Cù Lao Chàm phát triển dựa vào đâu?

Chia sẻ Facebook
26/06/2022 14:24:49

Cù Lao Chàm (Quảng Nam) là hòn đảo chỉ vẻn vẹn chừng 15km2 nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng với hệ sinh thái đại dương.

"Phát triển ở Cù Lao Chàm là không phát triển gì, chỉ giữ nguyên vẹn những gì sẵn có" - Ảnh: ĐỖ HỮU TIẾN

Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, với vai trò như "một lồng ấp nở" thủy hải sản, Cù Lao Chàm là nơi có vệt san hô lớn, trong đó có nhiều loài lần đầu được tìm thấy trong vùng biển Việt Nam.


Phát triển là... giữ nguyên những gì đang có

San hô ở Cù Lao Chàm phân bố chủ yếu ở phía tây, tây nam đảo Hòn Lao và xung quanh các đảo nhỏ với tổng diện tích khoảng 165ha mặt nước.

Trước khi được UNESCO đưa vào danh sách khu dự trữ sinh quyển thế giới, việc bảo tồn ở Cù Lao Chàm gần như chưa được mấy quan tâm. Có những thời điểm Cù Lao Chàm đứng trước nguy cơ "trắng" đáy biển bởi các hoạt động đánh bắt tận diệt như giã cào, xâm phạm vào các khu vực sinh sản ấp nở của tôm cá.

Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm Nguyễn Văn Vũ cho biết nhiều năm trước, chính quyền Hội An đã sớm nhìn ra "mỏ vàng" vô giá về du lịch thiên nhiên ở cụm đảo này nên đã đưa Cù Lao Chàm vào quy hoạch chung bằng tư duy "phát triển ở Cù Lao Chàm là không phát triển gì, chỉ giữ nguyên vẹn những gì sẵn có".

Vị trí Cù Lao Chàm trên bản đồ - Ảnh chụp màn hình


Quản lý thế nào?

Có thể nói Cù Lao Chàm là nơi đầu tiên trên cả nước tổ chức quản lý dựa trên mô hình các quy chế (thực ra là các hương ước, giao ước). Câu chuyện không sử dụng túi nilông đã được đồng thuận và gây tiếng vang, tới nay là một hình mẫu bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái đáy biển, trong đó có các rạn san hô.

Ngoài ra, việc bảo vệ hệ sinh thái đáy biển (trong đó có san hô) được thực hiện dựa trên các hoạt động chính: tuần tra bảo vệ, ươm cấy san hô và việc vận động người dân đồng thuận. Một vùng "đỏ" chỉ phục vụ bảo tồn cũng được khoanh vùng, đánh dấu.

Ở những nơi này, bà con được tuyên truyền đánh bắt cụ thể vào các khoảng thời gian, loại hải sản gì, kích cỡ hải sản... và tuyệt đối không được đưa tàu vào khu vực đặc biệt này.

Nhưng mọi giải pháp về hành chính sẽ không hiệu quả nếu không có sự đồng thuận của ngư dân. Nhờ kiên trì vận động, giải thích bền bỉ và tạo sinh kế hấp dẫn từ việc giữ môi trường để giúp nâng cao thu nhập, tới nay người dân Cù Lao Chàm gần như tuân thủ tuyệt đối việc bảo tồn các phân vùng quanh đảo.

Từ năm 2014 trở đi, các hiện tượng như thả neo trong vùng rạn san hô, dùng thuốc nổ khai thác cá đã không còn. Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng tạo các vườn ươm san hô, hằng ngày cho chuyên gia, kỹ sư và thợ lặn mang bình oxy xuống đáy biển cấy ghép trồng tỉa các bãi san hô để phục hồi.

Người dân, các ngư dân còn được vận động dọn vệ sinh, nhặt rác dưới đáy biển, lặn bắt các loài sao biển gai... và là tai mắt theo dõi các tàu cá xâm phạm.

Chuyên gia lặn xuống đáy biển Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) khảo sát việc phục hồi rạn san hô - Ảnh: B.D.


Giá cao chót vót để hạn chế "du lịch đại trà"

Các hoạt động bảo tồn được bắt đầu từ năm 2006 và tới nay, diện tích rạn san hô ở vùng biển Cù Lao Chàm đã tăng lên gấp đôi. Kết quả khảo sát mới nhất ghi nhận có 292 loài thuộc 23 họ san hô cứng tạo rạn quanh Cù Lao Chàm.

Bảo tồn tốt, Cù Lao Chàm đã hút lượng lớn khách du lịch nhưng việc phát triển du lịch ở đây cũng không đánh đổi bằng mọi giá khi thành phố Hội An chỉ cấp "quota" 3.000 - 5.000 du khách ra đảo/ngày.


Các tour du lịch thiên nhiên chỉ là hoạt động trải nghiệm chứ không tác động tới tự nhiên. Các tour xuống đáy biển như lặn ngắm san hô, câu cá, thám sát đáy biển được mở nhưng rất hạn chế, phân từng khu vực và tuyệt đối không xâm phạm vào phân khu bảo tồn, phục hồi rạn san hô.

Giá các tour này cũng được áp cao chót vót để nâng cao giá trị, phục vụ bảo tồn. Nôm na là có bùng nổ du lịch nhưng không có loại hình "du lịch đại trà", du lịch tác động tới hoạt động bảo tồn.

Sau một mùa hè ai 'ở đâu yên đó' năm 2021, đến lúc này, ghi nhận ở nhiều điểm du lịch biển nổi tiếng cho mùa du lịch hè năm nay đang rất sôi động. Nhưng câu chuyện thời sự san hô tại Nha Trang chết hàng loạt vừa qua đang mọi người giật mình...

Chia sẻ Facebook