Cử nhân 9X khởi nghiệp với thu gom ve chai
Vốn là cử nhân đại học nhưng với ước mơ làm chủ và mong muốn tạo ra công ăn việc làm cho thanh niên trẻ, anh Nguyễn Vạn Tiến (Q.5, TP.HCM) chọn khởi nghiệp với ve chai.
Từ những ngày còn ngồi trên giảng đường Đại học Công nghệ Sài Gòn, Nguyễn Vạn Tiến (quận 5, TP.HCM) đã xác định sau này sẽ khởi nghiệp thay vì đi làm công. Chàng trai 9X chọn khởi nghiệp với ve chai từ năm 2012 cho đến nay.
Vô tình trong những chuyến đi thu gom ve chai để làm kế hoạch nhỏ cho trẻ em ở địa phương, anh Tiến nhận thấy "những vật liệu có thể sử dụng được mà bỏ thì rất phí". Anh nghĩ đến câu chuyện ‘cũ người mới ta’ sau đó bén duyên với nghề thu mua ve chai và thành lập công ty với dịch vụ quản lý, tái chế phế liệu.
Nhân viên công ty đi thu gom ve chai ở các nguồn thải đã được ký kết như: trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, trường học,... sau đó phân loại và vận chuyển về trạm ép hoặc nhà máy của các đơn vị tái chế. Hình thức này sẽ bỏ qua được các khâu thu gom ve chai truyền thống và tiết kiệm được thời gian, có nguồn ve chai ổn định hơn.
Anh Tiến chia sẻ: "Ban đầu tôi gặp khá nhiều khó khăn vì là dân tay ngang khởi nghiệp, không có kinh nghiệm và mình chọn đi theo mua ve chai truyền thống bằng xe máy hoặc xe đẩy để thu gom. Về vấn đề nhân sự, vì các bạn trẻ không ai thích nghề này bởi nó dơ, phải lao động bằng chân tay và ngành nghề mang đến sự mặc cảm cho bản thân người làm nên thời gian đầu khó tìm kiếm người làm".
Đội ngũ hiện tại do anh Tiến thành lập có 14 nhân sự đa phần là các thanh niên, người không có việc làm. Sẽ thu gom tại các cửa hàng thức ăn nhanh, trường học, bệnh viện, phường xã, tổ chức môi trường và hoạt động tại 8 quận, huyện của TP.HCM.
Anh Tiến cho biết công việc này mang đến cho anh nguồn thu nhập tốt, một cái ‘máu’ khởi nghiệp và ‘máu’ tình nguyện ngấm vào người từ nhỏ nên mong muốn làm công việc độc lạ, có sự tác động tích cực đến xã hội.
"Mình muốn thay đổi tư duy và thói quen phân loại rác thải tại nguồn, hướng dẫn người dân trước và tụi mình chỉ cần đến và gom đi. Vừa đỡ tốn thời gian và mức phí thu mua ve chai, phế liệu bên mình cũng cao hơn, mình cũng có được nguồn hàng tốt. Định hướng sắp tới có thể số hóa ngành nghề này. Xây dựng trạm xanh vốn là vựa ve chai truyền thống, nơi tiếp nhận thu mua rác tái chế trong các khu dân sinh" - anh Tiến nói thêm.
Bạn Đàm Thánh Kiên (22 tuổi, quận 5, TP.HCM) bộc bạch: "Mình biết đến công việc này từ khi tham gia hoạt động Đoàn từ lúc mình còn thiếu nhi đến giờ, trong khoảng thời gian đó mình có gặp anh Tiến và quyết định tham gia. Làm công việc này mình không thấy tự ti mặc dù có thể là nó dơ, không thơm tho nhưng mình thấy công việc này giúp ích cho môi trường rất là nhiều".
Chị Võ Thị Bích Liên (quận 5, TP.HCM) bộc bạch: "Tôi thường xuyên tham gia hoạt động đổi rác lấy quà. Để các lon, thùng giấy sau khi sử dụng thì mang ra đổi, lấy phiếu đó mua lại mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, muối, dầu ăn dùng trong gia đình. Tôi thấy hoạt động này rất ý nghĩa, thường là người dân sẽ phân loại rác tại nguồn, góp phần hạn chế rác thải ra môi trường".