Củ Chi, Hóc Môn làm gì để đón 'đại bàng'?
10 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 430 triệu USD (khoảng 10.000 tỉ đồng) được trao chứng nhận đăng ký đầu tư vào hai huyện Hóc Môn và Củ Chi nhân hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện này tổ chức ngày 12-4.
31 biên bản ghi nhớ với tổng vốn hơn 16,2 tỉ USD cũng được các doanh nghiệp (DN) cam kết đầu tư. Nhiều vấn đề được chỉ ra để Hóc Môn và Củ Chi đón được "đại bàng" - những nhà đầu tư lớn.
Nhiều dự án lớn
Tại hội nghị, nhiều dự án khá lớn, tác động lan tỏa đã được công bố, trong đó có nhiều dự án hạ tầng. Như Công ty TNHH Logos Việt Nam TP.HCM 1 đã được trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Logos Logistics HCM có tổng vốn đầu tư tới 130 triệu USD (khoảng 2.990 tỉ đồng). Các dự án Logos Logistics HCM 2, Logos Logistics HCM 3 cũng được Công ty CP Bakersfield Enterprises, Công ty CP Fresno Industry đầu tư với số vốn lần lượt là gần 900 tỉ đồng và gần 650 tỉ đồng.
Ông Hughes Glenn Andrew - giám đốc Công ty TNHH Logos Việt Nam TP.HCM 1 - cho biết Củ Chi có nhiều điều kiện để thu hút các DN trong lĩnh vực logistics, DN này cũng đã mời gọi các đối tác, khách hàng đầu tư về kho bãi tại địa phương này với mong muốn đưa ra các giải pháp toàn diện trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa cho TP.HCM.
Công ty TNHH AEON Mall Việt Nam cũng đã ký biên bản ghi nhớ xây dựng Trung tâm thương mại Aeon Mall Hóc Môn trị giá 250 triệu USD (5.750 tỉ đồng). Đại diện các DN đều đánh giá Củ Chi và Hóc Môn có nhiều lợi thế song đề nghị chính quyền hỗ trợ về pháp lý, giải phóng mặt bằng, nguồn nhân lực để các dự án sớm khởi động.
Trong khi đó, Quỹ đầu tư lớn CMIA Capital Partners cũng ký biên bản ghi nhớ đầu tư khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn xã Trung An trị giá khoảng 1,1 tỉ USD (25.300 tỉ đồng). Đại diện đơn vị đầu tư vào dự án này, ông Ken Chan đề nghị chính quyền địa phương tham gia vào đền bù, giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện giúp DN sẵn sàng tham gia dự án. Ngoài ra, các DN FDI cũng kiến nghị các địa phương giao thêm đất để các công ty đã hoạt động tại các địa phương này mở rộng hoạt động sản xuất.
Ông Nguyễn Việt Cường - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Cường - cho biết các DN hiện gặp khó về mặt pháp lý, "có thể năm nay đúng nhưng năm sau sai" khiến DN rất lo lắng. Theo ông Cường, các DN làm việc có trách nhiệm, làm tới nơi tới chốn nhưng những rào cản hiện nay khiến DN rất bức xúc. Do đó, ông Cường đề nghị các cơ quan chức năng xem DN như đối tác, khách hàng để trao đổi thường xuyên, giúp DN phát triển các dự án.
Không phải là "mâm cỗ mới" để nhà đầu tư bất động sản lợi dụng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là hội nghị xúc tiến đầu tư lớn sau đợt dịch lần thứ 4, với sự tham gia của 550 đại biểu, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn. Chủ tịch nước lưu ý các DN cam kết phải thực hiện, nếu không sẽ nêu tên trước Quốc hội. Đặc biệt, ông nhấn mạnh Củ Chi và Hóc Môn không phải "mâm cỗ mới" để các nhà đầu tư bất động sản tận dụng cơ hội từ cơn sốt giá nhà ở TP.HCM.
Chủ tịch nước đề nghị TP.HCM phải phối hợp với các bộ ngành nhanh chóng xắn tay tháo gỡ các nút thắt về cơ chế để sớm huy động nguồn lực đầu tư các tuyến cao tốc có tính huyết mạch, kết nối như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, hoàn thành đường vành đai 3 để đưa Hóc Môn, Củ Chi ở khu vực phía tây đến gần khu phía đông và ngược lại. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng đề nghị đầu tư đường vành đai 4 để kết nối vùng TP.HCM, tuyến đường ven sông Sài Gòn với khu vực nội thành, kết nối hai huyện với sân bay, cảng biển quốc tế...
"Bộ Chính trị sẽ có cơ chế để phát triển đường vành đai 3 nhanh hơn, thuận lợi hơn. Hôm nay tôi cũng nói phải khởi công nhanh tuyến An Sương - Mộc Bài. Đã nói rất lâu rồi, Tây Ninh và TP.HCM đã làm nhiều biên bản rồi, thậm chí có tiền làm rồi nhưng triển khai vẫn còn chậm", Chủ tịch nước nói.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị điều chỉnh quy hoạch hai huyện phù hợp với định hướng chiến lược mới, xứng tầm cực tăng trưởng chất lượng cao. "Phát triển Hóc Môn, Củ Chi không thể tiếp tục bị sai lầm trong phát triển", ông nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cam kết lãnh đạo TP sẽ nỗ lực tối đa, triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất, thời gian nhanh nhất, hiệu quả nhất có thể với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho các DN đến làm ăn.
TP.HCM sẽ cập nhật quy hoạch
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, các bộ, ngành và góp ý sâu sắc, thiết thực của các nhà đầu tư cho TP. TP sẽ cập nhật vào quy hoạch chiến lược phát triển, trước hết là cập nhật vào quy hoạch chung, quy hoạch tích hợp của TP phát triển khu tây bắc, quan tâm đến công tác quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông.
Với một số vấn đề vướng mắc được nêu ra tại hội nghị như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, người đứng đầu UBND TP cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương phối hợp xử lý, triển khai trong thời gian sắp tới.
Tại hội nghị, TP.HCM kêu gọi đầu tư cho 55 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn đầu tư 12.414 tỉ USD (tương đương 285,524 ngàn tỉ đồng). Ngay cuối hội nghị, TP.HCM đã trao 10 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi với tổng vốn hơn 430 triệu USD. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng ký 31 biên bản ghi nhớ đầu tư vào hai huyện này với tổng vốn khoảng 16,2 tỉ USD.
Đáng chú ý, nhiều DN bất động sản cũng ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư vào hai huyện này với các dự án khu đô thị có nguồn vốn từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỉ đồng.
Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho rằng đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi (TP.HCM) là cần thiết và nhiều triển vọng. Đó là đánh thức đúng lúc tiềm năng của khu vực phía bắc TP vốn dĩ như "của để dành".