Cụ Phan Thanh Giản với đạo Quân-Sư-Phụ
Xem đó thì biết Cụ Phan Thanh Giản ăn ở đúng mực làm tôi, làm trò, làm con, hợp với đạo phải là “Quân-Sư-Phụ” vậy! Cho nên làm người cũng phải tập rèn tánh hạnh cho có tư cách, hiếu nghĩa trung tín mà ăn ở với đời. Các bạn thanh niên tân học ta, nên xem gương quí báu trên nầy, ấy mới thật là người hoàn toàn phẩm hạnh vậy!
Người dân Nam kỳ luôn truyền tụng các giai thoại về cụ Phan Thanh Giản (1796-1867). Một trong các Giai thoại này còn được chép trong tập sách Vĩnh Long nhân vật chí, mục Sự tích cụ Phan Thanh Giản (ngoại sử) của tác giả Lê Văn Bền và Nguyễn Văn Dần, in năm 1925, như một biểu tượng của đạo học Nam kỳ:
Cụ Phan Thanh Giản, làm quan đến bậc Đại Thần trải thờ ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, đều được yêu thương.
Ảnh cụ Phan Thanh Giản chụp năm 1863 tại Paris khi làm chánh sứ sang Pháp. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)
Năm Tự Đức thứ 15 (1862), cụ Phan Thanh Giản vâng mệnh Hoàng đế vào trong nhậm chức Kinh lược ba tỉnh hướng Tây Nam kỳ là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
Khi đến tỉnh Gia Định, cụ ghé lại Gò Vấp để viếng thăm tôn sư là cụ Võ tiên sanh.
Lúc gần đến chòi tranh của thầy ở, cụ truyền xếp võng điều và lọng lại, xuống đi bộ vào bái thăm thầy. Thầy trò gặp gỡ nhau vui mừng không xiết, vì cách nhau đã nhiều năm.
Hỏi thăm việc hàn huyên xong rồi, cụ bái tạ mà đi Vĩnh Long và dâng lại cho tôn sư hai nén bạc để uống trà. Khi ấy tôn sư đáp lại cho cụ Phan một chục trái bắp.
Cụ Phan thọ lãnh món vật của tôn sư cho, bèn bản thân xách lấy bắp, chẳng để cho quân lính cầm. Đoạn đi bộ một đỗi xa xa mới truyền sửa võng lọng mà lên lại.
Thiệt là nguời học trò có tư cách và hiếu nghĩa với thầy! Rất vẻ vang cho đạo học nhà Nam! Rất đúng đắn với câu: “Gặp vận vinh vang thêm toại chí, nhớ thương Sư Phụ phận con em!”
Cụ ở với song thân rất nên chí hiếu, coi bài thơ sau nầy Cụ gởi về Cụ bà, trong ấy có câu: “Ơn nước nợ trai đành nỗi phận, cha già nhà khó cậy nhau cùng!” thì thiệt là người làm con rất phải đạo!
Trích “Vĩnh Long Nhân Vật Chí – Lê Văn Bền và Nguyễn Văn Dần” năm 1925
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm
Khí tiết trung nghĩa của công thần Phan Thanh Giản
Mời xem video :