Cụ ông phải cắt bàn chân vì chủ quan với vết bầm tím nhỏ
Cụ ông ở Hải Phòng nhập viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng, bàn chân trái hoại tử lan rộng và có mùi hôi thối...
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng Khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết sau Tết, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị đái tháo đường biến chứng nghiêm trọng buộc phải tháo đốt ngón chân, ngón tay, cắt bàn chân; nhiễm trùng vết thương đùi, viêm loét hoại tử vùng đầu, hoại tử da...
Điển hình là trường hợp nam bệnh nhân khoảng 70 tuổi, trú tại Hải Phòng , được người nhà đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng, bàn chân trái hoại tử lan rộng và có mùi hôi thối... Do tổn thương ở bàn chân không có khả năng bảo tồn nên bác sĩ phải chỉ định cắt cụt bàn chân để tránh nguy cơ nhiễm trùng rộng, bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân.
Theo chia sẻ của người nhà, 3 tháng trước bệnh nhân bị ngã cầu thang, tím ở ngón chân. Vết thương nhanh chóng lan rộng sang các ngón chân khác. Bệnh nhân đã điều trị tích cực ở tuyến dưới nhưng bàn chân vẫn hoại tử.
"Trước Tết nguyên đán, thời điểm miền Bắc rét đậm, ông đi tất dày để giữ ấm chân. Khoảng 1 tuần ông thấy ngón cái sưng to rồi tím đen, sau đó xuất hiện các vết loét ở bàn chân. Những ngày cận Tết, con cháu đã đưa ông đi khám, được điều trị tích cực nhưng không đỡ. Cách đây ít ngày khi nhập viện tái khám ông có chỉ định phẫu thuật cắt bàn chân trái. Hiện ông rất sợ vì cảm giác đau đớn của lần cắt bàn chân phải gần 3 tháng trước chưa bớt ám ảnh", con gái bệnh nhân chia sẻ.
Được biết, bệnh nhân bị đái tháo đường nhưng việc điều trị không đúng chỉ định, thường xuyên uống rượu dẫn tới biến chứng tim mạch. Bệnh nhân đi lại khó khăn, sụt 10kg và hiện tại biến chứng bàn chân phải cắt bỏ.
Trường hợp khác là bà P.T.S. (57 tuổi, trú tại Hà Nội ) bị tiểu đường hơn 10 năm nay. Lúc 50 tuổi bà đã cắt các ngón chân do nhiễm trùng. Ba năm trước bà S. lại cắt 1/3 bàn chân trái do chủ quan trong điều trị. Ban đầu, các ngón chân chỉ sưng, đỏ, bà tự bôi thuốc nhưng không đỡ, ngón chân nứt toác, đen kịt lại.
Sau Tết, bàn chân phải của bà S. lại tím đen, xuất hiện vết loét ở lòng bàn chân. Bà vội đi khám và điều trị sớm nên may mắn chưa bị tháo ngón chân.
Bác sĩ Thiện cho biết người bệnh đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm giảm lượng máu đến bàn chân. Điều này làm các vết loét lâu lành. "Sau Tết nguyên đán, các ca bệnh nặng phần lớn là bệnh nhân lớn tuổi, kiểm soát bệnh kém, không đến khám đúng hẹn, chủ quan trong việc chăm sóc và theo dõi tại nhà, trì hoãn kiểm tra định kỳ do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan…”, bác sĩ Thiện nói.
Tại khoa Chăm sóc bàn chân, khoảng 95% bệnh nhân có viêm nhiễm do biến chứng đái tháo đường loét chân. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường đôi khi chủ quan, không biết chăm sóc bàn chân dẫn đến hoại tử. Bệnh nhân loét bàn chân đều nhập viện ở mức độ nặng, hoại tử lan rộng, phải phẫu thuật cắt lọc cấp cứu để tránh nhiễm trùng huyết. Trong khi đó, việc điều trị bàn chân đái tháo đường khá phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp đồng thời nhiều chuyên khoa.
Ngoài biến chứng tổn thương các chi, bệnh nhân đái tháo đường còn bị xuất huyết võng mạc dẫn tới mù lòa, suy thận, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim… Đây là những tổn thương không đảo ngược được, nên việc phát hiện sớm sẽ tận dụng được "thời gian vàng" trong điều trị và hạn chế biến chứng cho người bệnh.
Tiến sĩ - bác sĩ Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực... Việc chẩn đoán và điều trị sớm chính là "chìa khóa" để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm, trong đó có biến chứng bàn chân.
Nếu người bệnh đã được chẩn đoán, xác định chính xác đái tháo đường, tuyệt đối không tự dừng thuốc khi triệu chứng đã giảm. Bởi khi đã mắc đái tháo đường được các bác sĩ kê đơn uống thì đường huyết trở về ổn định. "Ổn định ở đây là do thuốc, không phải cơ thể đã được điều trị dứt điểm đái tháo đường. Cùng với việc duy trì uống thuốc, người bệnh cần phải thăm khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ, không tự ý bỏ điều trị, không tự mua thuốc lá, thuốc nam để điều trị…", bác sĩ Hiệp lưu ý.
Giai đoạn đầu khi đường huyết không ổn định, người bệnh có thể khám theo lời hẹn 2 tuần/lần, 1 tháng/lần; khi đường huyết ổn định đi khám định kỳ 2- 3 tháng/lần. Người bệnh không tự ý cắt, lọc bỏ các đốm đen hoại tử nếu chưa được bác sĩ hướng dẫn. Kể cả chưa tới lịch hẹn tái khám nhưng cần đến khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng bất thường vùng da ở bàn chân, thay đổi màu sắc, sưng nề, thay đổi nhiệt độ, có nốt chai sần, có đốm đen hoại tử... để tránh các biến chứng đáng tiếc.
Theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới, cứ 20 giây sẽ có một người bị đoạn chi do đái tháo đường. Tại Việt Nam, số người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường khoảng 5 triệu, chiếm hơn 7% dân số, trong đó hơn 2 triệu người chưa được chẩn đoán.
Đặc biệt, biến chứng loét bàn chân do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh phải nhập viện và đoạn chi không do chấn thương. Tỷ lệ xuất hiện loét chân của người bệnh đái tháo đường có thể lên đến 25%. Nguy cơ bị đoạn chi ở người bệnh đái tháo đường tăng gấp 15-40 lần so với người không mắc. Tỉ lệ tử vong sau khi đoạn chi là 13-40% sau một năm, 35-65% sau 3 năm và 39-80% sau 5 năm.
Minh Hoa (t/h)