Cụ ông U100 từ chối đi trú bão: Già rồi ra đi cũng được

Chia sẻ Facebook
28/09/2022 15:02:53

Một cụ già vì ngại bản thân đã cao tuổi nên không muốn di dời đến nơi an toàn tránh bão nhưng sự động viên của người dân đã thuyết phục được cụ.

Chiều 27/9, vài tiếng trước khi siêu bão Noru chính thức đổ bộ đất liền Việt Nam, công tác di tản, phòng chống bão được khẩn trương diễn ra ở mọi hộ gia đình miền Trung, đặc biệt là những nhà ven biển.

Khi bão Noru còn cách Quảng Ngãi khoảng 180km, bà con cơ bản đã được an toàn và trong tâm thế sẵn sàng đón bão nhưng công cuộc vận động người dân vẫn được tiếp tục để hạn chế rủi ro xuống thấp nhất có thể. Tuy nhiên, lúc này lại có một "nhân vật đặc biệt" nhất định không chịu đến nơi trú bão, chính quyền xã phải vận động căng thẳng mới đồng ý.

Bà con được đưa đến nơi an toàn tránh bão Noru. (Ảnh: Tuổi Trẻ Online)

Một cụ ông nhất định từ chối đi tránh bão. (Ảnh: Tuổi Trẻ Online)

Cụ thể, Tuổi Trẻ Online đưa tin "nhân vật đặc biệt" này là cụ Nguyễn Bá Loan (95 tuổi, ở thôn Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn). Tuy nhà ngay cửa biển Sa Cần - nơi được dự đoán là chịu ảnh hưởng bởi bão lũ rất nghiêm trọng, song cụ nhất quyết không chịu rời ngôi nhà của mình để nghe theo lời vận động của chính quyền xã.

Chính quyền nỗ lực vận động và giúp đỡ đưa cụ ông đi đến nơi an toàn. (Ảnh: Tuổi Trẻ Online)


Khoảng 15h chiều 27/9, lực lượng chức năng xuống nhà vận động cụ lần đầu tiên nhưng bị từ chối. Cụ nói: " Tôi tuổi già, ra đi thì thôi " khiến mọi người vừa hoang mang, lo lắng, vừa muốn trách mà cũng không được.

Tuổi đã cao, lại ngại bản thân di chuyển khó khăn, cần người chăm sóc nên cụ muốn ở nhà mình. (Ảnh: Tuổi Trẻ Online)


Đến 17h chiều cùng ngày, chính quyền một lần nữa xuống nhà cụ vận động, dẫn đầu là ông Đoàn Thế Oanh - phó chủ tịch UBND xã Bình Đông. Song, cụ vẫn từ chối di dời vì sức khỏe đã yếu, đi lại khó khăn và việc vệ sinh cá nhân phải phụ thuộc vào con cháu. Lúc này, ông Oanh phải năn nỉ: " Bác thương bọn cháu mà đi đến nơi trú ẩn an toàn, chẳng lẽ bọn cháu đội mưa gió vầy mà bác không thương? ", thế nhưng cụ ông vẫn cương quyết: " Biết thương rồi, nhưng tôi không đi đâu, già rồi, ra đi thì thôi chứ sợ gì ".

Sau 2 lần vận động gay cấn và căng thẳng, có lúc tưởng như phải dùng biện pháp cưỡng chế thì cuối cùng, cụ Loan đồng ý di dời. (Ảnh: Tuổi Trẻ Online)


Trước sự "cứng đầu" này, phó chủ tịch UBND xã và mọi người tiếp tục "dỗ dành": " Bác không đi thì con với cháu cố cũng phải ở nhà, lỡ bão vào, các con có vấn đề gì bác đau lòng không? Phải nghĩ cho con cháu nữa bác ạ. Chứ tình hình này, bác không đi bọn cháu buộc lòng phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn cho gia đình ". Sau một hồi lâu, cụ Loan mới nghe theo lời của chính quyền, đồng ý di dời đến nơi an toàn.

Vì cụ đi lại khó khăn nên lực lượng chức năng phải phụ giúp mặc áo mưa, dìu cụ ra khỏi nhà rồi chở bằng xe máy đến địa điểm tập kết. Tại đây, cụ Loan được bố trí một phòng riêng, có nhà vệ sinh bên trong để thuận tiện cho sinh hoạt.

Cụ Loan chịu di chuyển, cả gia đình và chính quyền đều thở phào yên tâm. (Ảnh: Tuổi Trẻ Online)

Ngoài cụ Loan, rất nhiều hộ gia đình, người già neo đơn khác đã được chính quyền địa phương đưa đến nơi trú bão an toàn. Tại đây, họ không phải lo lắng về chi phí ăn uống và lưu trú vì mọi thứ đều được miễn phí. Sự hài lòng và an tâm được thể hiện rõ trên nét mặt của mọi người.

Bà con được hỗ trợ hết mình để vượt qua cơn bão. (Ảnh: Tuổi Trẻ Online)

Trong đêm bão, rất nhiều hình ảnh về các quán bar, khách sạn rộng lớn được bố trí thành nơi trú bão miễn phí cũng được chia sẻ trên mạng xã hội. Đây là sự quan tâm, sẻ chia, "lá lành đùm lá rách" mà các chủ doanh nghiệp dành cho bà con đồng bào vào lúc khó khăn. Đến đây, họ không chỉ được ở trong không gian rộng rãi, thoải mái mà còn được cung cấp đủ chăn màn, lương thực, thực phẩm, hoàn toàn có thể yên tâm khi cường độ của cơn bão ngày càng lớn, với gió giật mạnh.

Mọi người được quán bar cho ở miễn phí khi đi tránh bão. (Ảnh: Fanpage B.V)

Nhờ có chỗ ở thoáng mát, miễn phí nên bà con yên tâm hơn khi bão đang đổ bộ. (Ảnh: Fanpage B.V)

Mọi vật dụng cho bà con luôn được chuẩn bị sao cho chu đáo nhất. (Ảnh: Fanpage B.V)

Mặt khác, lực lượng công an, cảnh sát, bộ đội vẫn luôn túc trực và sẵn sàng có mặt khi bà con cần. Những ngày qua họ đã tích cực hỗ trợ bà con gia cố lại nhà cửa, tàu thuyền hay di dời đến nơi an toàn, nhờ vậy mà bước đầu chưa có thiệt hại về người trong cơn bão Noru lần này.

Mọi công tác chuẩn bị trước khi bão đến được thực hiện chu đáo. (Ảnh: Vietnamnet)

Đến sáng ngày 28/9, báo Lao Động đưa tin vào 4h cùng ngày, bão số 4 có sức gió cùng gần tâm bão mạnh cấp 10, 11 giật cấp 13, dự báo trong khoảng 12h tới sẽ di chuyển theo hướng Tây vào các vùng đất liền Trung Trung bộ. Bão Noru sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Nhiều tỉnh đã bắt đầu thống kê về thiệt hại sau bão. (Ảnh: Nhân Dân)

Những căn nhà đổ sập, cây cối gãy ngả nghiêng chỉ sau ít tiếng bão đổ bộ. (Ảnh: Nhân Dân)

Có thể thấy, càng ở trong cảnh nguy hiểm, thiên tai cận kề, tình người của đồng bào Việt Nam càng được khắc họa rõ rệt. Hiện, vẫn chưa có báo cáo thiệt hại về người trong cơn bão Noru. Mong rằng bão sẽ sớm qua đi, bà con sớm khắc phục hậu quả có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.


Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN !

Bão Noru được dự đoán là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử suốt 20 năm qua, gây ra những ảnh hưởng nhất định tới cuộc sống bà con miền Trung. Song, có lẽ vì quá quen với bão lũ mỗi năm nên bà con đã sớm chủ động ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn cho người và của nhất có thể.

Qua những đợt bão lũ như vậy, chúng ta càng thấu hiểu sự đoàn kết, sẻ chia ngọt bùi của bà con. Mong rằng, bà con miền Trung sẽ kiên cường vượt bão, giảm tối đa thiệt hại cả về người lẫn của.


Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY

Chia sẻ Facebook