngày 8/1.