Cụ bà U100 suốt 30 năm "nặng lòng" với sinh viên nghèo
Người mẹ xứ Huế thấu hiểu sự vất vả của sinh viên nghèo xa quê lên thành phố học nên suốt 30 năm qua đã sẵn sàng cưu mang, cho các em được ở trọ miễn phí. Hơn 200 sinh viên đã được mệ giúp đỡ và thành đạt.
Có những người dành cuộc đời cho gia đình, xã hội, hy sinh cả hạnh phúc cá nhân mà không hề một lời oán trách. Giống như câu chuyện của "mệ Diệp" – một người phụ nữ 90 tuổi, đằng đẵng suốt 30 năm âm thầm cưu mang, cho các em học sinh nghèo có một mái nhà để ở hoàn toàn miễn phí.
Báo Tổ Quốc viết, mệ (mẹ - cách gọi của người Huế) Huỳnh Thị Diệp ngụ phường Kim Long, TP Huế, lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, lại đông anh chị em nên từ sớm đã phải tự bươn chải, kiếm sống. Ngày còn đang tuổi thanh niên, mệ Diệp làm nhiều công việc từ phụ bếp, hậu cần trong nhà thờ, bất cứ việc gì mệ cũng nhận làm, vất vả đến mấy cũng không từ chối. Cứ thế, mệ ở vậy để phụng dưỡng ba mẹ mà không tìm cho mình một mái ấm riêng.
Rồi một sự cố đã xảy ra với người phụ nữ này vào năm 28 tuổi khiến một bên mắt trái bị thương. Dù đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật nhưng mắt mệ vẫn nhoè đi. Đến khi tuổi cao, mệ Diệp gần như không còn thấy ánh sáng.
Điều khiến ai cũng ấn tượng với người phụ nữ lớn tuổi này là dù ngoại hình có phần nhỏ bé nhưng mệ có một tấm lòng, tình yêu thương bao la, cao cả đặc biệt đối với học sinh nghèo. Nói về cái duyên cưu mang các cháu sinh viên đến Huế học, mệ Diệp kể: “Cứ mỗi lần đến mùa thi cử mệ lại thấy hình ảnh những người cha, người mẹ vất vả đưa con đi thi. Họ chắt chiu từng đồng tiền lẻ, bán con bò con heo để có tiền làm lộ phí đưa con vào Huế thi đại học, đến nơi thì loay hoay đi tìm trọ tìm nơi nghỉ chân để con cháu có thể yên tâm ôn tập” , báo Tổ Quốc dẫn lời mệ Diệp.
Thấu hiểu sự vất vả và tấm lòng của những người cha mẹ ấy, mệ Diệp đã quyết định dang rộng vòng tay, giúp đỡ các cháu sinh viên có một mái nhà hoàn toàn miễn phí. Bắt đầu từ năm 1990 đến nay đã hơn 30 năm mệ cho sinh viên ở nhờ nhà.
Mệ Diệp không có con nhưng lại hạnh phúc khi có rất nhiều cháu dù không phải ruột thịt. Mệ tâm sự với báo Tổ Quốc: "Không có gia đình nhưng tôi không thấy buồn chi hết, các cháu sinh viên luôn yêu thương và ở với tôi là tôi thấy mừng rồi".
Mệ luôn hết mực yêu thương, quan tâm chăm sóc, nhắc nhở các em từng ly, từng tý, từ việc ăn ở, vệ sinh, giờ giấc cho đến chuyện học hành, tu rèn đạo đức. Đặc biệt, mệ rất nghiêm khắc, quản lý chặt chẽ, không để các em chơi bời, nhất là đi về khuya. Biết bao thế hệ dưới sự dìu dắt, yêu thương của người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu này đã nên người và thành đạt. Trong số đó, có những em thành công, có việc làm ổn định ở nhiều lĩnh vực như bác sĩ, kỹ sư, linh mục, giám độc doanh nghiệp…
Hơn 30 năm âm thầm chia sẻ, giúp đỡ, lan toả yêu thương đến cho đời, mệ Huỳnh Thị Diệp được Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế vinh danh là 1 trong 10 gương mặt phụ nữ tiêu biểu của tỉnh trong năm 2022.
Giống với mệ Diệp, mệ Tuyết - người bán hương trong làng Thủy Xuân (TP Huế) cũng có tấm lòng bao la sẵn sàng tự bỏ tiền túi của mình để giúp đỡ cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Báo Vietnamnet viết, mệ Tuyết tên thật là Tôn Nữ Ánh Tuyết, mệ gắn bó với công việc làm hương từ khi mới lên 9 tuổi.
Đặc biệt, suốt 8 năm qua, mệ Tuyết dành một phần lớn số tiền kiếm được để hỗ trợ cho các bệnh nhi điều trị bệnh hiểm nghèo tại bệnh viện Trung ương Huế.
Mỗi tháng mệ Tuyết giúp được khoảng 500 bệnh nhân. Mỗi suất là một bao lì xì 100.000 đồng và ít quà bánh, tổng số tiền dành cho hoạt động từ thiện lên tới 60 triệu đồng/tháng. Dù vậy mệ rất vui vì giúp đỡ được cho các cháu bệnh nhi khó khăn.
Có thể nói, việc làm và nghĩa cử cao đẹp của mệ Diệp hay mệ Tuyết thực sự đã thắp sáng lên hy vọng cho những đứa trẻ nghèo, lan toả nguồn năng lượng tích cực cho xã hội.
Xuất phát từ sự đồng cảm và cái tâm thiện lương, mệ Diệp đã giúp đỡ và cưu mang hàng trăm bạn sinh viên, như tiếp thêm sức mạnh, chắp thêm đôi cánh cho ước mơ của các em có cơ hội được bay cao, bay xa và trở thành sự thật.
Thật may mắn vì trong cuộc sống bộn bề và nhiều lo toan như hiện nay vẫn còn có những tấm lòng sẵn sàng sẻ chia với người khác, cho đi mà chẳng cần nhận lại. Hy vọng sẽ còn nhiều tấm "lá lành" đứng ra bao bọc, đồng cảm với "lá rách" để cuộc sống thêm tươi đẹp, ý nghĩa và nhân văn hơn.
Cùng tìm hiểu những câu chuyện thú vị khác TẠI ĐÂY !