COVID-19 làm chậm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Đại dịch COVID-19 đã phần nào làm chậm việc phát triển kinh tế tuần hoàn - mô hình kinh tế chú trọng quản lý, tái tạo tài nguyên theo vòng khép kín - tại Việt Nam.
Tại Hội nghị thành viên thường niên của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam quy tụ 19 doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp đã xác định 2022 phải là năm tập trung tăng tốc để không thay đổi các mục tiêu tái chế đã đặt ra.
Sau gần 3 năm thành lập, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam với 19 thành viên là các doanh nghiệp lớn đã xây dựng được một hệ thống thu gom với hơn 2.000 đơn vị đối tác.
6 tháng qua, các doanh nghiệp trong Liên minh đã thu gom được hơn 1.200 tấn rác bao bì. Kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa được như mong muốn, do ảnh hưởng của đại dịch.
"COVID-19 đã khiến chúng tôi phải trì hoãn nhiều kế hoạch, khiến lượng rác bao bì thu gom được thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đạt được những thành quả đáng khích lệ khi tiếp tục xây dựng được mạng lưới các đối tác thu gom và tài chế ở 4 nhóm: khu dân cư, trường học, các điểm buôn bán và chính quyền một số thành phố lớn", ông Laurent Levan, Chủ tịch, Tổng Giám đốc URC Việt Nam, cho biết.
Trong giai đoạn kinh tế phục hồi, Liên minh đặt mục tiêu thu gom và tái chế khoảng 10.000 tấn chỉ riêng với vật liệu nhựa trong năm nay, cao hơn 2 - 3 lần mức hiện thu gom.
Luật Bảo vệ môi trường mới cũng có hiệu lực từ đầu năm nay cùng Nghị định quy định chi tiết đã có, theo đó các mô hình EPR, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong tái chế đã chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc. Việc các doanh nghiệp sản xuất lớn tiên phong tham gia sẽ có vai trò quan trọng.
"Chúng tôi đang chủ động tham gia để cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả quy định về EPR - mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất, vì cho rằng đây là việc đúng đắn để làm ngay. Việt Nam cũng đang là trường hợp để các nước khác như Thái Lan tham khảo về xây dựng EPR", ông Leonardo Garcia, Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam, nói.
"Quan trọng nhất chính là sự học hỏi và thay đổi nhận thức chúng ta có được trong quá trình thử nghiệm này. Khi thực sự bắt tay vào việc thu gom và tái chế bao bì, chúng ta sẽ học được nhiều từ thực tiễn và sau đó việc mở rộng quy mô thu gom mới có thể diễn ra", ông Jahanzeb Khan, Tổng Giám đốc Suntory Pepsico Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam, đánh giá.
Theo giới chuyên gia, kinh tế tuần hoàn là cuộc chiến dài hơi và không thể ra kết quả trong một sớm một chiều, đòi hỏi nỗ lực tất cả các bên mới có thể thành công. Kinh nghiệm tại các nước châu Âu dù đã đi trước vài chục năm, nhưng hiện tỷ lệ bao bì được tái sử dụng cũng chỉ từ 60 - 80%.
Một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mà Việt Nam đang hướng tới là cơ sở để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính như đã cam kết tại COP26.