Cử tri Đà Nẵng: ‘Nên chọn lịch sử là môn học số 1 trong chương trình giáo dục’

Chia sẻ Facebook
30/04/2022 12:12:19

Cử tri Đà Nẵng cho rằng nếu lịch sử trở thành môn học tự chọn thì xu hướng học sinh không lựa chọn môn học này sẽ tăng lên, hệ lụy sẽ không lường trước được.

Cử tri Nguyễn Thị Hương (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho biết người dân đặc biệt quan tâm và lo lắng trước thông tin đưa môn học lịch sử trở thành môn tự chọn cho học sinh trung học phổ thông - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Tại buổi tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 29-4, nhiều cử tri bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề đưa môn học lịch sử trở thành môn tự chọn cho học sinh trung học phổ thông từ năm học 2022 - 2023.

Cử tri Nguyễn Thị Hương (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho biết người dân đặc biệt quan tâm và lo lắng khi nghe thông tin trên.

Bà Hương khẳng định lịch sử là linh hồn của cả một dân tộc, được hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm. Giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ là giáo dục niềm tự hào của dân tộc, giáo dục ý chí tự lực tự cường và giúp chúng ta hiểu được sự sinh tồn và phát triển của văn hóa, văn minh của dân tộc.


Môn lịch sử phải giữ đúng vị trí của môn học quan trọng trong chương trình chứ không phải tự chọn hay không.

"Hiện nay theo tôi được biết, các tộc, họ cũng đang tìm về cội nguồn và tìm hiểu lịch sử hình thành nên tộc, họ của mình thì không có lý do gì chọn hay không chọn môn lịch sử. Hơn nữa, môn lịch sử là môn học bài yêu cầu học sinh phải nhớ các mốc thời gian và sự kiện nên khi được phép chọn, học sinh sẽ không chọn môn học này".

Cùng chung ý kiến, cử tri Lê Đình Thi (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) nói: "Nên chọn lịch sử là môn học số 1 trong chương trình giáo dục và không thể thay thế. Việc cần quan tâm là phải dạy sao cho khoa học và học sinh dễ học".

Ủng hộ việc giữ môn lịch sử là môn học chủ đạo trong nhà trường, cử tri Nguyễn Văn Nga (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) cho rằng cần quan tâm việc kiểm soát chặt chẽ các tư liệu và chương trình về lịch sử phát trên các phương tiện thông tin đại chúng có sự bóp méo, xuyên tạc.

Học sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Huệ (Đà Nẵng) trong một tiết học lịch sử trên lớp - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Trả lời những kiến nghị của cử tri, ông Nguyễn Văn Quảng - bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng - cho biết đây là vấn đề được rất nhiều cử tri trên toàn thành phố và cả nước quan tâm.

"Đoàn đại biểu Quốc hội xin ghi nhận và đồng tình với các quan điểm, lập luận của cử tri về vấn đề này. Chúng tôi sẽ kiến nghị với Quốc hội. Được biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng rất quan tâm về nội dung này, có mời một số cán bộ của Đà Nẵng sẽ cùng nghe ý kiến", ông Quảng nói.

Có một sự trùng lặp thú vị về thời điểm khi báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn 'Môn sử nên tự chọn hay bắt buộc?' thì từ tháng 4-2022, Nhật Bản chính thức đưa vào giảng dạy bắt buộc môn lịch sử hiện đại và đương đại theo cách chưa từng có.

Chia sẻ Facebook