Cú sụp đổ trong chớp mắt của FTX: Từ sàn giao dịch kiếm 1 triệu USD/ngày, 'nổ' mua lại được Goldman Sachs đến gánh nặng 1 triệu con nợ, CEO từ chức

Chia sẻ Facebook
16/11/2022 15:32:59

Hoang tưởng của sàn giao dịch FTX và Sam Bankman-Fried đã phải trả giá đắt.

Đó là vào năm 2017, thời điểm một cựu giao dịch viên quỹ Jane Street Capital phát hiện ra điều thú vị khi theo dõi CoinMarketCap.com: sự chênh lệch đôi khi lên tới 60% của giá Bitcoin tại các sàn giao dịch khác nhau. Bản năng khi đó đã thôi thúc Sam Bankman-Fried (SBF) tham gia vào các giao dịch chênh lệch giá, tức mua Bitcoin giá rẻ trên một sàn giao dịch, sau đó bán lại với giá cao hơn trên một sàn giao dịch khác và kiếm lời.

Hoạt động kinh doanh kiểu này đặc biệt sôi động tại Hàn Quốc, nơi giá Bitcoin niêm yết cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác. Nó được mệnh danh là “Kimchi Premium” - ám chỉ món ăn truyền thống của Hàn Quốc làm từ bắp cải muối lên men.

Sau một tháng tự tìm hiểu thị trường, Bankman-Fried thành lập công ty giao dịch riêng có tên Alameda Research. Bankman-Fried cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9, rằng công ty có khi kiếm được tới 1 triệu USD/ngày.

SBF dành được nhiều sự tín nhiệm do các giao dịch kiểu như vậy không dễ thực hiện trên thị trường tiền số cách đây 5 năm. Mua bán chênh lệch giá Bitcoin liên quan đến việc thiết lập, kết nối từng nền tảng cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng phức tạp để trừu tượng hóa quy trình thực hiện giao dịch. Alameda Research của Bankman-Fried lại rất giỏi trong lĩnh vực này.

Từ đó, đế chế SBF bùng nổ. Thành công của Alameda thúc đẩy sự ra đời của sàn giao dịch tiền số FTX vào mùa xuân năm 2019, sau đó kéo theo các quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 2 tỷ USD. Tài sản của Bankman-Fried tăng lên kỷ lục hơn 16 tỷ USD vào tháng 3.

Anh chàng này sau đó xuất hiện trên mọi tấm áp phích quảng cáo tiền số, trong khi logo FTX tô điểm từ đường đua Công thức 1 đến một đấu trường bóng rổ Miami. Bankman-Fried cũng tham gia các buổi diễn thuyết dài bất tận, khoe khoang rằng một ngày nào đó có thể mua được Goldman Sachs và trở thành nhân vật sừng sỏ ở Washington.

Đáng buồn, đây chỉ là những hoang tưởng.

Khi giá tiền số lao dốc trong năm nay, Bankman-Fried vẫn tự tin rằng sàn giao dịch của mình sẽ miễn nhiễm, song trên thực tế, điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động chung của công ty.

Alameda vội vay tiền để đầu tư vào các công ty tài sản số đang ngắc ngoải, thậm chí bòn rút tiền gửi của khách hàng FTX để đối phó với việc ký quỹ và đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán nợ. Cuộc chiến trên Twitter của Giám đốc điều hành sàn giao dịch đối thủ Binance đã lật tẩy kế hoạch này.

Alameda, FTX và một loạt công ty con do Bankman-Fried thành lập vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Delaware. Bankman-Fried cũng từ bỏ vai trò lãnh đạo sau khi chứng kiến 94% tài sản cá nhân bốc hơi chỉ trong 1 ngày.

Hiện không rõ anh ta đang ở đâu, trong khi căn hộ trị giá 40 triệu USD ở Bahamas đã được rao bán. Những tấm áp phích in khuôn mặt Bankman-Fried trên các quảng cáo của FTX khắp trung tâm thành phố San Francisco như lời nhắc nhở về một đế chế mục nát.

Từ “anh hùng”, anh chàng này trở thành nhân vật phản diện. Chia sẻ với CNBC vào tháng 9, Bankman-Fried cho biết một trong những nguyên tắc cơ bản của mình khi tham gia thị trường là làm việc với những thông tin không đầy đủ.

“Có rất nhiều điều bạn không biết, nhưng dù sao vẫn phải cố gắng tìm ra giao dịch nào đó để thực hiện.”, Bankman-Fried nói.

Tập hợp các mảnh ghép từ nhiều nguồn tin tức khác nhau, chúng ta sẽ có một bức tranh vẽ một sàn giao dịch điên cuồng che đậy sai lầm của mình bằng nhiều cách thức đáng ngờ, và có lẽ là bất hợp pháp.

Theo các báo cáo, vào một thời điểm nào đó trong suốt 2 năm qua, Alameda bắt đầu vay tiền để thực hiện nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả đầu tư mạo hiểm.

Sáu tháng trước, làn sóng những gã khổng lồ trong lĩnh vực tiền số thoái trào sau khi thanh khoản thị trường giảm mạnh. Đáng nói nhất phải kể đến sự sụp đổ xoá sạch 60 tỷ USD của dự án stablecoin terraUSD (hay gọi tắt là UST) cùng đồng tiền chị em LUNA.

Three Arrows Capital, hay 3AC, một trong những quỹ phòng hộ tiền số quan trọng của ngành đã thất bại ngay sau đó, kéo theo sự ê chề của một loạt các nhà môi giới và người cho vay tiền số như Voyager Digital và Celsius.

Vấn đề lớn là mọi người đều vay mượn lẫn nhau. Điều này chỉ diễn ra trơn tru nếu giá của tất cả các đồng tiền số tiếp tục tăng mạnh. Trong khi đó, đến tháng 6, Bitcoin và Ether đều mất hơn 1 nửa giá trị trong 1 năm.

Hart Lambur, chuyên gia quản lý tiền tệ và quỹ phòng hộ, cho biết: “Đòn bẩy là nguồn gốc của mọi sự bùng nổ trong các tổ chức tài chính, cả thị trường truyền thống lẫn tiền số. Lehman Brothers, Bear Stearns, Long-Term Capital, Three Arrows Capital và giờ là FTX đều trở thành những bong bóng khổng lồ vì đòn bẩy”.

Khi những quân domino bắt đầu sụp đổ, SBF đã cố gắng cứu một số công ty tiền số trước khi quá muộn với khoản hỗ trợ trị giá hàng trăm triệu USD. Trong một số trường hợp, SBF còn cố gắng mua lại các công ty này.

Giữa làn sóng phá sản, một số nhà đầu tư cho Alameda vay tiền đã yêu cầu hoàn trả. Dĩ nhiên, công ty này không thể đáp ứng do toàn bộ số tiền đi vay đã được dùng để đầu tư mạo hiểm - một quyết định mà sau đó SBF cho rằng “có lẽ không thực sự xứng đáng”.

Để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ, FTX vay tiền gửi của khách hàng và âm thầm bảo lãnh cho Alameda. Khoản vay lên đến hàng tỷ đồng. Bankman-Fried đã thừa nhận điều này trong cuộc phỏng vấn với tờ Times, song từ chối tiết lộ con số chính xác.

“Về cơ bản nó lớn hơn tôi tưởng,” Bankman-Fried nói với tờ Times. “Và trên thực tế, rủi ro giá lao dốc là rất lớn”.

Theo CNBC, sử dụng trái phép tiền của khách hàng chính là vi phạm các điều khoản và điều kiện của chính FTX. Với Phố Wall, hành vi này rõ ràng đã vi phạm luật chứng khoán Mỹ.

FTX đã bòn rút tài sản của khách hàng để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay, sau đó lấp liếm bằng một mã giao dịch mới.

“FTX và Alameda có một mối quan hệ cực kỳ rắc rối,” Nic Carter của Castle Island Venture chia sẻ với CNBC. “Bankman-Fried điều hành cả sàn giao dịch và công ty hỗ trợ. Điều này không chính thống và không được sự cho phép trên thị trường”.

Thông thường, các công ty tạo ra nhiều mã giao dịch tiền số để lôi kéo người dùng, trong khi giá trị thực của chúng chỉ đơn thuần là hình thức đầu cơ hy vọng giá sẽ tăng.

Điểm mấu chốt là FTX đã bòn rút tài sản của khách hàng để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay, sau đó lấp liếm bằng một mã giao dịch mới. Màn nhào nặn này cũng giống câu chuyện của công ty năng lượng Enron gần 2 thập kỷ trước: che giấu khoản lỗ bằng cách chuyển tài sản hoạt động kém hiệu quả sang các công ty con không nằm trong bảng cân đối kế toán, sau đó tạo ra các công cụ tài chính phức tạp để che đậy.

Khi tất cả những điều này diễn ra, Bankman-Fried vẫn tiếp tục diễn thuyết và được vinh danh là một trong những doanh nhân công nghệ trẻ vĩ đại. Mọi chuyện chỉ bắt đầu sáng tỏ sau khi Bankman-Fried vướng vào một cuộc tranh cãi công khai với Binance - sàn giao dịch đối thủ.

Vào năm 2019, Binance công bố khoản đầu tư chiến lược vào FTX. Sàn giao dịch này tuyên bố mua FTX Token (FTT) để phục vụ cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái FTX. Vài năm sau, đến mùa hè năm 2022, không rõ gì lý do gì, Bankman-Fried thúc giục các cơ quan quản lý giám sát Binance, đồng thời công khai chỉ trích sàn giao dịch.

Ngày 2/11, CoinDesk thông tin về một bảng cân đối kế toán, cho thấy một lượng đáng kể tài sản của Alameda được giữ trong token FTT kém thanh khoản của FTX. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về khả năng thanh toán của công ty cũng như điều kiện tài chính của FTX.

“Do những tiết lộ gần đây đã được đưa ra ánh sáng, chúng tôi quyết định thanh lý nốt những FTT còn lại”, CZ, CEO Binance nói.

Các nhà đầu tư sau đó đua nhau rút tiền khỏi FTX. Tính đến ngày 6/11, theo Bankman-Fried, sàn giao dịch đã mất khoảng 5 tỷ USD với hàng chục triệu USD được rút ra kỷ lục mỗi ngày.

Theo Fabian Astic, người đứng đầu bộ phận tài chính phi tập trung và tài sản kỹ thuật số của Dịch vụ nhà đầu tư Moody: “Những người chơi tiền số phản ứng nhanh hơn với tin tức và tin đồn. Một cuộc khủng hoảng thanh khoản theo đó diễn ra nhanh hơn nhiều so với thị trường tài chính truyền thống”.

Ngày 11/11, FTX và Alameda đều nộp đơn xin phá sản. FTX, được định giá 32 tỷ USD hồi đầu năm nay, đã đóng băng toàn bộ giao dịch và tài sản của khách hàng. Bankman-Fried cũng không còn là ông chủ của cả 2 công ty.

Hồ sơ phá sản được đệ trình mới đây cho thấy FTX có thể có hơn 1 triệu chủ nợ. Sàn giao dịch này đã phải làm việc với hàng chục cơ quan quản lý Mỹ và nước ngoài trong 72 giờ qua, bao gồm Văn phòng Luật sư Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch SEC và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai. SEC và Bộ Tư pháp cũng được cho là đang điều tra FTX để xử lý các vi phạm dân sự và hình sự đối với luật chứng khoán.


Theo: CNBC

Chia sẻ Facebook