Cứ 3 nam giới lại có 1 người uống rượu bia ở mức nguy hại
Theo cảnh báo của chuyên gia từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ lệ uống rượu bia của người trưởng thành tại Việt Nam ở mức cao, đặc biệt là ở nam giới.
Việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là ở giới trẻ. Điều này không chỉ tạo nên gánh nặng đối với y tế, gây tổn thất về kinh tế mà còn gia tăng các vấn đề xã hội.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tập huấn Cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge tổ chức trong hai ngày 5 - 6/7/2022.
Báo động tình trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam
Theo ThS Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.
Báo cáo toàn cầu năm 2018 của WHO cho thấy, Việt Nam chỉ xếp sau Lào và Hàn Quốc về lượng cồn nguyên chất tiêu thụ tại châu Á. Ước tính vào năm 2016, một người Việt Nam tiêu thụ trung bình 8,3 lít cồn nguyên chất, tương đương 170 lít bia mỗi năm và con số này có chiều hướng tiếp tục tăng.
TS Trần Quốc Bảo - Chuyên gia từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cảnh báo, tỷ lệ uống rượu bia ở người trưởng thành tại Việt Nam ở mức cao, đặc biệt ở nam giới. Theo kết quả điều tra yếu tố nguy cơ các bệnh không lây nhiễm của Bộ Y tế năm 2021, có tới hơn 64% nam giới và 10% nữ giới trưởng thành được hỏi cho biết có uống rượu bia 30 ngày qua.
Đáng chú ý, tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, đặc biệt là ở nam giới. Kết quả điều tra của Bộ Y tế cho thấy, cứ 3 nam giới lại có 1 người uống ở mức nguy hại.
TS Trần Quốc Bảo cũng nhấn mạnh, hành vi uống rượu bia đang ngày càng phổ biến ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam và tuổi bắt đầu uống rượu bia đang ngày càng trẻ hóa.
Yếu tố nguy cơ gây tàn tật và tử vong sớm hàng đầu tại Việt Nam
Theo ThS Nguyễn Tuấn Lâm, rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Trong đó, dẫn đầu là chế độ dinh dưỡng và xếp thứ hai là thuốc lá.
Báo cáo thực trạng rượu bia toàn cầu của WHO cho thấy, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, chấn thương. Phải kể đến trong số đó là chứng rối loạn tâm thần, ung thư, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh tiêu hóa, tổn thương hệ miễn dịch, tác động đến bào thai, gây hành vi nguy cơ chấn thương...
Theo thống kê của WHO, mỗi năm có hơn 548.000 trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hóa, nhiễm trùng và do một số bệnh khác; trong đó, ước tính có khoảng hơn 40.800 ca tử vong liên quan đến bia rượu, chiếm tỷ lệ 7,5%.
TS Trần Quốc Bảo nhấn mạnh, đối với thanh thiếu niên, rượu bia tác động ở cấp phân tử và cấp tế bào đến quá trình hình thành và phát triển của não, làm giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung của não bộ, gây ảnh hưởng đến quá trình học tập, tư duy của trẻ. Những nguy sức khỏe do rượu bia gây ra đối với thanh thiếu niên có thể kể đến như: ngộ độc, đột tử, tai nạn giao thông, hành vi bạo lực, phạm tội, tự tử, rối loạn tâm thần, quan hệ tình dục không an toàn, suy giảm miễn dịch, rối loạn dậy thì, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mắc bệnh mãn tính khi trưởng thành...
Theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan Quản lý dịch vụ sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện tại Mỹ, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống. Cụ thể, những người uống rượu bia sớm có khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần, khả năng tham gia bạo lực thể chất sau khi uống cao gấp 6 lần, khả năng tai nạn xe cộ do uống rượu bia cao gấp hơn 6 lần, khả năng bị chấn thương do uống cao gấp gần 5 lần so với những người uống rượu bia khi trưởng thành hơn.
Tại Việt Nam, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình. Sử dụng rượu bia đã và đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội.
Không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn
Theo khuyến cáo của WHO, để giảm thiểu nguy cơ, người bình thường không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần.
Nếu uống nhiều rượu bia đến mức có hại có thể dẫn tới tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính (ung thư, bệnh tim mạch…), nguy cơ chấn thương, bạo lực, giảm khả năng làm việc…. Ở mức nguy hại, rượu bia sẽ gây tổn thương cấp tính hoặc lâu dài về thể chất (tổn thương gan, xơ gan, bệnh tim mạch…), tâm thần (trầm cảm, loạn thần…) hoặc gây ra các hậu quả xã hội.
Nếu ở mức nghiện, người uống bị lệ thuộc vào rượu bia, đặc trưng bởi sự thèm muốn, mất kiểm soát, tăng mức độ dung nạp. Đây là bệnh lý thuộc nhóm bệnh tâm thần trong Phân loại bệnh tật quốc tế (ICD-10) của WHO.
TS Trần Quốc Bảo khẳng định, uống rượu bia ở mức độ nào cũng tăng nguy cơ mắc ung thư. Tác hại của rượu bia là do chất cồn gây ra, không phụ thuộc là bia hay là rượu mà phụ thuộc vào lượng uống (bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng) của mỗi người.
Cần tăng thuế, hạn chế quảng cáo tiếp thị rượu bia
Theo ThS. Nguyễn Tuấn Lâm, thuế rượu bia tại Việt Nam hiện nay vẫn đang ở mức thấp. Theo tính toán, tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ trung bình chỉ chiếm khoảng 30%. Trong khi đó ở nhiều quốc gia, mức thuế rượu bia chiếm khoảng 40% - 85% giá bán lẻ.
Báo cáo từ The Global Economy cho thấy, giá rượu bia ở Việt Nam nằm trong nhóm các nước thấp trên thế giới và trong khu vực. Cụ thể, giá rượu bia của Việt Nam xếp thứ 22 trong nhóm các nước thu nhập thấp và trung bình, xếp thứ 25 trong khu vực châu Á. Tại Đông Nam Á, giá rượu bia tại Việt Nam xếp thứ 8 trong khi dẫn dầu là Singapore.
Sử dụng sức mua tương đương (PPP) để so sánh, năm 2011, thuế đối với một lon bia ở Việt Nam là 0,12 USD, bằng một nửa so với Australia (0,24), Thái Lan (0,26) và New Zealand (0,28).
Nhiều chuyên gia cho rằng, giá rượu bia tại Việt Nam rất rẻ dẫn tới sức mua tăng mạnh. Ước tính từ Điều tra mức sống hộ gia đình cho thấy, chi tiêu của các hộ gia đình cho rượu bia tăng mạnh theo từng năm.
Một trong những nguyên nhân là do giá rượu bia tăng chậm hơn nhiều so với mức tăng thu nhập bình quân/người/năm. Nếu như ở năm 1998, để mua 10 lít rượu Vodka Hà Nội, rượu vang nội và rượu trắng nội địa, một người phải chi 8,2%, 5,9% và 1,6% GDP/người/năm thì đến năm 2014, tỷ lệ này chỉ còn 2,2%, 1,6% và 0,4%. Mức giảm cũng tương tự đối với mặt hàng bia.
Theo khuyến cáo của WHO, chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu bia, giúp giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu bia gây ra. Đây là một trong trong 5 giải pháp trong gói giải pháp SAFER mà Tổ chức Y tế thế giới đề xuất để giảm sử dụng rượu bia, bao gồm: hạn chế sự có sẵn của rượu bia; cấm lái xe khi đã uống rượu bia; điều trị, sàng lọc, can thiệp nhằm làm giảm tác hại về sức khỏe do uống rượu bia; cấm/kiểm soát việc quảng cáo, tài trợ rượu bia; tăng thuế để tăng giá rượu bia.
TS Trần Quốc Bảo cho rằng, khi giá của rượu bia tăng lên, lượng tiêu thụ và tác hại cũng sẽ giảm. Ngay cả những người uống nhiều hoặc lệ thuộc vào rượu bia cũng sẽ giảm lượng uống khi giá tăng lên.
Theo WHO ước tính, tăng thuế để giá tăng 10% sẽ làm giảm khoảng 5% tiêu thụ rượu bia. Giá rượu bia tăng 20% có thể làm giảm 13% mức tiêu thụ rượu bia (giảm 10% mức tiêu thụ bia, 16% mức tiêu thụ rượu mạnh và rượu vang).
Các chuyên gia của WHO, Bộ Y tế và Tổ chức HealthBridge đều cho rằng, việc tăng thuế để tăng giá các mặt hàng rượu bia đem lại nhiều lợi ích cho y tế công cộng, kinh tế và xã hội. Những lợi ích này bao gồm: làm giảm mức độ tiêu dùng, giảm tử vong, bệnh tật liên quan đến rượu bia, giảm chi phí y tế, cải thiện hiệu quả làm việc, giảm hậu quả về mặt xã hội của lạm dụng rượu bia và tăng thu ngân sách cho Nhà nước.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị nên bổ sung thuế tuyệt đối và chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp để có thể hạn chế các điểm yếu của thuế tỷ lệ như vấn đề chuyển giá và chuyển dịch tiêu dùng giữa các loại sản phẩm.
Ở một góc độ khác, nghiên cứu ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình cho thấy, hạn chế quảng cáo, tiếp thị rượu bia, đặc biệt là bia, đã giúp làm giảm được tổng lượng uống và lượng uống trung bình thường xuyên.
Nghiên cứu ở 17 quốc gia với thời gian theo dõi trong 13 năm cho thấy,, so với các quốc gia không áp dụng cấm quảng cáo rượu bia trên đài phát thanh và truyền hình, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia ở quốc gia cấm các hình thức quảng cáo này thấp hơn 11% và tỷ lệ tai nạn giao thông cũng thấp hơn 23%.