Cú 'Bank Run' chấn động thị trường tiền số: Dòng người tháo chạy khỏi Luna, TerraUSD thổi bay 60 tỷ USD, tiếc nuối vì 'những quyết định vội vàng'
Thị trường tiền số vừa trải qua đợt "Bank Run" chấn động vì Luna, TerraUSD.
Tờ Bloomberg vừa có bài viết phân tích về đợt khủng hoảng của Luna, TerraUSD thời gian vừa qua. Cú sụp đổ đã thổi bay 60 tỷ USD vốn hóa thị trường. Và việc này được Bloomberg ví như một sự cố "Bank Run" của lĩnh vực tiền số.
Rút tiền hàng loạt (Bank Run) là hiện tượng xảy ra khi rất nhiều người đồng loạt rút tiền gửi khỏi ngân hàng hoặc các định chế tài chính khác do lo ngại chúng mất khả năng thanh khoản hoặc sắp phá sản.
Dưới đây là phần lược dịch của bài viết.
Mùa thu năm ngoái, theo lời khuyên của một người bạn, Odosa Lyamuosa đã đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm trị giá 4.000 USD của mình vào một đồng tiền số có tên là Luna. Chàng trai 28 tuổi sống ở Abuja, Nigeria đã tự tra cứu thông tin về đồng tiền này và những gì anh tìm thấy đều có vẻ rất tiềm năng.
Giá Luna đã tăng chóng mặt nhờ thành công của một đồng khác cùng trong hệ thống là TerraUSD. Một vài tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp tiền số cũng đã đầu tư vào đây gồm cả Galaxy Holdings, Jump Trading và Coinbase rồi Binance.
Với Lyamuosa, đó dường như là hy vọng lớn nhất để thoát khỏi Abuja – nơi anh nói rằng nhiều công việc chỉ trả lương 2 USD/ngày, thậm chí ít hơn. Anh đã gom hết số tiền ít hỏi bán giày Nike và Adidas nhái cho những người mua ở địa phương. Anh muốn tăng khoản tiết kiệm của mình lên 16.000 USD và đăng ký một chương trình phân tích dữ liệu tại một trường đại học ở Toronto với hy vọng sau đó nhận được một công việc ở công ty Mỹ lớn như Netflix hay Google. Và trong vài tháng, dường như kế hoạch của anh đang diễn ra hoàn hảo. Giá trị đồng Luna tăng gấp đôi. "Tôi đã gửi tiền cho mẹ và anh chị em của mình. Tôi có thể ăn uống ngon hơn một chút".
Sau đó vào tháng này, Luna và TerraUSD đã sụp đổ. TerraUSD vốn được gọi là stablecoin – đồng tiền ổn định thuật toán luôn giữ giá trị ngang với 1 USD. Tuy nhiên, giá của nó đã giảm xuống dưới 1 USD và tiếp tục giảm hơn nữa. Còn token Luna từng trị giá hơn 100 USD đã giảm xuống dưới 1 xu, tất cả đã thổi bay lượng vốn hóa thị trường trị giá 60 tỷ USD.
Lyamuosa nói rằng giá trị lượng tiền số của anh hiện chỉ trị giá 3 xu. "Tôi không biết phải làm gì – Tôi cảm thấy như chết rồi vậy". Lyamuosa nói anh đã quyết định không tự sát vì điều đó sẽ khiến mẹ anh vô cùng khổ sở.
Trong suốt 2 năm giá Bitcoin, Dogecoin và những đồng tiền số khác tăng chóng mặt nhờ tâm lý đám đông sợ bị bỏ lỡ cơ hội, nhiều người đã xây dựng được khối tài sản khổng lồ chỉ sau 1 đêm. Những người ủng hộ DeFi – hình thức tài chính phi tập trung nơi người dùng có thể gửi, vay và cho vay tiền số luôn hứa hẹn về một mức lãi suất cao với rủi ro thấp lại không cần phải tuân thủ theo những quy định về tài chính thông thường.
Một lý do khiến TerraUSD nổi tiếng là bởi những người nắm giữ được đề nghị mức lãi suất tới 20%. Ngành tiền số cũng được khuyến khích rộng rãi hơn bởi tâm trạng FOMO của nhiều người bị kích thích bởi những quảng cáo đầu tư vào tiền số là cách kiểm soát tương lai.
"Tôi cảm thấy như đang chứng kiến căn nhà của chính mình bị thiêu rụi"
Hiện tại, mạng xã hội đang tràn ngập những câu chuyện từ các nhà đầu tư như Lyamuosa – những người nói rằng họ đã mất đi toàn bộ tiền tiết kiệm vì Luna. Một danh sách những số điện thoại đường dây nóng về tự sát đã được neo lên đầu của diễn đàn Reddit.
Sự sụp đổ của 2 đồng tiền này đã dẫn tới một cuộc tháo chạy tài sản kỹ thuật số, thổi bay 300 tỷ USD từ toàn bộ thị trường tiền số trong 1 tuần kết thúc vào ngày 13/5. Bitcoin – đồng tiền số từng được giao dịch ở mức 60.000 USD khoảng hồi tháng 10 hiện đã chỉ còn nửa giá trị. Hiện tại, toàn bộ thị trường tiền số đang trở nên dễ lung lay hơn.
Không lâu trước đây, những người chống lưng cho Luna và TerraUSD đang bàn về việc liệu chúng có thể thiết lập lại thị trường tài chính. Người tạo ra những đồng này là Do Kwon, 30 tuổi người Hàn Quốc, từng học lập trình tại Stanford. Anh này nói rằng không chỉ tạo ra một dạng thức đồng tiền kỹ thuật số mới mà còn là một hệ thống tài chính mới, vượt ra khỏi sự kiểm soát của chính phủ với ưu điểm rẻ hơn, nhanh hơn để sử dụng và có mức lãi suất cao hơn cho người tham gia. "Tạo ra một dạng thức phi tập trung của đồng tiền mà bạn có thể xây dựng một dạng thức hoàn toàn mới của hệ sinh thái tài chính là 'chén thánh' của tiền số và điều đó chính xác là những gì Terra làm", Kwon nói trong một video quảng cáo.
TerraUSD ra mắt vào năm 2020 nhưng nó chỉ gây được ít sự chú ý cho tới tháng 3/2021 khi Kwon ra mắt phần thứ 3 của mạng lưới: Anchor – một ngân hàng tiền số nơi người dùng có thể gửi Terra và nhận 20% lãi suất.
Có lẽ điều này khiến nhiều người hoài nghi? Thậm chí, một vài người trong thế giới tiền số đã tranh luận rằng sẽ không bền vững. Sau tất cả, mức 20% cao hơn cả lợi nhuận mà Bernie Madoff kiếm được từ quỹ đầu tư của mình. Tuy nhiên, Kwon đã tranh luận rằng đó là một thứ thay thế an toàn cho các ngân hàng như Wells Fargo, thậm chí nói rằng một ngày nào đó những công ty tài chính công nghệ khác như Venmo cũng có thể gửi tiền ở đây.
Năm 2021, giá Luna đã tăng 100 lần. Trên Twitter, Kwon nói không ai có thể ngăn chặn Terra và cười chê những người đặt câu hỏi về dự án của anh.
Nhà sáng lập Galaxy Digital Mike Novogratz đã tweet vào tháng 1 rằng: "Tôi chính thức là Lunatics" sau khi xăm trên tay trái với dòng chữ Luna ngay cạnh một con sói đang hú hướng tới mặt trăng. "Hình xăm của tôi sẽ luôn nhắc nhở rằng việc đầu tư mạo hiểm đòi hỏi sự khiêm tốn", vì tỷ phú này nói trong một bức thư viết vào ngày 18/5. (Hồ sơ cho thấy việc bán Luna đã tạo ra lợi nhuận 1 tỷ USD cho công ty của Mike vào năm ngoái).
Tuy nhiên, TerraUSD có một kẽ hở khi nó chia sẻ với các quỹ thị trường tiền tệ hay ngân hàng trước khi tạo ra bảo hiểm tiền gửi. Nếu người dùng mất niềm tin vào hệ thống, họ có thể vội vàng bán hoặc mua lại coin của mình và những người khác sẽ theo sau đó, sợ không thể nhận được 1 USD trên mỗi token nếu chờ quá lâu. Về lý thuyết, mạng lưới này có thể luôn phát hành ra nhiều token Luna hơn. Tuy nhiên, điều này cũng có rủi ro. Càng nhiều token được phát hành hơn, tương lai giá Luna càng giảm. Ở phố Wall, việc này được gọi là "vòng xoắn chết".
Khủng hoảng bắt đầu vào ngày 7/5. Luna đã giảm theo xu hướng chung của thị trường. Sau khi một trader "cá voi" thực hiện giao dịch lớn TerraUSD, giá đồng này giảm xuống 99 cent, đặt đồng này dưới rủi ro. Kwon đã bán một lượng lớn Bitcoin để lấy tiền khôi phục lại TerraUSD trong trường hợp khẩn cấp và trên Twitter anh đã dự tính mọi chuyện sẽ sớm ổn. Tuy nhiên ngày hôm sau, Terra tiếp tục sụt giảm, khiến Luna đổ vỡ theo.
Luna giảm hơn 1 nửa, xuống còn ít hơn 30 USD, sau đó mất thêm 2/3 giá trị vào ngày tiếp theo. Kwon đã kêu gọi người theo dõi mình đừng bán. "Hãy siết chặt lại… mạnh mẽ lên những lunatics". Tuy nhiên, không có gì ngăn cản được "vòng xoắn chết". Sáng ngày 13/5, có 6,5 triệu Luna trong lưu thông và giá đã giảm xuống 0,00001834 USD. Giá của TerraUSD sụt giảm xuống dưới 20 xu.
Yuamuosa – một nhà đầu tư người Nigeria nói rằng anh đã mất nhiều ngày kể từ khi chứng kiến sự sụp đổ của Luna hoài nghi mọi thứ. Anh vẫn trên Twitter và ứng dụng chat Discord để tìm một dự án tiền số sẽ giúp anh kiếm tiền lại. GIấc mơ chuyển tới Canada của anh dường như ngoài tầm với. "Chẳng còn gì cho tôi nữa, theo đúng nghĩa đen. Tôi không biết nữa. Thành thật mà nói, tôi không có việc làm, không có gì cả".
Những nhà đầu tư khác cũng nói rằng họ đã chuẩn bị tâm lý thị trường có lúc lên xuống nhưng chưa bao giờ tưởng tượng ra cú sụp đổ nhanh tới vậy.
"Tôi cảm thấy như mình đang chứng kiến ngôi nhà của chính mình bị thiêu rụi hay cái gì tương tự như vậy. Bạn không phải là một kẻ ngốc. Xin đừng đưa ra những quyết định vội vàng".
Về phần mình, Kwon có đăng dòng tweet: "Trái tim tôi vỡ nát với những nỗi đau mà sáng kiến của tôi đã gây ra cho tất cả các bạn", anh nói vào ngày 13/5. Anh nói rằng đã có một kế hoạch khôi phục hệ thống của mình.
Hiện thị trường tiền số đã có dấu hiệu ổn định trở lại. Tether – stablecoin phổ biến nhất đã giảm xuống dưới 1 USD nhưng sau đó đã hồi phục. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Terra đã gióng lên một hồi chuông cho những quy định về stablecoin ở Mỹ, Anh và Hàn Quốc. Các nhà chức trách Hàn Quốc đã tổ chức điều tra gian lận tài chính sau sự sụp đổ của Terra. Họ nói rằng một sự sụp đổ như vậy có thể gây rủi ro cho hệ thống tài chính mở rộng nếu tiền số và hệ sinh thái DeFi phức tạp tiếp tục lớn hơn.
"Rất nhiều người nghĩ rằng stablecoin rồi sẽ tốt như đồng đôla", theo Rohit Chopra – Giám đốc US Consumer Financial Protection. "Nhưng giờ họ đã biết rồi đấy, mọi thứ không phải vậy".
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.
Nguồn: Bloomberg BusinessWeek
Vân Đàm
Theo Nhịp Sống Kinh Tế