Cứ 100 người lớn thì 66 người có tài khoản thanh toán và con số này đang tăng nhanh
Ông Lê Anh Dũng - phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - cho biết tại họp báo Ngày không tiền mặt 2022 do Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức ngày 20-5 tại TP.HCM.
Ông Dũng cho biết, qua 3 năm tổ chức, sự kiện “Ngày không tiền mặt” đã khẳng định được ý nghĩa, sức lan tỏa lớn khi nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo của người dân, doanh nghiệp.
Hành vi, kỳ vọng người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, số hóa dịch vụ sâu rộng và tác động đa chiều của dịch COVID-19 đã khiến thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế và ưu tiên hàng đầu của người dùng.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 32,37% về giá trị; hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 88,42% số lượng và 139,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Mạng lưới thiết bị, điểm chấp nhận thanh toán được mở rộng, bao phủ cả nước có 20.552 ATM và 347.374 POS và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
Hiện tỉ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021.
Đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).
Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Đến tháng 4-2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Ông Lê Anh Dũng cho biết ngành ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng thanh toán, hệ thống công nghệ thông tin, triển khai các công nghệ mới, giải pháp tiên tiến để thiết kế, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, thanh toán an toàn, thuận tiện, giá cả phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm.
Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Cụ thể Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã phối hợp với các bộ cấp phép thí điểm Mobile Money cho 3 nhà mạng viễn thông; ban hành các tiêu chuẩn về thanh toán QR Code, tiêu chuẩn thẻ chip nhằm tăng cường kết nối, xử lý liên thông trong thanh toán cũng như tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác... Song song đó là ban hành hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân, mở thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC).
Con số tăng trưởng tỉ lệ thanh toán không tiền mặt trong thực tế còn cao hơn khi mảng giao dịch rất sôi động là mua hàng và chuyển khoản chưa được thống kê.